Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên - 16/08/2024
Lời Chúa - Mt 19,3-12:
Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ”, và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”
Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”
Suy niệm:
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Lời của Đức Giê-su đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới. Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng. Tiếc thay, số vụ ly hôn nơi các Ki-tô hữu đã gia tăng đáng kể. Sống với nhau đến đầu bạc răng long trở thành một giấc mơ.
Trong xã hội Do-thái giáo thời Đức Giê-su, người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới. Người vợ là một thứ tài sản của người chồng, nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi chỉ vì một lý do cỏn con. Trước câu hỏi: “Chồng có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?” Đức Giê-su đã kiên quyết nói không (c. 6). Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế. Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần hay không ưng. Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo thời đó. Điều này khiến chính các môn đệ bị sốc (c. 10). Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ khi họ muốn.
Người Pha-ri-sêu trích sách Đệ Nhị Luật (24,1) để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Mô-sê (c. 7). Còn Đức Giê-su lại trích sách Sáng Thế (2,24) để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng. “Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác, mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động. Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4.8) và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa. Việc Mô-sê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8). Đức Giê-su đến để hoàn chỉnh Luật Mô-sê và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau. Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp. Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay. Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn. Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay. Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu, khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã, khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được, khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian... khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương, bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ... để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.
Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan