Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên - 16/09/2024
Thánh Conêliô, Giáo hoàng, và thánh Siprianô, Giám mục, Tử đạo, lễ nhớ
Lời Chúa - Lc 7,1-10:
Khi ấy, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi! là nó đi; bảo người kia: “Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
Suy niệm:
Viên đại đội trưởng ở đây là người coi một trăm quân. Ông đã nghe đồn về khả năng chữa bệnh của Đức Giêsu. Nhưng ông chẳng hề dám gặp mặt Ngài, vì ông biết mình là dân ngoại, bị người Do Thái coi là nhơ uế. Bởi tình thương đối với anh nô lệ mà ông yêu quý, ông đã mạnh dạn nhờ các kỳ mục Do Thái xin Đức Giêsu đến nhà ông để cứu sống anh nô lệ đang bệnh nặng gần chết (cc. 2-3). Sau khi nghe kể lại những điều tốt đẹp viên sĩ quan Rôma này đã làm, Đức Giêsu liền lên đường đến nhà ông ấy để chữa bệnh (cc. 4-6).
Khi Đức Giêsu còn trên đường, vị sĩ quan này đã suy nghĩ và đổi ý. Ông chẳng những thấy mình không đáng đến gặp mặt Ngài, nhưng còn không đáng đón Ngài vào nhà mình nữa, căn nhà vẫn bị coi là ô uế của một người dân ngoại (c. 6). Ông muốn ngăn Ngài lại trước khi Ngài đến nhà ông, nên đã sai một số bạn hữu ra gặp Ngài trên đường (c. 6). Nơi ông bùng cháy một niềm tin mạnh mẽ. Ông tin rằng chẳng cần Ngài vào nhà ông và gặp anh nô lệ sắp chết. Chỉ cần Ngài nói một lời cũng đủ làm cho anh ta lành mạnh (c. 7).
Viên đại đội trưởng tin vào sức mạnh của lời Đức Giêsu. Đối với ông, lời ấy có uy lực như một mệnh lệnh. Là một sĩ quan trong quân đội Rôma, ông hiểu thế nào là sự phục tùng của lính tráng dưới quyền. “Tôi bảo người này: “Đi!” là nó đi; bảo người kia: “Đến!” là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!” là nó làm.” (c. 8). Lệnh được ban ra là phải thi hành. Viên đại đội trưởng tin rằng lời của Đức Giêsu cũng thế. Chỉ cần một lời cũng đủ làm cơn bệnh nguy tử phải thoái lui. Đức Giêsu ngỡ ngàng trước một lòng tin mạnh mẽ như vậy. Khó lòng tìm thấy lòng tin đó nơi cộng đoàn dân Ítraen (c. 9). Ngài đã không đến nhà viên sĩ quan, chẳng gặp mặt ông, cũng chẳng nói lời nào. Chỉ biết là sau đó anh nô lệ đã được khỏi (c. 10).
Ở đâu ta cũng gặp những người như viên sĩ quan Rôma. Họ có thể là mẫu mực cho các Kitô hữu về sự khiêm hạ và tín thác. Nhiều con người hôm nay, có tấm lòng thật tốt như viên sĩ quan, nhưng vẫn ngại chưa dám mời Chúa vào nhà, chưa dám trực tiếp gặp mặt Chúa, chỉ dám nói chuyện với Ngài qua trung gian. Nhưng họ có thể đã mang trong mình một niềm tin kiên vững và đã có kinh nghiệm về sự chữa lành kỳ diệu của Ngài. “Tôi không đáng được Ngài vào nhà tôi, chỉ xin Ngài nói một lời...” Có khi, chúng ta đã đánh mất ý thức về sự linh thánh khi rước Chúa. Có khi, chúng ta chẳng tin mấy vào quyền năng của Lời Ngài. Xin Chúa cho chúng ta có được lòng tin đơn sơ như một người dân ngoại.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan