Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên - 20/11/2024
Lời Chúa - Lc 19,11-28:
Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giêsu lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.”
Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ, ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.” Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.” Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.” Ông cũng bảo người ấy: “Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.”
Rồi người thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.” Ông nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!” Rồi ông bảo những người đứng đó: “Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.” Họ thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!” - “Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.”
“Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.”
Nói những lời ấy xong, Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem.
Suy niệm:
Khi Đức Giêsu đến gần Giêrusalem, nhiều người nghĩ rằng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện rồi. Họ cho rằng khi Ngài tiến vào thành thánh lẫm liệt như một vị vua, Nước ấy sẽ bừng tỏa trọn vẹn trên đoàn dân của Thiên Chúa (c. 11). Thật ra, Nước Thiên Chúa không đến nhanh như họ nghĩ. Đức Giêsu còn phải chịu đau khổ, chết, rồi được phục sinh. Sau đó, Giáo Hội còn phải chờ một thời gian dài trước khi Nước Thiên Chúa đến cách viên mãn qua việc Ngài trở lại. Thời gian của Giáo Hội là thời gian đợi chờ, thời gian lo làm ăn sinh lợi với những gì Chúa tặng ban. Đó chính là ý nghĩa của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay.
Một nhà quý tộc kia đi xa để lãnh nhận vương quyền. Trước khi đi, ông gọi mười người đầy tớ lại và trao cho họ mỗi người một số tiền không lớn lắm, là một đồng mi-na (nén bạc). Ông ra lệnh: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (c. 13). Khi nhà quý tộc trở về trong tư cách là vua, ông truyền gọi các đầy tớ lại để họ báo cáo về công việc làm ăn. Hai người đầy tớ đầu tiên đã sinh lợi không ít. Một người được lời thêm mười nén bạc, người kia được thêm năm nén. Cả hai được vua ban thưởng rất trọng hậu, cho cai trị các thành phố. Còn người thứ ba trả lại cho nhà vua nén bạc anh đã nhận. “Thưa Ngài, nén bạc của Ngài đây, tôi đã giữ kỹ nó trong khăn.” Tất cả tội của người đầy tớ này nằm ở thái độ giữ kỹ. Giữ kỹ thì chẳng mất gì, vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng giữ kỹ lại không thể làm cho nén bạc sinh lời. Hơn nữa, giữ kỹ là không vâng lời ông chủ trước khi đi: “Hãy lo làm ăn!” Người đầy tớ sợ ông chủ, vì ông là người nghiêm khắc (c. 21). Chính vì sợ làm ăn thua lỗ, sợ bị ông chủ trừng phạt, mà anh chọn thái độ chắc ăn là giữ kỹ nén bạc trong khăn. Thái độ này không được ông chủ, nay trở thành nhà vua, chấp nhận. “Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!” (c. 23). Ý của ông chủ là nén bạc cần phải được đầu tư để sinh lời. Nỗi sợ đã làm cho anh đầy tớ mất đi sự liều lĩnh cần thiết.
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc các Kitô hữu một điều cần. Giữ kỹ, giữ nguyên những gì Chúa ban vẫn chỉ là một thái độ tiêu cực. Kitô hữu là người tích cực sử dụng nén bạc vốn nhận được để sinh lời. Ra khỏi thái độ rụt rè, sợ hãi, để dám nghĩ, dám làm việc lớn cho Chúa, đó mới là thái độ đúng đắn của người Kitô hữu có trách nhiệm. Nếu không liều lĩnh trong những dự tính và hành động, nhiều nén bạc Chúa ban sẽ bị bỏ quên mãi trong khăn. Ông chủ trong dụ ngôn thật ra không phải là người ham lời. Ông chỉ muốn các đầy tớ trung tín trong việc rất nhỏ (c. 17). Nhờ dấn thân làm việc cho Nước Chúa, mà người Kitô hữu được lớn lên.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.