Chúa Nhật III Phục Sinh - 14/04/2024
Lời Chúa - Lc 24,35-48:
Hai môn đệ từ Emmau trờ về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
Suy niệm:
Kitô hữu chúng ta thường nghĩ rằng tin Thầy Giêsu phục sinh chẳng có gì khó. Chỉ cần thấy trong mồ không còn xác Thầy và thấy Thầy hiện ra với mình là có niềm tin ngay. Qua các sách Tin Mừng, ta lại thấy tin không dễ chút nào.
Khi Thầy Giêsu hiện ra với mười một môn đệ trên một ngọn núi đã được báo trước, ở Galilê, có những ông quỳ xuống bái lạy, nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi (Mt 28,17). Khi Thầy Giêsu hiện ra với mười môn đệ, ông Tôma không có mặt, và ông tuyên bố sẽ không tin nếu không được tự mình kiểm chứng (Ga 20,25.27). Thầy Giêsu trách Tôma cứng lòng, chỉ chịu tin khi thấy; nhưng Thầy còn trách cả Nhóm Mười Một (Mc 16,14), vì họ không tin những kẻ đã thấy Ngài sau phục sinh. Họ cũng không tin lời chứng của các phụ nữ (Lc 24,10-11).
Quả thật, không dễ tin vào sự sống lại của vị Thầy đã bị đóng đinh, đã chết và được chôn trong mồ. Chuyện này chưa bao giờ xảy ra cho ai trên thế giới. Tuy vậy, niềm tin Đức Giêsu đã được phục sinh lại là niềm tin cốt lõi và căn bản của Kitô giáo. Sau khi về với Cha, Thầy Giêsu muốn các môn đệ trở nên những chứng nhân cho sự phục sinh của Thầy. Họ sẽ không đi rao giảng tin buồn về một vĩ nhân đã chết, nhưng sẽ đi loan báo Tin Mừng về một Đấng đã chết nhưng nay đang sống, Đấng ấy đã đến gặp họ, và đang hoạt động với họ. Chính vì thế, các môn đệ cần một kinh nghiệm sâu xa. Đấng phục sinh đích thân hiện ra để cho họ kinh nghiệm đó. Nhờ vậy, họ có một niềm xác tín không lay chuyển, đến nỗi dám hiến mạng sống để làm chứng sau này.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Thầy Giêsu nỗ lực để làm cho Nhóm Mười Một tin Thầy đã phục sinh. Dù Thầy đã hiện ra cho Simôn và hai môn đệ trên đường đi về Emmau, nhưng lạ thay, khi Thầy hiện ra cho Nhóm Mười Một, thì họ lại kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma (Lc 24,36-37). Chắc họ nghĩ đây là hồn của người chết hiện về, mỏng manh như sương khói. Ngài đã cho họ xem, thậm chí rờ vào tay chân Ngài. Ngài thuyết phục họ bằng lý luận để họ tin: “Chính Thầy đây, cứ rờ mà xem, ma đâu có thịt xương như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39). Nhưng vì các ông vẫn chưa tin và còn ngỡ ngàng, Thầy Giêsu đã ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông. Đấng phục sinh đã làm những điều cụ thể, để các ông thấy Ngài không phải là ma, nhưng là người đang sống với thân xác được phục sinh.
Đấng phục sinh không chỉ giúp các ông tin bằng giác quan. Điều ấy cần nhưng không đủ. Như đối với hai môn đệ trên đường đi Emmau, Ngài còn muốn cho họ thấy đau khổ và cái chết của Ngài đã được ghi trong Sách Thánh. Đó không phải là một thất bại hay rủi ro, nhưng là điều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Qua Khổ nạn, Thầy Giêsu được vào vinh quang. Qua Phục sinh, ơn tha tội đến với mọi dân tộc (Lc 24,47). Nhờ lời giải thích Kinh Thánh của Thầy Giêsu, mọi biến cố đau buồn đã qua trở nên hiểu được, và mọi vết thương trong tâm hồn họ được chữa lành.
Hôm nay, Chúa Giêsu không hiện ra để giải thích Kinh Thánh, hay bẻ bánh trao cho ta. Nhưng khi chúng ta tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, Chúa phục sinh tiếp tục giải thích Kinh Thánh và trao cho ta Tấm Bánh là Mình Ngài. Ngài vẫn bao dung, kiên nhẫn và yêu thương như xưa. Chỉ mong chúng ta dám thực hiện mệnh lệnh của Ngài, đó là rao giảng và làm chứng cho Đấng phục sinh.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.