Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên - 07/08/2024

Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa - Mt 15,21-28:

Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ, Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Đức Giê-su chữa bệnh từ xa, tại Tia và Xi-đôn, vùng đất của dân ngoại. Nhưng chuyện chữa bệnh không quan trọng lắm. Chuyện quan trọng là lòng tin của người phụ nữ Ca-na-an. Hẳn bà đã biết ít nhiều về Do-thái giáo, khi gọi Đức Giê-su là Con Vua Đa-vít. Con Vua Đa-vít là tước hiệu người Do-thái dùng để chỉ Đấng Mê-si-a. Bà tin Đức Giê-su có thể chữa lành con gái của bà.

Người phụ nữ trực tiếp gặp Đức Giê-su và ngỏ lời nài xin: “Xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Người mẹ đau vì con của mình đau. Bà kêu xin Đức Giê-su thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái. Nhưng bà chỉ gặp sự thinh lặng như thể Người không nghe thấy. Dầu vậy, bà vẫn không ngừng đi sau và kêu to. Tiếng kêu dai dẳng của bà đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội. Khi không chịu nổi được nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giê-su. “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Có vẻ các môn đệ muốn Thầy gặp bà và cho điều bà cần. Cho đến nay, vẫn chưa có cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giê-su. Người phụ nữ vẫn là người độc thoại. Nhưng Đức Giê-su vẫn chưa muốn nói chuyện với bà. Người chỉ nói với các môn đệ và xác định sứ vụ của mình: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Đây là lời từ chối đầu tiên, rõ ràng và dứt khoát. Nó như đặt một dấu chấm hết cho mọi hy vọng của người mẹ. Đức Giê-su như muốn nói: Đừng kêu la vô ích. Chị không phải là chiên của nhà Ít-ra-en. Dân ngoại lúc này không phải là sứ vụ của tôi, vì Cha tôi chưa sai tôi đến.

Lòng tin của người phụ nữ bị thử thách đến tột độ. Chắc bà bị cám dỗ bỏ đi vì sự thinh lặng lạnh lùng và sự từ chối cương quyết của Đức Giê-su. Nhưng trái tim của một người mẹ không cho phép bà làm thế. Bà trở nên táo bạo hơn và dám vượt lên trước để gặp Đức Giê-su. Trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục nài xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” (c. 25); khác với lúc nãy: “Lạy Ngài, xin dủ lòng thương tôi” (c. 22). Cả hai lời nài xin đều nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà. Xin giúp tôi bằng cách giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ. Hạnh phúc của người mẹ gắn liền với hạnh phúc của con, vì tình yêu nối kết cả hai nên một. Tuy vậy, lời nài xin này của trái tim người mẹ dường như vẫn chưa đụng được vào trái tim Thầy Giê-su. Người đưa ra lời từ chối thứ hai quyết liệt hơn và có thể gây tổn thương nghiêm trọng: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Con ở đây là dân Ít-ra-en, là người trong nhà, có quyền hành. Dân ngoại đôi khi được ví với chó nuôi trong nhà. Hai bên không ở trên cùng một mặt phẳng. Câu nói này của Đức Giê-su phản ánh cái nhìn của người Do-thái. Họ tự hào về tính ưu việt của mình trong tư cách là Dân riêng của Chúa. Nói chung, họ cho rằng chỉ họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Người phụ nữ không phản đối cái nhìn của Đức Giê-su. Bà không cảm thấy mình bị xúc phạm và giận dữ bỏ đi. Trái lại, bà đón nhận cái nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bà chấp nhận mình chỉ là chó con nuôi trong nhà, không phải là ông chủ đang ngồi tại bàn ăn. Bà tin rằng dù mình không đủ tư cách để ngồi dự bàn tiệc cánh chung như những người Do-thái, bà vẫn có thể được hưởng chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống. Bà vẫn giữ niềm hy vọng ngay khi bị từ chối thẳng thừng. Chính lời từ chối của Đức Giê-su lại mở ra niềm hy vọng.

Đức Giê-su bị ấn tượng bởi lòng tin của bà. Người kêu lên: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.” Đức Giê-su từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên đại đội trưởng (Mt 8,10-11). Giờ đây, Người đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con. Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin, khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối. Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng. Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giê-su, và cuối cùng, đã chạm được vào trái tim của Người. Đức Giê-su đã để mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất...

Bây giờ, Người mới thực sự nói chuyện với bà: “Này bà...” Người sẽ làm điều trước đây Người không định làm. Người sẽ đáp lại lòng tin của bà, lòng ao ước của bà chỉ bằng một lời nói từ xa cho một cô bé chưa hề gặp mặt: “Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Cô bé đã được chữa lành kể từ lúc đó. Mẹ cô đã được thương xót và trợ giúp. Đức Giê-su không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao. Người vẫn nghe tiếng kêu của con người và chấp nhận những ngoại lệ. Ngoại lệ cũng nằm trong Ý Cha. Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục. Ngoại lệ hôm nay sẽ mở đường cho sứ vụ ngày mai: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,” để “nhiều người từ Đông sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”

Xã hội hôm nay không thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám. Ám vì đủ thứ nghiện ngập do cuộc sống đem lại. Các bà mẹ thấy mình bất lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa. Nhiều khi, có cảm tưởng Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau. Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ dân ngoại, tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Bài viết liên quan