Chương 9 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. trở về thành của mình - Chúa Giê-su được sinh ra ở Bê-lem, lớn lên ở Na-da-rét, và khi rao giảng, Người thường sống ở Ca-phác-na-um. Đa số các học giả cho rằng thành được nói ở đây là Ca-phác-na-um. Tuy nhiên, cũng có một số ít học giả, trong đó có Thánh Giê-rô-ni-mô, cho rằng đây là thành Na-da-rét.
Câu 2. con đã được tha tội rồi - Chúng ta không thấy người bại liệt xin điều này, nhưng Chúa Giê-su nói như vậy để nhấn mạnh tầm quan trọng của ơn được tha tội, nó có lợi ích hơn nhiều so với ơn được chữa lành bệnh tật. Ngoài ra, Chúa Giê-su còn tuyên bố cho những người nghe giảng rằng tội lỗi là nguyên nhân gây ra bệnh tật, cũng như tỏ rõ quyền năng và thiên tính của Người khi tha tội và chữa lành tức khắc người bại liệt.
Thấy họ có lòng tin như vậy - chi tiết này không nên bị hiểu nhầm như những người theo Calvin, họ cho rằng chỉ cần có đức tin là sẽ được tha tội và cứu độ. Đức tin là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ.
Câu 3. Ông này nói phạm thượng - Các kinh sư phủ nhận thiên tính của Chúa Giê-su và coi Người như một người phàm, nên họ cho rằng Người nói phạm thượng vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội.
Chúng ta biết rằng không chỉ có thể tha tội, Chúa Giê-su còn ban quyền này xuống cho các môn đệ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23).
Trong Giáo Hội Công Giáo, các giám mục và linh mục, với tư cách là thừa tác viên và khí cụ của Chúa Ki-tô, có thể tha tội cho các tín hữu nhân danh Người qua Bí tích Rửa Tội và Bí tích Hòa Giải.
Câu 4. Chúa Giê-su một lần nữa cho thấy thiên tính của mình khi Người nhìn thấu lòng dạ của các kinh sư và nói với họ về chính điều xấu họ đang nghĩ. Bởi vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can, dò xét lòng dạ đến nơi đến chốn và nghe thấy mọi lời miệng lưỡi thốt ra (Kn 1,6).
Câu 5. Việc tha tội cho một người thì khó hơn rất nhiều lần việc chữa lành bệnh tật cho anh ta. Và thẩm quyền để tha tội cũng cao hơn nhiều lần khả năng chữa bệnh.
Tuy nhiên, đối với các kinh sư, giữa hai việc kể trên, phép lạ chữa lành bệnh nhân khó thực hiện hơn vì đó là một hành động họ có thể nhìn thấy và không phải ai cũng làm được. Còn với việc tha tội, họ chẳng những không tin Chúa Giê-su có đủ thẩm quyền, mà còn không xác thực được việc đó đã xảy ra hay chưa, hơn nữa, bất cứ ai cũng có thể nói điều như vậy.
Câu 6. Vậy, để các ông biết - Đây có thể là câu nói của Chúa Giê-su với các kinh sư, hoặc cũng có thể là lời cắt nghĩa của nhà truyền giáo dành cho độc giả. Để chứng minh quyền tha tội của mình và thuyết phục những kẻ còn hoài nghi, Người ra lệnh cho người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!”
Câu 8. dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa - Ở đây, ta thấy dân chúng đã ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa vì Ngài là khởi đầu của mọi sự khôn ngoan. Đi kèm với sự tôn vinh này là sự sợ hãi. Theo Thánh Basiliô Cả, nỗi sợ hãi đó như sự chỉ dẫn tốt lành và cần thiết để dẫn chúng ta đến lòng đạo đức. Những việc đạo đức được thực hiện với một chút sợ hãi sẽ giúp chúng ta trở nên hoàn thiện.
Câu 9. Trong các sách Tin Mừng khác, các nhà truyền giáo đã tôn trọng gọi Thánh Mát-thêu dưới cái tên ban đầu là Lê-vi. Trong Phúc Âm của chính mình, ông đã tự giới thiệu mình bằng cái tên mới do Chúa đặt cho. Hơn nữa, trong Phúc Âm Mác-cô và Lu-ca, trích đoạn này được đặt trước phần trình thuật về Bài giảng trên núi. Thánh Mát-thêu xếp nó vào cùng với các phép lạ khác vì ông coi ơn gọi tông đồ của mình là một phép lạ. Đó chắc hẳn là một phép lạ lớn lao, khi dưới tác động của ân sủng thánh thần, một người thu thuế đã chọn bỏ mọi sự để theo Chúa Giê-su mà không chút trì hoãn.
Câu 12. Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc - Chúa Giê-su muốn nói rằng Người sẽ cứu chữa những người tội lỗi qua việc trò chuyện với họ.
Câu 13. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính - Theo Giám mục Theophylact, Chúa Ki-tô đến để kêu gọi tất cả mọi người, cả công chính và bất chính, vì Người đã kêu gọi Na-tha-na-en, một người công chính. Nhưng ý nghĩa của từ “công chính” ở đây nên hiểu là: Tôi không đến để kêu gọi các ông, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu, những người tự đề cao chính mình và coi thường người khác. Các ông tự nghĩ rằng mình công chính và không cần cứu chữa; còn tôi đến để kêu gọi những người tự nhận mình là tội nhân.
Xét theo nghĩa chặt, “không ai là người công chính, dẫu một người cũng không... vì mọi người đều đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,10.23).
Câu 14. Một nhóm trong số các môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả đã đi cùng với những người Pha-ri-sêu. Sau khi người Pha-ri-sêu bị Chúa làm cho thất vọng, những người này liền đưa ra câu hỏi về việc ăn chay. Cũng không phải vô cớ mà họ đưa ra câu hỏi này. Trong dân Do-thái thời bấy giờ, ăn chay luôn được coi trọng như một nhân đức tuyệt vời. Ông Mô-sê, ngôn sứ Ê-li-a và rất nhiều bậc tổ tiên của họ cũng đã làm như vậy trong suốt thời Cựu Ước. Tuy nhiên, theo Thánh Giê-rô-ni-mô, câu hỏi chất vấn mang tính kiêu ngạo này của họ là rất đáng trách, vì chẳng những họ đã nhập bọn với người Pha-ri-sêu, những người bị chính ông Gio-an Tẩy Giả lên án, mà còn tỏ ra hoài nghi về Chúa Giê-su, Người vốn được thầy mình làm chứng.
Câu 15. Theo tục lệ của người Do-thái, khi chú rể đến nhà cô dâu để đón vợ về, sẽ có những người bạn đi cùng. Các bữa tiệc trong hôn lễ sẽ kéo dài liên tiếp bảy ngày. Những vị khách đi theo chú rể sẽ cùng dự tiệc với anh ta cho đến khi hôn lễ kết thúc. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, Chúa Giê-su dùng hình ảnh này để nói rằng các môn đệ chưa đạt đến mức độ hoàn thiện cần thiết, họ chưa được đổi mới về tinh thần; do đó, họ cần được đối xử với lòng khoan dung. Và vì sẽ có những bí nhiệm cao siêu được gửi đến mà nếu không có sự chuẩn bị trước, họ sẽ không thể hiểu được, thậm chí một cách tự nhiên, không bao giờ, nếu họ không được chỉ dẫn. Như chính Chúa cũng đã nói trong Tin Mừng Gio-an: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12). Do đó, Người sẽ tạm thời chiếu cố cho những khiếm khuyết của họ, họ chưa cần phải ăn chay cũng như thực hiện các việc đạo đức khác một cách nghiêm ngặt.
Câu 16-17. Chúa Giê-su tiếp tục dùng hình ảnh vải mới vá vào áo cũ hay rượu mới đổ vào bình cũ để diễn tả rằng đời sống mới mà Ngài truyền dạy cho các môn đệ cần có sự thích nghi dần dần tùy theo hiểu biết của họ chứ không thể áp dụng một cách đột ngột. Nếu ngay lập tức bắt họ phải sống trái ngược với những gì họ đã quen, e rằng họ sẽ sợ hãi với những điều nghiêm khắc mà Người đặt ra và có thể họ sẽ rời bỏ Người.
Đây là điều chúng ta cần học hỏi khi giới thiệu và dẫn dắt đức tin cho các dự tòng, tân tòng. Không nên bắt họ ngay lập tức phải từ bỏ hoàn toàn con người cũ và thực hiện những giáo lý mà với họ là sự mới mẻ và nghiêm khắc. Như Thánh Phao-lô đã từng áp dụng khi truyền bá đức tin cho những người lương dân Hy-lạp:
Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi (1 Cr 3,1-2).
Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Ki-tô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người (1 Cr 9,20-22).
Câu 20-22. Theo học giả Êu-sê-bi-ô của Xê-da-rê (260/265-339/340), người đàn bà này đến từ thành Phi-líp-phê thuộc Xê-da-rê. Để tôn vinh sự chữa lành của Chúa, bà đã dựng một bức tượng bằng đồng thuật lại câu chuyện của mình ngay trước cửa nhà.
Câu 23. phường kèn - Theo phong tục của người Do-thái, trong các đám tang, họ thường thuê những người gọi là phường kèn đến để tấu lên những bản nhạc bi ai và kêu khóc người đã mất.
Câu 24. Con bé có chết đâu - Bằng cách nói như vậy, Chúa Giê-su ngụ ý cái chết của cô bé không giống những gì họ nghĩ, tức là không phải cái chết vĩnh cửu, nhưng để chờ đợi được sống lại. Cái chết tạm thời chỉ giống như một giấc ngủ, như khi Người nói với các môn đệ rằng La-da-rô đang yên giấc (Ga 11,11). Việc Chúa Giê-su gọi cái chết thể xác là một giấc ngủ giúp chúng ta không còn quá sợ hãi và hiểu được bản chất của cái chết như vậy. Đừng bỏ phí thời giờ than khóc người chết một cách vô vọng như dân ngoại thường làm, vì họ không có đức tin. Hãy dành thời gian để cầu nguyện cho người đã khuất.
Câu 27. “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!” - Hai người mù đã gọi Chúa Giê-su bằng một danh hiệu hết sức kính trọng. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ chỉ nói như vậy khi đề cập đến những vị vua mà họ tôn phục cách đặc biệt.
Câu 30. Mặc dù Chúa Giê-su nghiêm giọng bảo hai người mù không được nói cho ai biết về phép lạ mới nhận được, nhưng họ đã không kiềm chế được niềm vui sướng của bản thân và đi nói về Người khắp nơi trong vùng. Chi tiết này cho chúng ta biết rằng, khi nhận được ơn của Chúa, hãy giữ im lặng và cũng hãy dặn dò những người chứng kiến đừng đem đi kể lể khắp nơi. Đừng tìm kiếm vinh quang cho mình qua những điều kỳ diệu ấy. Nhưng nếu là để tăng thêm vinh quang cho Thiên Chúa, hãy tự mình làm chứng và cũng hãy khuyến khích người khác loan báo điều đó cho mọi người.
Câu 32. một người câm - Trong một số bản văn Hy-lạp cũ thì đây là một người điếc. Điều này cũng không có gì mẫu thuẫn vì hai khiếm khuyết này thường đi cùng với nhau. Người điếc không nghe được nên sẽ không thể học nói.
Câu 34. Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ - Câu nói này thể hiện sự đố kỵ của người Pha-ri-sêu. Ma quỷ sẽ chỉ củng cố và giúp sức cho nhau chứ không bao giờ làm suy yếu và tiêu diệt lẫn nhau. Hơn nữa, không có quỷ vương nào có thể thanh tẩy người phong hủi, làm kẻ chết sống lại, xua tan cơn bão và rao giảng về Nước Trời.
Câu 36. Chúa Giê-su chạnh lòng thương đám đông dân chúng tìm đến Người. Họ bị chà đạp và áp bức, sống lầm than vất vưởng như đàn chiên không người chăn dắt. Trong khi những người Pha-ri-sêu, những người lẽ ra phải có nghĩa vụ chăn dắt họ, thì không khác nào sói dữ. Họ chẳng những không dẫn dắt dân chúng đến với sự tốt lành, mà trái lại, tìm mọi cách cản trở dân chúng đến với Chúa Giê-su.