Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên - 28/08/2023
Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ
Lời Chúa - Mt 23,13.15-22:
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các kinh sư và người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.
“Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.” Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các người còn nói: “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.” Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”
Suy niệm:
Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói đến Các Mối Phúc. Ngài chúc mừng những ai thuộc về Nước Trời bằng các lời “Phúc cho”. Còn trong chương 23 của Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu lại 7 lần dùng lối nói “Khốn cho”, khi nói với giới lãnh đạo Do Thái giáo là các kinh sư và người Pharisêu. Đức Giêsu không phải là người đầu tiên dùng lối nói khó chịu này. Các ngôn sứ thời xưa như Amốt hay Isaia (Am 6,1; Is 5,8-24) cũng đã lắm khi dùng lối nói ấy để tố cáo những người quyền thế. Mục đích của các ngôn sứ là vạch trần những sai phạm của họ và cảnh báo cho mọi người biết mà tránh xa.
Đức Giêsu đã nói như một vị ngôn sứ. Khi nói “khốn cho”, Ngài không có ý nguyền rủa hay kết án ai cho bằng nói lên sự đau xót, thậm chí là giận dữ đến độ trách phạt. “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!” Đức Giêsu đã nói như thế với các thành phố từ chối Ngài (Mt 11,21). “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24). Đây không phải là một lời chúc dữ cho Giuđa, hay kết án anh phải đời đời hư mất. Đúng hơn, nó diễn tả một sự tiếc nuối xót xa về tội của người môn đệ.
Vào thời thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng, từ sau năm 70, có một sự xung đột nghiêm trọng giữa các Kitô hữu gốc Do Thái với giới lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ. Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh sự căng thẳng đó. Các kinh sư và những người Pharisêu đầy quyền lực không muốn đồng bào của mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh. Ai tin sẽ bị trục xuất khỏi hội đường (x. Ga 9,22). Như thế, họ đã khóa cửa Nước Trời để chẳng ai vào được, kể cả họ (c. 13). Các kinh sư và người Pharisêu hăng say trong việc truyền đạo Do Thái. Họ muốn làm cho dân ngoại trở thành Dân Chúa. Tiếc thay, sau khi đã vào đạo rồi, những người tân tòng này có thể trở nên cứng nhắc vì nệ luật, và rơi vào thói giả hình. Họ “trở thành con cái của hỏa ngục gấp đôi các ông” (c. 15). Đức Giêsu cũng tố cáo sự phân biệt quá chi li về giá trị những lời thề. Đối với Ngài, thề nhân danh Đền thờ hay vàng trong Đền thờ, nhân danh bàn thờ hay lễ vật trên bàn thờ (cc. 16-20), thì cũng chẳng khác gì thề nhân danh chính Thiên Chúa (cc. 21-22). Tất cả lời thề đều phải được giữ như nhau, đều ràng buộc như nhau.
Những lời tố giác của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo vẫn đặt câu hỏi cho chúng ta thời nay. Làm sao để tôn giáo mở đường cho con người gặp gỡ Thiên Chúa, chứ không khép lại hay gây cản trở? Làm sao để người tân tòng thực sự trở thành con cái Nước Trời? Làm sao để chúng ta khỏi sa vào những chi li thái quá của luật lệ? Những lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại mình và thay đổi.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan