Chú giải Tin Mừng Mát-thêu

Chương
Chú Giải
Chương
Chú Giải
Chú giải Tân Ước
Chú giải Cựu Ước

I. Ngũ Thư

01. Chú giải Sách Sáng Thế

02. Chú giải Sách Xuất Hành

03. Chú giải Sách Lê-vi

04. Chú giải Sách Dân Số

05. Chú giải Sách Đệ Nhị Luật

II. Các Sách Lịch Sử

06. Chú giải Sách Giô-suê

07. Chú giải Sách Thủ Lãnh

08. Chú giải Sách Rút

09. Chú giải Sách Sa-mu-en 1

10. Chú giải Sách Sa-mu-en 2

11. Chú giải Sách Các Vua 1

12. Chú giải Sách Các Vua 2

13. Chú giải Sách Sử Biên 1

14. Chú giải Sách Sử Biên 2

15. Chú giải Sách Ét-ra

16. Chú giải Sách Nơ-khe-mi-a

17. Chú giải Sách Tô-bi-a

18. Chú giải Sách Giu-đi-tha

19. Chú giải Sách Ét-te

20. Chú giải Sách Ma-ca-bê 1

21. Chú giải Sách Ma-ca-bê 2

III. Các Sách Giáo Huấn

22. Chú giải Sách Gióp

23. Chú giải Sách Thánh Vịnh

24. Chú giải Sách Châm Ngôn

25. Chú giải Sách Giảng Viên

26. Chú giải Sách Diễm Ca

27. Chú giải Sách Khôn Ngoan

28. Chú giải Sách Huấn Ca

IV. Các Sách Ngôn Sứ

29. Chú giải Sách Ngôn Sứ I-sai-a

30. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a

31. Chú giải Sách Ai Ca

32. Chú giải Sách Ba-rúc

33. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en

34. Chú giải Sách Ngôn Sứ Đa-ni-en

35. Chú giải Sách Ngôn Sứ Hô-sê

36. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-en

37. Chú giải Sách Ngôn Sứ A-mốt

38. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ô-va-đi-a

39. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-na

40. Chú giải Sách Ngôn Sứ Mi-kha

41. Chú giải Sách Ngôn Sứ Na-khum

42. Chú giải Sách Ngôn Sứ Kha-ba-cúc

43. Chú giải Sách Ngôn Sứ Xô-phô-ni-a

44. Chú giải Sách Ngôn Sứ Khác-gai

45. Chú giải Sách Ngôn Sứ Da-ca-ri-a

46. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ma-la-khi

Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu – Lược dịch từ cuốn Chú Giải Kinh Thánh của linh mục Công Giáo người Anh – George Leo Haydock (1774-1849). Trong quá trình dịch có bổ sung tri thức tham khảo từ một số học giả Công Giáo khác.


Nhập đề

Tên gọi của sách Tin Mừng này và các sách Tin Mừng khác, với tên riêng của các nhà truyền giáo, không có nghĩa rằng những gì được viết trong sách là lời của các tác giả. Bản thân Thánh Kinh không có đoạn nào dạy chúng ta rằng những cuốn sách hay tác phẩm nào mới được xác nhận là thánh thư đích thực và thuộc về quy điển. Nhưng chỉ dựa vào truyền thống được truyền khẩu, dựa vào chứng từ và thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo, mà chúng ta mới biết và tin tưởng rằng, chẳng hạn, Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, cùng với tất cả những gì chứa đựng trong đó, cũng như những cuốn sách và phần nội dung khác trong Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, đều thuộc về uy quyền thần linh và được viết ra nhờ linh hứng. Đây là điều đã khiến Thánh Augustinô nói rằng: Tôi không nên tin vào Tin Mừng nếu không được dẫn tới nó bởi thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo: Ego evangelio non crederem, nisi me Ecclesiæ Catholicæ commoveret auctoritas (Lib. con. Epist. Manichæi, quam vocant fundamenti. tom. viii. c. 5, p. 154).

Thánh Mát-thêu, tác giả của cuốn Tin Mừng này, là một người Do-thái sống tại Ga-li-lê và làm nghề thu thuế. Ông còn có một tên gọi khác là Lê-vi và là con của ông An-phê (Mc 2,14). Ông được Chúa Giê-su kêu gọi vào năm thứ hai trong sứ vụ rao giảng của Ngài. Trước khi rời Giu-đê để rao giảng Tin Mừng cho các quốc gia xa xôi, vào năm thứ tám sau khi Chúa Phục Sinh (năm 41 SCN), được đức tin thúc đẩy, ông đã bắt đầu viết cuốn Tin Mừng này, tức là: tin mừng về ơn cứu độ được ban cho loài người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong số các tác giả viết sách thánh, Thánh Mát-thêu là người được xếp đầu tiên trong Tân Ước, cũng giống như ông Mô-sê là tác giả đầu tiên của Cựu Ước. Và như ông Mô-sê đã khởi đầu tác phẩm của mình với sự phát sinh của trời và đất, Thánh Mát-thêu đã mở ra cuốn Tin Mừng của ngài với biến cố giáng sinh của Chúa Ki-tô, Đấng mà khi thời gian tới hồi viên mãn, đã tự mang lấy bản tính nhân loại của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi lời nguyền rủa mà chính ta đã tự mang lấy vì tội lỗi, lời nguyền rủa đã đè nặng khiến toàn bộ công trình sáng tạo phải cất tiếng than van. Vị tông đồ thánh thiện này, sau khi gặt hái nhiều linh hồn khắp miền Giu-đê, đã lên đường giảng dạy đức tin cho các dân tộc ở Đông phương xa xôi. Thánh nhân dành nhiều thời gian cho việc chiêm niệm cùng một đời sống khổ hạnh, mà theo chứng từ của Thánh Clêmentê thành A-lê-xan-ri-a, ngài luôn kiêng thịt và hòa mình vào thiên nhiên bằng lương thực là thảo mộc, rễ cây, hạt và quả mọng. Theo Thánh Ambrôsiô, Thiên Chúa đã mở ra trước mắt Mát-thêu đất nước của người Ba Tư. Tyrannius Rufinus và Socrates thành Constantinople còn cho biết ngài đã đem Tin Mừng tới tận Ethiopia, có thể là phần phía nam hoặc phía đông của tỉnh A-xi-a thuộc Đế quốc Rô-ma. Theo Thánh Paulinus, Thánh Mát-thêu đã kết thúc hành trình truyền giáo của mình tại đất nước Parthia, nơi mà Thánh Venantius Fortunatus nói rằng ngài đã chịu tử đạo (x. Butler, Saints’ Lives, Sept. 21st).

Đề tài chính của Tin Mừng Mát-thêu là chứng minh Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a mà Cựu Ước tiên báo. Đối tượng độc giả chính được hướng tới là người Do-thái.


Chương 1

Câu 1. Lời giới thiệu Đức Giê-su Ki-tô là con cháu Vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham khẳng định bản tính con người (nhân tính) bên cạnh bản tính Thiên Chúa (thiên tính) trong Ngài. Cũng trong câu này, ta thấy lần đầu tiên tên gọi của Chúa. Tên riêng Giê-su trong tiếng Do-thái (יֵשׁוּעַ [Jesuah]) nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Còn danh xưng Ki-tô, phát xuất từ chữ χριστός [chrīstós] trong Tiếng Hy-lạp có nghĩa là “người được xức dầu”. Mặc dù trong Cựu Ước, ta thấy nhiều vị vua, tư tế, ngôn sứ cũng được xức dầu, nhưng Đức Giê-su trổi vượt hơn họ vì Ngài được xức dầu bởi Thiên Chúa: “Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngài đã tôn phong ngài vượt trổi các đồng liêu mà xức cho dầu thơm hoan lạc” (Tv 45,9Dt 1,9).

Câu 2. Gia phả được bắt đầu từ ông Áp-ra-ham. Như vậy, lời hứa của Thiên Chúa với ông đã được thực hiện qua Đức Giê-su Ki-tô: “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3).

Câu 3. X. St 38,6.

Câu 5. Không có chi tiết nào trong Cựu Ước nhắc đến cuộc hôn nhân của Xan-môn (R 4,19) và Ra-kháp (Gs 2,1). Tuy nhiên, điều này có thể được biết đến bởi truyền thống và nhà truyền giáo đã được linh hứng và xác nhận. Ra-kháp là một cô gái điếm ở Giê-ri-khô, người đã giúp ông Giô-suê do thám vùng đất này sau khi đưa dân Do-thái rời khỏi Ai-cập. Trong gia phả Đức Giê-su, có bốn người phụ nữ được nhắc đến, trong đó, hai người là người ngoại (Ra-kháp và Rút) và hai người phạm tội ngoại tình (Ta-ma và vợ ông U-ri-gia). Qua chi tiết này, những người tội lỗi có thể tìm thấy căn cứ để tin vào lòng thương xót của Chúa Giê-su Ki-tô và hy vọng được Người tha thứ. Để cứu độ chúng ta, Người không chỉ hạ mình bằng cách xuống thế cùng chung kiếp người với chúng ta mà còn bắt nguồn từ một dòng dõi có những người tội lỗi.

Câu 6. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu:

Có thể bạn sẽ đặt ra câu hỏi là tại sao chúng ta nói rằng Đức Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít, trong khi:

Thứ nhất, dựa vào gia phả thì Thánh Giu-se là con cháu vua Đa-vít, nhưng Đức Ma-ri-a mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Tên của bà cũng không được nhắc tới trong gia phả này.

Thứ hai, nếu Đức Ma-ri-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít thì chúng ta lấy cơ sở nào để khẳng định?

Để giải thích, chúng ta dựa vào Tin Mừng theo Thánh Lu-ca:

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a (Lc 1,26-27).

Như vậy, Đức Ma-ri-a đã thành hôn với Thánh Giu-se. Theo truyền thống của người Do-thái, người con gái sẽ chỉ lấy người trong cùng chi tộc của cha mình để gìn giữ gia nghiệp của cha ông:

chúng sẽ lấy người vừa mắt chúng, nhưng chỉ được lấy người thuộc thị tộc trong chi tộc của cha chúng. Như thế, gia nghiệp con cái Ít-ra-en sẽ không chuyển từ chi tộc này sang chi tộc khác, nhưng mỗi người con cái Ít-ra-en sẽ gắn bó với gia nghiệp của chi tộc cha ông mình (Ds 36,6-7).

Qua đó, có thể khẳng định rằng Đức Ma-ri-a cũng thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Tất nhiên, sẽ có những người lập luận rằng có thể Thánh Giu-se thành hôn với một người con gái không cùng chi tộc với mình. Nhưng nhà truyền giáo đã ngăn chặn sự nghi ngờ này bằng cách làm chứng rằng Thánh Giu-se là một người công chính và chắc chắn sẽ không vi phạm Lề Luật.

Cũng cần nói thêm rằng người Do-thái không có truyền thống ghi chép về phụ nữ trong gia phả. Nhà truyền giáo đã tôn trọng truyền thống này thay vì ghi lại gia phả liên quan đến Đức Ma-ri-a. Ngoài ra, Đức Giê-su cũng được thừa hưởng mọi quyền trong gia đình từ người cha nuôi Giu-se. Như thánh Phao-lô đã khẳng định trong Thư gửi tín hữu Rô-ma: “Xét như một người phàm, Ðức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Ða-vít” (Rm 1,3b).

Câu 8. Giô-ram sinh Út-di-gia – Cần lưu ý rằng ba thế hệ đã bị lược bớt ở chi tiết này. Dựa vào 2 Sb 21-26, ta biết rằng: Giô-ram sinh A-khát-gia-hu, A-khát-gia-hu sinh Giô-át, Giô-át sinh A-mát-gia-hu, A-mát-gia-hu sinh Út-di-gia. Vậy đúng ra Giô-ram là ông cố chứ không phải là cha của Út-di-gia. Chi tiết này thực chất không ảnh hưởng tới toàn bộ gia phả. Có thể nhà truyền giáo đã lược bớt ba thế hệ kể trên để đảm bảo cuốn gia phả được chia ra ba phần, mỗi phần gồm mười bốn đời. Ngoài ra, cũng có lẽ vì ba triều vua bị lược bớt là các vua không đẹp lòng Thiên Chúa, họ không sống theo đường lối của Người và đi vào con đường thờ quấy, hay đúng hơn, họ là dòng dõi vua A-kháp bị Thiên Chúa nguyền rủa qua sấm ngôn: “Này, Ta sẽ giáng tai họa xuống trên ngươi: Ta sẽ xóa sạch hậu duệ ngươi, Ta sẽ tiêu diệt các đàn ông con trai của A-kháp trong Ít-ra-en, đang bị ràng buộc hay được tự do. Ta sẽ làm cho nhà ngươi nên như nhà Gia-róp-am, con của Nơ-vát, và như nhà Ba-sa con của A-khi-gia, vì ngươi đã chọc giận Ta và đã làm cho Ít-ra-en phạm tội” (1 V 21,21-22).

Câu 11. Như câu 17 đề cập, gia phả Đức Giê-su được chia làm ba phần, mỗi phần gồm mười bốn đời. Phần thứ nhất bắt nguồn từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, phần thứ hai bắt đầu từ vua Sa-lô-môn tới vua Giơ-khon-gia và phần thứ ba, nếu không tính vua Giơ-khon-gia thì sẽ bắt đầu từ San-ti-ên và kết thúc ở Đức Giê-su. Tuy nhiên, khi đếm lại thì ta thấy phần thứ ba chỉ có mười ba đời. Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, Giơ-khon-gia ở phần thứ hai và Giơ-khon-gia ở phần thứ ba là hai người khác nhau.

Lý giải sự khác nhau về gia phả Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Lu-ca

X. chú giải Lc 3,23.

Câu 19. Thánh Giu-se, một người công chính, đã rất ngạc nhiên khi biết Đức Ma-ri-a mang thai dù hai ông bà chưa về chung sống. Nhưng thay vì tố giác bà, hay đơn giản hơn là đưa cho bà một chứng thư ly dị, ông đã định bỏ bà cách kín đáo. Chúng ta hãy học đức tính này ở Thánh Giu-se trong việc tôn trọng danh dự của người khác. Đừng bao giờ giải trí bằng những suy nghĩ gây tổn hại hay vội vã nghi ngờ về phẩm giá của một người nào đó dù trong mọi hoàn cảnh.

Câu 23. Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” – Nguyên văn trong Sách ngôn sứ I-sai-a: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en (Is 7,14).

Một số người Do-thái phản đối chi tiết này vì cho rằng chữ alma (עַלְמָה [almāh]) – trong Sách ngôn sứ I-sai-a có nghĩa là một thiếu nữ chứ không phải trinh nữ. Đó cũng là một đề tài tranh luận được đưa ra trong cuốn Đối thoại với Trypho của Thánh Giustinô Tử đạo (Đối thoại với Trypho là tác phẩm kể về các cuộc đối thoại thần học giữa Thánh Giustinô và một nhân vật tên Trypho nhằm khẳng định Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a. Nhân vật Trypho được cho là thầy ráp-bi Do-thái tên Tarfon sống ở giai đoạn 70-135).

Thánh Giê-rô-ni-mô khẳng định rằng trong Kinh Thánh, chữ alma luôn luôn được dùng để nói về một người trinh nữ. Hơn nữa, câu trong Sách ngôn sứ I-sai-a kể trên đang nói về dấu lạ mà Thiên Chúa hứa làm cho vua A-khát, vậy nếu dấu lạ  đó chỉ là việc một thiếu nữ không trinh nguyên sinh hạ con trai thì đâu có gì khác thường.

Ngoài ra, cũng sẽ có người thắc mắc rằng trong các sách Tin Mừng, không có chi tiết nào cho thấy Chúa Giê-su được đặt tên là Em-ma-nu-en. Nhưng hãy lưu ý rằng trong cách diễn đạt của người Hy-lạp, một danh xưng được trao cho chính điều mà nó ngụ ý, và điều ngụ ý ở đây là: Chúa Giê-su sẽ là một Em-ma-nu-en thực sự, tức là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Thiên Chúa thật và người thật. Hơn nữa, lời sứ thần Gáp-ri-en là “người ta sẽ gọi”, tức là nói về cách người ta nhìn nhận, ca tụng Đức Giê-su chứ không phải nói về tên riêng. Nó cũng giống như các tước hiệu khác mà người ta dành cho Ngài như Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian,…

Câu 25. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai. – Helvidius (340-390) (tác giả của một tác phẩm viết trước năm 383 đặt vấn đề nghi ngờ sự đồng trinh trọn đời của Đức Ma-ri-a) đã dựa vào chi tiết này để lập luận rằng sau khi sinh Chúa Giê-su, có thể Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se đã ăn ở như các cặp vợ chồng khác. Thánh Giê-rô-ni-mô trả lời rằng: Ở nhiều nơi trong Thánh Kinh, những từ như “trước khi” hay “cho đến khi” đi kèm với một sự việc không có ý biểu lộ những gì sẽ diễn ra sau sự việc đó, nhưng chỉ đơn thuần khẳng định về—một sự việc khác trong câu—được hoặc không được thực hiện.

Chẳng hạn, trong câu “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi [cho đến khi] bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110,1), thì không có nghĩa rằng sau khi mọi kẻ thù được đặt dưới chân Chúa Ki-tô, Người không còn ngự bên hữu Chúa Cha nữa, nhưng khẳng định rằng Người hằng ngự bên hữu Chúa Cha. Hoặc trong câu “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b), thì chắc chắn không phải sau ngày tận thế, Chúa Giê-su sẽ không còn ở cùng các môn đệ, nhưng khẳng định rằng Người ở với họ mọi ngày.

Tương tự như thế, trong câu này, Thánh Kinh chỉ muốn khẳng định rằng Thánh Giu-se không ăn ở với Đức Ma-ri-a như các cặp vợ chồng khác.

Scroll to Top