Chú giải Thư của Thánh Gia-cô-bê

Chú Giải
Chú Giải
Chú giải Tân Ước
Chú giải Cựu Ước

I. Ngũ Thư

01. Chú giải Sách Sáng Thế

02. Chú giải Sách Xuất Hành

03. Chú giải Sách Lê-vi

04. Chú giải Sách Dân Số

05. Chú giải Sách Đệ Nhị Luật

II. Các Sách Lịch Sử

06. Chú giải Sách Giô-suê

07. Chú giải Sách Thủ Lãnh

08. Chú giải Sách Rút

09. Chú giải Sách Sa-mu-en 1

10. Chú giải Sách Sa-mu-en 2

11. Chú giải Sách Các Vua 1

12. Chú giải Sách Các Vua 2

13. Chú giải Sách Sử Biên 1

14. Chú giải Sách Sử Biên 2

15. Chú giải Sách Ét-ra

16. Chú giải Sách Nơ-khe-mi-a

17. Chú giải Sách Tô-bi-a

18. Chú giải Sách Giu-đi-tha

19. Chú giải Sách Ét-te

20. Chú giải Sách Ma-ca-bê 1

21. Chú giải Sách Ma-ca-bê 2

III. Các Sách Giáo Huấn

22. Chú giải Sách Gióp

23. Chú giải Sách Thánh Vịnh

24. Chú giải Sách Châm Ngôn

25. Chú giải Sách Giảng Viên

26. Chú giải Sách Diễm Ca

27. Chú giải Sách Khôn Ngoan

28. Chú giải Sách Huấn Ca

IV. Các Sách Ngôn Sứ

29. Chú giải Sách Ngôn Sứ I-sai-a

30. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a

31. Chú giải Sách Ai Ca

32. Chú giải Sách Ba-rúc

33. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en

34. Chú giải Sách Ngôn Sứ Đa-ni-en

35. Chú giải Sách Ngôn Sứ Hô-sê

36. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-en

37. Chú giải Sách Ngôn Sứ A-mốt

38. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ô-va-đi-a

39. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-na

40. Chú giải Sách Ngôn Sứ Mi-kha

41. Chú giải Sách Ngôn Sứ Na-khum

42. Chú giải Sách Ngôn Sứ Kha-ba-cúc

43. Chú giải Sách Ngôn Sứ Xô-phô-ni-a

44. Chú giải Sách Ngôn Sứ Khác-gai

45. Chú giải Sách Ngôn Sứ Da-ca-ri-a

46. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ma-la-khi

Chú giải Thư của Thánh Gia-cô-bê – Lược dịch từ cuốn Chú Giải Kinh Thánh của linh mục Công Giáo người Anh – George Leo Haydock (1774-1849). Trong quá trình dịch có bổ sung tri thức tham khảo từ một số học giả Công Giáo khác.


Nhập đề

Bảy thư tín cuối cùng trong Tân Ước, ngoại trừ Thư thứ hai và thứ ba của Thánh Gio-an, được gọi là công giáo hay có tính phổ quát vì nó được gửi chung cho mọi tín hữu chứ không hướng tới riêng một Giáo hội địa phương hay cá nhân nào. Nó cũng được gọi là thuộc về quy điển, được Giáo Hội xác nhận là một phần của thư quy Tân Ước và được viết bởi uy quyền thần linh. Có một thực tế được thừa nhận là năm trong số các thư tín này, ngoại trừ Thư thứ nhất của Thánh Phê-rô và Thánh Gio-an, cùng với Thư gửi tín hữu Do-thái và Sách Khải Huyền, đã bị nghi ngờ và không luôn luôn được tiếp nhận một cách rộng rãi trong ba thế kỷ đầu tiên cho đến khi thư quy và danh mục các sách trong Kinh Thánh được kiểm chứng bằng truyền thống và xác định dựa trên thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo – thẩm phán tối cao trong tất cả các tranh luận về đức tin hay tôn giáo, được bổ nhiệm bởi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, sự bổ nhiệm này đã được bày tỏ ở nhiều lần trong Kinh Thánh.

Cũng cần phải nói thêm rằng những tuyên bố của Giáo Hội mà chúng ta vừa đề cập đã bị nghi ngờ và vẫn tiếp tục bị nghi ngờ bởi các “nhà cải cách”. Họ là những người phủ nhận thẩm quyền không thể sai lầm của Giáo Hội và các Công đồng chung; họ phủ nhận lời hứa của Chúa Giê-su Ki-tô rằng Người sẽ hướng dẫn Giáo Hội của mình trong sự thật cho tới Ngày tận thế. Chính Luther đã không ngần ngại gọi Thư của Thánh Gia-cô-bê không có gì khá hơn là “một mớ rơm rạ” và rằng “nó không xứng với một vị tông đồ”.

Nhìn chung, những tác phẩm hay tuyên bố của Luther và bất kể “nhà cải cách” nào khác cũng đều như nhau: hoàn toàn không có thẩm quyền, vô giá trị và không mang tính quy điển. Nó bị bác bỏ bởi không chỉ Giáo Hội Công Giáo mà còn bởi mọi Giáo hội tôn trọng thư quy về Kinh Thánh khác. Tại điều thứ 6 trong số 39 điều khoản tôn giáo của Giáo hội Anh Giáo, họ tuyên bố: “Nhân danh Kinh Thánh, chúng tôi hiểu những cuốn sách quy điển của cả Cựu Ước và Tân Ước thuộc về thẩm quyền chưa bao giờ bị nghi ngờ trong Giáo Hội… Những cuốn sách của cả Tân Ước và Cựu Ước, như đã được công nhận một cách rộng rãi, chúng tôi công nhận và coi là quy điển.”

Về Thư của Thánh Gia-cô-bê, nó được viết viết khoảng năm 60 SCN bởi Thánh Gia-cô-bê Hậu hay còn gọi là Gia-cô-bê con ông An-phê (Mt 10,3). Ông là một trong số mười hai tông đồ của Chúa Giê-su, được Thánh Phao-lô gọi là người anh em của Chúa (Gl 1,19) và là Giám mục Giê-ru-sa-lem. Mẹ ông là bà Ma-ri-a, chị của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và là vợ ông Cơ-lô-pát (tên của ông An-phê theo tiếng Hy-lạp) (Ga 19,25); bà có bốn người con trai là các ông: Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn (Mc 6,3). Theo sử gia Do-thái Josephus, Thánh Gia-cô-bê chịu tử đạo vào năm 62 SCN, bị người Do-thái ném đá tới chết.

Thư của Thánh Gia-cô-bê được coi là thuộc về quy điển Kinh Thánh trong điều luật 60 của Công đồng Lao-đi-ki-a (363-364); điều luật 17 của Công đồng Carthage (397). Bức thư cũng được trích dẫn nhiều lần bởi các nhà thần học nổi tiếng của Giáo Hội như: Ôrigênê (Bài giảng Sách Giô-suê, chương 7); Thánh Athanasiô (Thư gửi các Giám mục Châu Phi – Ad Afros Epistola Synodica, phần 8); Thánh Ê-pi-pha-ni-ô (Lạc giáo, phần 76); Thánh Giê-rô-ni-mô (Thư gửi Thánh Pau-li-nô); Thánh Augustinô (Giáo lý Ki-tô Giáo, phần 2, chương 8),…


Chương 1

Câu 1. mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi – Đó là những người Do-thái đã hoán cải sống ở mọi quốc gia.

Câu 5. không quở trách – Vì Thiên Chúa không đắn đo và cũng không quở trách khi ban cho chúng ta những lợi ích và ân huệ của Người. Nếu Người đặt vào tâm trí tội nhân suy nghĩ về sự vô ơn hết lần này đến lần khác của họ, thì đó là vì Người muốn những điều tối đẹp cho họ và mong họ hoán cải.

Câu 7. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa – Những người không có đức tin sống động và hy vọng vững vàng, dao động trong sự nghi ngờ về quyền năng hay lòng tốt của Thiên Chúa, đừng tưởng rằng sẽ nhận được gì từ những lời thỉnh cầu yếu ớt của mình.

Câu 8. kẻ hai lòng – Đó là những người ngập ngừng, lưỡng lự trong việc lựa chọn giữa Thiên Chúa và thế gian. Họ là kẻ hay thay đổi, đứng lên rồi lại gục ngã, khởi đầu mới rồi lại tái phạm.

Câu 9-12. Người anh em phận hèn – (theo nghĩa là người khiêm nhường) Hãy tự hào dù phải mang thân phận nghèo hèn hay địa vị thấp kém, vì họ được Thiên Chúa nâng lên không chỉ để làm tôi tớ, nhưng làm con cái của Người.

Còn người giàu có, khi biết mình sẽ qua đi như hoa cỏ, mặc dù có vẻ trớ trêu, nhưng hãy tự hào. Vì đó là sự thật hữu ích dành cho họ, sự thật mà khi chưa được Chúa kêu gọi, họ không thể nhận ra. Trước đây, họ chìm đắm trong niềm tự hào vì mình có nhiều của cải; thì nay, nhờ được Chúa hạ xuống, họ nhận ra sự nhỏ bé và ngắn ngủi của kiếp người. Khi bị hạ xuống như vậy, đừng buồn bã, nhưng hãy tự hào.

Câu 14-15. Theo Thánh Grêgôriô quan sát, trong chi tiết này, có ba cấp độ của cám dỗ được chỉ ra là: khơi gợi, thích thú và ưng thuận. Đầu tiên, ma quỷ hoặc bản chất yếu đuối nơi con người cám dỗ chúng ta bằng cách gợi lên những ý nghĩ xấu trong trí tưởng tượng của mỗi người. Những ý nghĩ hay trí tưởng tượng này có thể không phải là tội vì chúng ta không thể cản được chúng. Những sự vật, sự việc được đưa ra thường không quá xấu xa, nghiêm trọng; suy nghĩ về nó cũng không kéo dài hay được lặp lại một cách thường xuyên. Về phần mình, nếu ý chí của chúng ta cương quyết không ưng thuận và chống lại chúng thì sự phản kháng này là rất đáng khen và lòng thương xót Chúa sẽ trả cho chúng ta một phần thưởng.

Thứ hai, nếu những hình dung ấy đưa đến cho chúng ta một sự thích thú của giác quan hay cơ thể và ấn tượng này có chiều hướng chống lại ý chí, sẽ có ba trường hợp xảy ra:

1. Nếu chúng ta tiếp tục không ưng thuận, thì một lần nữa, chúng ta không có tội.

2. Nếu chúng ta có một chút lơ là, mất cảnh giác và không đủ nỗ lực để chống lại và đẩy lùi những ý nghĩ đó, chúng ta phạm tội mặc dù không phải tội trọng.

3. Nếu chúng ta để cho mình bị cám dỗ một cách có chủ ý sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và cảm thấy thích thú với những ý nghĩ xấu xa được gợi lên trong đầu (trả thù, gian dâm, ngoại tình,…), thì đây là một tội lỗi nghiêm trọng và tai hại. Nguyên nhân là vì lòng trí chúng ta đã ưng thuận với thú vui tội lỗi, mặc dù chưa có hành động cụ thể. Và một tội có thể bị coi là trọng dù nó chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, trong khi một cám dỗ trong thời gian dài chưa chắc đã gây ra tội. Bởi vì mức độ trọng hay nhẹ của tội không được xem xét theo yếu tố thời gian mà dựa vào khuynh hướng nội tâm và mức độ ưng thuận của ý chí.

Sau cùng, khi tội nhân đã chịu thua những ý nghĩ xấu xa và các cơn cám dỗ, ý chí của anh ta hoàn toàn ưng thuận với những gì chúng đưa ra. Điều cuối cùng mà anh ta tìm kiếm, không gì khác là một dịp thuận tiện để thực hiện trót lọt những hành vi nhằm thỏa mãn ham muốn tội lỗi của mình. Anh ta đã phạm tội từ trong lòng mình, vì thế, Chúa chúng ta đã dạy rằng: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (Mt 5,28).

Câu 16-17. đừng có lầm lẫn – Đừng tự lừa dối mình bằng cách chịu thua các cơn cám dỗ, nhưng hãy cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa qua các ân sủng, vì mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều xuất phát từ nơi Người.

Câu 18. Lời chân lý – Thánh Athanasiô hiểu đây là Lời hằng sống, trong khi ý kiến chung cho rằng đó là Lời Tin Mừng, Lời đã kêu gọi chúng ta đến với đức tin chân thật.

của đầu mùa – Thánh Gia-cô-bê gọi những Ki-tô hữu Do-thái là những người đầu tiên được hoán cải để tin vào Chúa Ki-tô.

Câu 19. mau nghe, đừng vội nói – Theo Robert Witham, trong thư tín này, Thánh Gia-cô-bê không nhắm đến một diễn từ theo kiểu thông thường mà đưa ra một loạt các châm ngôn về đạo đức, các châm ngôn này không gắn kết mật thiết với nhau. Ở đây, ông chỉ dẫn các tín hữu cách xử sự khi đối thoại, khuyến khích họ khiêm tốn và thận trọng trong lời ăn tiếng nói; nên thích được nghe nhiều hơn là được nói; nên đem sự thật ra thực hành hơn là chỉ rao giảng cho người khác vì người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật (Rm 2,13). Theo Antoine Augustin Calmet, một người khôn ngoan luôn có cho mình sự kiệm lời cần thiết và bằng cách lắng nghe, anh ta sẽ càng trở nên khôn ngoan hơn.

khoan giận – Cơn giận là một sự điên cuồng trong chốc lát. Cách chữa trị tốt nhất cho mối nguy hiểm này là hãy để nó lắng dịu, hãy cho tâm trí chúng ta có thời gian để suy ngẫm về những khuynh hướng đúng đắn mà mình muốn thực hiện. Những chuyển động đầu tiên của các cơn giận này thường là vô tình và không phải lúc nào cũng là tội, nhưng chúng ta cần phải cẩn trọng để chống lại ngay khi nhận thấy chúng xuất hiện, kẻo chúng trở nên dữ dội và đạt được sự ưng thuận của chúng ta.

Theo Thánh Phan-xi-cô Sa-lê, nếu chúng ta cảm thấy ấm ức và thiếu kiềm chế với những kẻ gièm pha hay thù địch, chúng ta xổ ra một thôi một hồi, tỏ thái độ điên tiết và nổi khùng với họ; thì đó là những dấu hiệu cho thấy sự hiền hậu và khiêm nhường của chúng ta không phải là chân thật nhưng chỉ là cái vỏ giả tạo bên ngoài. Thánh Augustinô, trong bức thư gửi Profuturus, có nói rằng khi đối mặt với những cơn giận có nguyên do chính đáng, việc từ chối và quên nó đi sẽ tốt cho chúng ta hơn là giữ nó lại trong lòng, dù chỉ là một chút; bởi lẽ, một khi đã đón nó vào lòng, chúng ta sẽ rất khó để trục nó ra. Ban đầu nó chỉ là một cái rác, nhưng sẽ lớn thành một cái xà; ban đầu nó chỉ là một sự ấm ức, nhưng sẽ lớn thành một mối thù hận. Nó được nuôi dưỡng bằng muôn vàn lý do sai trái, vì không có người giận dữ nào nghĩ rằng sự tức giận của mình là bất công.

Câu 20.  khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa – Vì thế, trong cuộc lữ hành trần thế này, chúng ta đừng oán giận anh em mình, thậm chí nếu có thể, đừng oán giận một cách tuyệt đối trong mọi trường hợp. Đừng mở cửa lòng để đón những thứ phá hoại mối tương quan tốt đẹp giữa chúng ta, nhưng hãy đối xử với nhau bằng sự hiền hòa và tình yêu thương. Sách Châm Ngôn nói rằng: Người chậm giận thì hơn trang hào kiệt, người tự chủ hơn kẻ chiếm được thành (Cn 16,32). Sự nóng giận của con người sẽ chỉ đưa đến những điều xấu xa, nó là con của tính kiêu ngạo, là mẹ của sự hận thù, là kẻ thù của sự hòa hợp và là nguồn cơn của những ý nghĩ ngoan cố và mù quáng trong lòng trí chúng ta. Còn đường lối công chính của Thiên Chúa là khiêm tốn, hiền hòa, bác ái, bình an, mềm dẻo và nhẫn nhục.

Câu 24. soi gương rồi đi, và quên ngay – Nếu khi xét mình, chúng ta chỉ nhìn lại bản thân và tự vấn lương tâm một cách hời hợt, rồi sau đó, không tìm cách sửa chữa những lỗi lầm và khuyết điểm của mình, thì không đủ. Việc xét mình không trọn vẹn như vậy giống như một người soi gương thấy những vết bẩn trên khuôn mặt nhưng rồi người ấy bỏ đi và không quan tâm đến việc vệ sinh chúng.

Câu 25. luật trọn hảo – luật mang lại tự do – Đây là luật Chúa Ki-tô, được phân biệt với Luật của người Do-thái  là Luật của sự sợ hãi và thân nô lệ. Luật Chúa Ki-tô giống như một tấm gương mà khi nhìn vào, chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình và biết cách sửa chữa.

Câu 26. Ai cho mình đạo đức – Ở đây, Thánh Gia-cô-bê khiển trách những cuộc tranh luận nảy lửa, có lẽ thường xuyên xảy ra giữa những tín hữu Do-thái cải đạo về việc cần thiết phải tuân giữ Lề Luật cũ. Và thánh nhân nói rằng việc họ tự hào vì mình là những người tuân giữ Luật Do-thái hay sự nhiệt thành của họ trong việc hợp nhất các nghi lễ của Luật đó với các thực hành Phúc Âm là hoàn toàn vô dụng. Nếu bạn không có nơi mình những yếu tính của Ki-tô Giáo như bác ái, thận trọng và tiết độ; tôn giáo của bạn sẽ chẳng mang lại lợi ích gì.

Một người không thể tự cho mình là có đời sống tôn giáo tốt đẹp hay đạo đức nếu không biết kiềm chế miệng lưỡi khỏi nhưng lời thề thốt, nguyền rủa, vu khống, gièm pha, dối trá. Điều này sẽ được nói rõ hơn ở chương ba.

Câu 27. lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố – Cách nói này của Thánh Gia-cô-bê rất hiệu quả với những tín hữu Do-thái, những người có ấn tượng xấu với những gì mà họ coi là ô uế, không thanh sạch. Qua đó, thánh nhân chỉ dẫn cho họ các thực hành giúp họ có được lương tâm trong sạch trước mặt Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.

Chương 2

Câu 1. đối xử thiên tư – Thánh Gia-cô-bê nêu ra vấn đề này có lẽ vì nó đã xảy ra trong những buổi họp của các tín hữu tại hội đường hay trong các bữa tiệc từ thiện được gọi là Agape. Ngoài ra, cũng có một số người cho rằng đó là những buổi họp để phân xử các vụ kiện cáo.

Nếu nó xảy ra trong các buổi họp cộng đoàn, vị tông đồ của chúng ta có một lý do lớn hơn để lên án hành động như vậy vì nó khiến những người nghèo, vốn chiếm phần lớn trong số những người cải đạo, cảm thấy bị đối xử bất công, bị bỏ mặc và coi thường. Việc hoán cải của họ vì thế sẽ gặp trở ngại lớn.

Còn nếu điều này xảy ra ở các buổi họp mà tại đó, những người giàu có hay quyền thế được đối xử thiên vị và nhận những phán quyết có lợi từ thẩm phán, thì đó là cũng là một tội lỗi nghiêm trọng và đáng bị khiển trách. Nó là một hành vi vi phạm Lề Luật:

Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào (Lv 19,15). Xem thêm Đnl 1,17.

Theo Robert Witham, đối với các vấn đề đức tin, việc quản lý bí tích và các tác vụ thiêng liêng khác trong Giáo Hội của Thiên Chúa cũng không được có sự thiên tư. Linh hồn của những người nghèo khổ cũng phải được quan tâm săn sóc bình đẳng với những người giàu có.

Câu 14. Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? – Đây là một trong những điểm chính yếu mà Thánh Gia-cô-bê muốn đề cập trong thư tín này nhằm chống lại giáo lý sai lạc thời bấy giờ của những người theo thầy phù thủy Si-môn (Cv 8,9-25) – người rửa tội vì mục đích gian tà; họ cho rằng chỉ cần có đức tin là đủ để được cứu độ. Theo thánh nhân, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc tin rằng có một Thiên Chúa duy nhất mà thôi thì không có ích lợi gì, vì ngay cả ma quỷ cũng tin như vậy. Và ông kết luận: đức tin không có hành động là đức tin chết, vì mặc dù nó nó chưa mất đi hay bị phá hủy nhưng chỉ còn tồn tại nơi một linh hồn không có sức sống. Sức sống ấy chỉ có thể có được nhờ đức mến và ân sủng, đó là điều không chỉ Thánh Gia-cô-bê mà Thánh Phao-lô (1 Cr 13,2; Gl 5,6) và Thánh Gio-an (1 Ga 3,14) cũng khẳng định.

Chương 3

Câu 14-16. ghen tương, chua chát và tranh chấp – Thánh Gia-cô-bê nói đến những thầy dạy Do-thái, những người thậm chí sau khi cải đạo, vẫn gắn bó với niềm tự hào mù quáng về Lề Luật, họ thích tranh luận và cãi lý với những tín hữu gốc dân ngoại. Họ thích tỏ ra là người khôn ngoan, nhưng sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ.

Chương 4

Câu 4. những kẻ ngoại tình – Ý nghĩa ở đây là những kẻ, vì yêu mến thế gian, đã đánh mất sự chung thủy trong tình yêu đối với Thiên Chúa, người phối ngẫu đích thực đối với linh hồn họ.

Câu 11. nói xấu và xét đoán Lề Luật – Vì họ tự cho mình quyền làm thẩm phán xét xử người khác thay cho Thiên Chúa, điều này trái với Lề Luật của Thiên Chúa. Vì vậy, khi họ xét đoán người khác và không cho mình là sai, họ trở thành kẻ chống lại và xét đoán Lề Luật.

Scroll to Top