Chương 2 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mác-cô
Câu 4. Một sự sốt sắng như vậy cũng cần được dùng để đưa các tội nhân đến với Chúa Ki-tô. Nhờ phương thế các bí tích, họ nhận được sự phục hồi giống như những gì mà người đàn ông bại liệt này đã được ban cho.
Câu 5. Thấy họ có lòng tin như vậy - Do đó, Thiên Chúa có thể tỏ lòng thương xót cho các tội nhân nhờ đức tin và lời cầu thay nguyện giúp của người khác. Với người bại liệt này, anh ta không thể tự mình chạy đến với Chúa mà phải nhờ người ta khiêng đi. Ngoài ra, cũng qua chi tiết này, Chúa Giê-su muốn chỉ dẫn cho chúng ta rằng, trong các cơn bệnh tật, trước hết, cần tìm đến các bí tích và sự giúp đỡ từ phía Giáo Hội, đó là liều thuốc cho linh hồn cần được sử dụng đầu tiên; bởi lẽ ở đây, Chúa chúng ta đã chữa lành tâm hồn của người bệnh trước khi thân xác anh được phục hồi. Có nhiều thứ bệnh bắt nguồn từ tội lỗi và chúng ta phải khắc phục hậu quả bằng cách loại bỏ nguyên nhân.
Câu 10. Con Người có quyền tha tội - Ở đây, Chúa Giê-su chứng minh rằng Người có quyền tha tội không chỉ trong tư cách là Thiên Chúa, nhưng cả khi xét như con người; nhờ đó, Người có thể làm cho người bại liệt trỗi dậy và thực hiện nhiều phép lạ khác. Vì thế, các tông đồ và những người kế vị họ, mặc dù không phải là Thiên Chúa, nhưng cũng có quyền tha tội dưới tư cách là các thừa tác viên của Người, làm việc nhân danh Người và được trao quyền từ chính Người.
ở dưới đất này - Quyền tha tội của Chúa Giê-su dưới mặt đất không bị mất sau khi Người lên Trời, nhưng tiếp tục được duy trì thông qua các bí tích và các thừa tác vụ trong Hội Thánh. Về vấn đề tội lỗi, chúng ta cần biết rằng luôn luôn tồn tại song song một tòa án lương tâm dưới thế và một tòa án khác trên Trời. Phán quyết của tòa án trên Trời sẽ dựa theo và phê chuẩn cho những gì đã được định đoạt dưới thế. Như Chúa Giê-su đã từng tuyên bố với Thánh Phê-rô và các vị tông đồ khác: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 16,19; 18,18).
Câu 14. Đi theo Chúa Ki-tô chính là bắt chước lối sống của Người. Ở đây, thánh sử Mát-thêu đã theo Chúa, một hình mẫu của sự nghèo khó, không phải bằng hành động đơn giản bên ngoài là đứng dậy và đi, nhưng là một sự chuyển biến lớn lao trong tâm hồn để ông có thể từ bỏ mọi sự. Ông chấp nhận mất đi mọi của cải mình có, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm và không sợ phải chịu trách nhiệm vì đã bỏ dở giữa chừng công việc thu thuế trong khi chẳng nói một lời với thượng cấp của mình.
Câu 17. kêu gọi người tội lỗi - Lc 5,13 bổ sung thêm sám hối ăn năn.
Câu 18. Xem chú giải Mt 9,14.
Câu 25. Trong những hoàn cảnh cấp bách, có một số việc sẽ được xem là không có tội. Nhưng trong những hoàn cảnh khác, nó sẽ bị xem là trái luật.
Câu 26. Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha - Trong câu chuyện vua Đa-vít và thuộc hạ ăn bánh tiến, tên của vị thượng tế đã đưa bánh cho họ là ông A-khi-me-léc (1 Sm 21,2-7). Tư tế này sau đó bị vua Sa-un giết hại cả gia đình (1 Sm 22,16-19), duy chỉ có một người con trai thoát được là ông A-bi-a-tha (1 Sm 22,20 - trong bản Kinh Thánh Tiếng Việt là Ép-gia-tha). Ông A-bi-a-tha sau này đã trở thành thượng tế dưới triều vua Đa-vít. Như vậy, Chúa Giê-su không có ý nói chính ông A-bi-a-tha đã lấy bánh tiến cho vua Đa-vít và thuộc hạ ăn nhưng sự việc mà cha ông đã làm xảy ra trong thời đại của ông.
Câu 28. Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát - Một người lập ra luật pháp có thể bãi bỏ hoặc miễn trừ nó trong những thời điểm và phạm vi cụ thể vì lý do chính đáng, điều này dường như là tốt cho người ấy. Bởi vậy, Giáo Hội có quyền miễn trừ, thay đổi, hoặc bãi bỏ các điều luật của mình, vì kỷ luật của Giáo Hội dựa trên thẩm quyền của chính Giáo Hội. Điều này được minh chứng qua việc Kinh Thánh đã không lên án hành động của vua Đa-vít. Vì việc tuân giữ Lề Luật được quy định nhằm mang lại những điều có ích cho con người, do đó, nó nhất thiết phải được sử dụng để đem tới những lợi ích thiết thực cho chúng ta.