Chúa Nhật II Phục Sinh – 07/04/2024

Lời Chúa – Ga 20,19-31:

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Suy niệm:

Giáo Hội đặc biệt dành Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh để kính Lòng Chúa Thương Xót. Khi đi rao giảng, Đức Giê-su hay chạnh lòng thương trước những người bệnh tật, khổ đau, tội lỗi. Khi bước vào cuộc Khổ nạn và đi đến cái chết, chúng ta cũng thấy trái tim Ngài đầy tình xót thương.

Ngài thương các môn đệ khi mắt họ nặng trĩu ở Vườn Dầu, Ngài để cho họ ngủ dù rất mong họ thức (Mt 26,43-44). Ngài chấp nhận nụ hôn phản bội của Giu-đa và đứng ra bảo vệ để các môn đệ rút lui an toàn (Ga 18,8-9). Ngài sờ vào tai của anh đầy tớ vị thượng tế để chữa lành, sau khi tai anh bị chém đứt (Lc 22,51). Lúc gà gáy, Ngài quay lại nhìn Phê-rô sau khi ông chối Ngài. Cái nhìn cảm thông, tha thứ, khiến ông bật khóc (Lc 23,62). Trên đường lên Núi Sọ, khi các phụ nữ khóc thương Ngài, Ngài lại tỏ lòng thương họ, vì tai họa họ sắp phải chịu (Lc 23,28). Trên thập giá, Ngài xin Cha tha thứ cho những kẻ giết mình, và ban ơn cứu độ cho người trộm biết thống hối (Lc 23,34.43). Cử chỉ tình yêu cuối cùng của Ngài là gắn kết Mẹ của mình với anh môn đệ mình thương: “Đây là con của Bà… Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26-27).

Khi Đức Giê-su được Thiên Chúa Cha phục sinh từ cõi chết, Ngài được đưa vào vinh quang đã có trước đây (Ga 17,24), được Cha trao mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18). Nhưng Đấng chiến thắng khải hoàn vẫn là Chúa xót thương, Đấng đầy quyền năng thần linh vẫn tôn trọng tự do con người. Chúa phục sinh đã không đi gặp Phi-la-tô, để trừng phạt ông này về tội hèn nhát, không dám tha. Ngài không hiện ra để lên án sự vô trách nhiệm của ông. Chúa phục sinh cũng không đi gặp các thượng tế để vạch trần lòng dạ xấu xa của họ, khi họ lên kịch bản công phu nhằm hãm hại Ngài. Họ đã thách thức Ngài xuống khỏi thập giá để họ tin (Mt 27,42). Bây giờ Ngài đủ khả năng để bắt họ tin bằng việc hiện ra với họ. Nhưng Ngài đã không làm. Những người được Đấng phục sinh hiện ra, đều là các môn đệ và tín hữu (1 Cr 15,3-8).

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta thấy lòng thương xót vô bờ của Đấng phục sinh đối với các môn đệ. Ngài đi bước trước đến với họ, để nâng đỡ họ sau biến cố thập giá kinh hoàng, biến cố làm vỡ tan mọi hy vọng và sụp đổ mọi ước mơ. Các môn đệ đã mang những mặc cảm do vấp ngã. Thầy đến để an ủi chữa lành các thương tích bằng việc cho họ thấy các vết thương trên thân thể mình. Các dấu đinh ở tay chân, và dấu đâm ở cạnh sườn Thầy đem lại niềm vui và niềm tin về người Thầy đã chết nhưng nay đang sống và đang đứng bên họ. Đấng phục sinh tế nhị không nhắc lại chuyện đã qua. Ngài đẩy họ về phía trước, và sai phái họ lên đường. Rồi sẽ đến lúc họ phải mở toang mọi cánh cửa khép, thắng vượt mọi sợ hãi, chấp nhận chung số phận với Thầy.

Đấng phục sinh là Đấng có trái tim thương xót. Ngài không muốn mất Tô-ma, vì Ngài biết tính của anh ấy. Ngài hiểu những đòi hỏi có vẻ quá đáng của anh, và biết anh muốn tin một cách nghiêm túc. Chính vì thế một tuần sau, Ngài đã trở lại để gặp anh, và thỏa mãn mọi điều anh đòi hỏi (Ga 20,27). Thầy Giê-su vui sướng khi thấy lòng tin của anh mềm lại. Anh chịu thua khi thấy tình thương Thầy dành cho mình, chỉ biết thốt lên lời tuyên xưng: Lạy Thiên Chúa của con!

Tình thương của Đấng phục sinh không chỉ dành cho Tô-ma, mà còn trải rộng đến đoàn tín hữu tương lai. Vẫn có những con chiên cần được đưa về ràn (Ga 10,16). Vẫn có những người vì không thấy nên chưa tin (Ga 20,29). Vẫn có những người đã tin nhưng nay đức tin bị mất. Mùa Phục sinh là thời gian bắt chước Đấng phục sinh đi thăm các Tôma ở quanh ta…

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top