Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên - 13/10/2022
Lời Chúa - Lc 11,47-54:
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các nhà thông luật rằng: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.”
“Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.”
“Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”
Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.
Suy niệm:
Ơn gọi ngôn sứ chưa bao giờ là một ơn gọi dễ dàng. Ngôn sứ là người bất ngờ được Thiên Chúa kêu gọi, để trở nên phát ngôn viên chính thức cho Ngài trước toàn dân. Thiên Chúa nói qua trung gian con người, nói bằng thứ ngôn ngữ con người để họ hiểu được. Ngôn sứ đã là người nghe trước khi là người nói, là cầu nối chuyển đạt cho dân sứ điệp mình đã lãnh nhận.
Sứ điệp của Thiên Chúa lắm khi là những lời cảnh báo, răn đe, nên công việc của ngôn sứ không dễ được mọi người đón nhận. Ngôn sứ có thể tố cáo tính vụ hình thức nơi phụng vụ trong Đền thờ, những người dâng lễ vật cho Chúa, nhưng lại bóc lột anh em (Is 1,11). Ngôn sứ cũng dám nói lên những điều chưa tốt nơi hàng tư tế, những hư hỏng, bất công của vua quan (2 Sm 12,7), và những bất trung của dân chạy theo ngẫu tượng dân ngoại. Phải có can đảm và thao lược mới dám nói điều Chúa bắt mình nói. Số phận của một ngôn sứ thường gắn liền với đau khổ và bách hại. Môsê và Êlia đều đã có lúc xin được chết cho xong (Ds 11,15; 1 V 19,4). Giêrêmia cũng chỉ muốn từ nhiệm, nhưng không được (Gr 20,7-18). Dacaria bị ném đá và giết trong sân Đền thờ (2 Sb 24,20-22).
Vào thời Tân Ước, các ngôn sứ cũng chịu chung số phận. Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu và các tông đồ đều nếm khổ đau và cái chết. Bài Tin Mừng hôm nay nói đến máu mà bao ngôn sứ đã đổ ra. Từ thời Hêrôđê đại đế, người ta bắt đầu xây lăng mộ cho các ngôn sứ, nhưng chuyện bắt bớ và sát hại các ngôn sứ thì vẫn kéo dài. “Thế hệ này sẽ phải trả lời về máu của mọi ngôn sứ đã đổ ra...” (c.50). Như vậy, thế hệ hiện tại cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác quá khứ, vì chính họ đang nhúng tay vào việc bách hại các người được Thiên Chúa sai (c. 49). Các nhà thông luật hay các kinh sư mà Đức Giêsu đang gặp gỡ sẽ có mặt trong Thượng Hội Đồng để luận tội Đức Giêsu (Lc 22,66). Máu vô tội của Đức Giêsu sẽ đổ ra trên đồi Sọ (Lc 22,20; Ga 19,34). Máu châu báu ấy thực ra không đòi nợ máu, không đòi trả thù. Máu ấy đổ ra để xóa tội cho muôn người (Mt 26,28), để giao hòa con người với Thiên Chúa. Một số người sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đổ máu Đức Giêsu, nhưng ngay cả những người ấy cũng có thể thoát khỏi án phạt nhờ chính dòng máu từ trái tim yêu thương của Đấng bị đóng đinh.
Đức Giêsu trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ giết mình. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đức Giêsu phục sinh đã sống sự tha thứ ấy khi Ngài chẳng hề báo thù những kẻ can dự vào cái chết của Ngài. Các tông đồ cũng lần lượt chia sẻ chén đắng của Thầy mình. Kitô hữu tự bản chất là ngôn sứ cho thế giới mình đang sống. Chỉ mong chúng ta cũng can đảm sống như Giêsu và chết như Giêsu.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan