Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên - 14/08/2024

Suy Niệm Lời Chúa

Thánh Maximilian Kolbe, Linh mục, Tử đạo, lễ nhớ

Lời Chúa - Mt 18,15-20:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

“Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Suy niệm:

Trong Giáo Hội, ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi. Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17,3-4). Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn, vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giê-su, thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mát-thêu. Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15). Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một. Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp. Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi. Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình, nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp. Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe. Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục. Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe, thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17). Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố, không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo Hội, nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với các tín hữu, thì Giáo Hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của mình nữa.

Có thể ngày nay, Giáo Hội có những cách sửa lỗi khác, nhưng những nét dưới đây vẫn còn giữ nguyên giá trị: coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy, kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi, kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định. Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng, thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa. Đức Giê-su phục sinh đã cho Giáo Hội dưới quyền thánh Phê-rô được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16,19b; Ga 20,23) khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).

Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa. Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó, thì Cha trên trời cũng sẽ ban cho (c. 19). Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giê-su, thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20). Đức Giê-su là Đấng Em-ma-nu-en, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23). Đức Giê-su phục sinh cũng hứa ở cúng với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Chính vì thế, Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng nơi những cuộc hội họp nhỏ bé nhất giữa các tín hữu. Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa. Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn đồng hành với chúng ta khi chúng ta để cho Ngài quy tụ. Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Bài viết liên quan