Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên - 07/06/2024
LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU, lễ trọng
Lời Chúa - Ga 19,31-37:
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
Suy niệm:
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Thiên Chúa, phải đến với Giêsu. Muốn nhìn thấy Trái Tim của Giêsu, chúng ta có thể đứng từ nhiều vị trí. Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu cúi xuống trên những bệnh nhân và tội nhân, trên người thu thuế và gái điếm, trên phụ nữ và trẻ em. Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu nuôi dân ăn no, hay rửa chân cho các môn đệ. Nhưng có một chỗ đứng đặc biệt để nhìn thấu Trái Tim của Giêsu, nhìn rõ Trái Tim đó vào lúc yêu bằng tình yêu lớn nhất, chỗ đó là Núi Sọ, lúc đó là buổi chiều thứ sáu, áp lễ Vượt Qua, khi đó Trái Tim ấy đã ngừng đập và bị đâm thâu.
Chỉ riêng Tin Mừng thứ tư kể lại chuyện Đức Giêsu bị đâm vào cạnh sườn, khi Ngài chịu đóng đinh trên thánh giá. Có Mẹ của Ngài và người môn đệ Ngài thương mến đứng gần bên. Chính người môn đệ này đã chứng kiến tận mắt và muốn làm chứng một cách nghiêm túc cho các môn đệ tương lai về điều đối với ông thật là quan trọng, để họ cũng tin như ông (c. 35).
Câu chuyện xảy ra thật là đơn giản. Người Do Thái muốn hạ xác các người bị đóng đinh xuống, vì chiều thứ sáu là đã bắt đầu ngày sabát, cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ Vượt Qua, một đại lễ trong năm. Thấy Đức Giêsu chết rồi, lính đã không đánh giập ống chân nữa. “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (c. 34). Làm sao máu có thể chảy ra khi tim đã ngừng bơm máu và xác đã chết? Làm sao máu và nước có thể chảy ra một cách có vẻ biệt lập như vậy? Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích hiện tượng này, và đối với họ điều này không phải là không có khả năng xảy ra, đối với một người mới chết, đang ở tư thế thẳng đứng. Người môn đệ được Chúa mến thương đã chứng kiến cảnh tượng ấy hẳn đã nhận ra và trân trọng ý nghĩa sâu xa của nó.
Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu. Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy. Từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra dòng nước mà Ngài đã hứa ban trước đây. “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38-39). Dòng nước ấy là Thần Khí Ngài ban khi gục đầu tắt thở (Ga 19,30). Chính vào giờ Đức Giêsu chịu treo, người ta giết chiên Vượt qua để mừng lễ. Đức Giêsu mới là Chiên Vượt qua đích thực (Ga 1,29.36). Ngài chết như con chiên hiền lành bị đem đi giết, như người Tôi Trung (Is 53,7). Ngài chết như con chiên Vượt qua không bị đánh giập cái xương nào (c. 36).
Lễ Thánh Tâm cũng là ngày thánh hóa các linh mục. Chúng ta cầu cho các linh mục có trái tim của Thầy Giêsu, trái tim bị đâm thâu, nên đã mở ra để đón mọi người chẳng trừ ai, trái tim yêu đến cùng, yêu bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến hiến mạng.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Bài viết liên quan