Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên - 04/09/2024
Lời Chúa - Lc 4,38-44:
Khi ấy, Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc, bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.
Suy niệm:
Sáng ngày sa-bát, Đức Giê-su đã giảng dạy ở hội đường Ca-phác-na-um. Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực. Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4,31-37). Có lẽ đến trưa, Đức Giê-su rời khỏi hội đường để về nhà ông Si-môn. Tiếc thay, bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ. Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này. Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà. Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39). Lập tức, cơn sốt phải rút lui. Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giê-su và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài. Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh. Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người, làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường và làm con người mất tự do. Đức Giê-su đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc. Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sa-bát là ngày lễ nghỉ, người ta mới đem cho Ngài những người đau yếu mắc đủ thứ bệnh tật. Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40). Đức Giê-su cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác. Không rõ khi nào Ngài mới dừng tay để đi ngủ, chỉ biết rằng khi trời hửng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ. Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha, Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến. Đức Giê-su không chỉ mê phục vụ đám đông, Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng. Nhưng đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh. Khi bắt gặp Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi là những điều có thể giữ chân người tông đồ. Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài, Đức Giê-su vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai. Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới. Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở. Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày. Đâu phải chỉ có thành Ca-phác-na-um, hay Na-da-rét, hay vùng Ga-li-lê. “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43). Chữ “phải đến” như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giê-su đi không ngừng nghỉ. Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành,... Rồi có ngày, việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giê-su cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến. Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt. Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giê-su.
Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan