Chúa Nhật IV Mùa Vọng – 18/12/2022

Lời Chúa – Mt 1,18-24:

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Suy niệm:

Thiên Chúa bất ngờ và mãi mãi bất ngờ. Ngài muốn cứu độ nhân loại bằng cách sai Con Một làm người. Cách trở thành người của Con Thiên Chúa vừa bình thường, lại vừa tuyệt đối khác thường. Bình thường vì Ngài được một phụ nữ sinh ra (x. Gl 4,4). Khác thường vì Ngài được sinh ra không do một người cha ruột, nhưng do quyền năng của Thánh Thần (cc. 18.20). Đây là niềm tin ngay từ thuở ban đầu của các Ki-tô hữu. Giáo Hội sung sướng đến với máng cỏ để chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su và Mẹ đồng trinh của Ngài.

Nhưng chúng ta không được quên thánh Giu-se. Giu-se đã bối rối, đau khổ khi thấy vị hôn thê của ông mang thai, dù Ma-ri-a chưa về chung sống với ông, dù chưa làm đám cưới. Ông không muốn tố cáo Ma-ri-a vì tội ngoại tình, nhưng ông cũng không thể lấy Ma-ri-a làm vợ, với thai nhi trong bụng không phải của ông. Cuối cùng, ông chọn giải pháp là chia tay bà một cách kín đáo (c. 19). Như thế, ông hy vọng sẽ bảo vệ được danh dự và an toàn cho Ma-ri-a.

Nhưng Thiên Chúa Cha cần Giu-se, cần một người cha nhân loại cho Con mình. Con Thiên Chúa không thể sinh ra trong một gia đình không cha. Người cha cần biết bao cho sự phát triển quân bình của đứa trẻ. Ma-ri-a cũng cần chỗ dựa và không thể một mình nuôi con. Qua sứ thần, Thiên Chúa mong Giu-se đón Ma-ri-a về làm vợ (c. 20), nghĩa là làm đám cưới chính thức với Ma-ri-a. Việc này đi kèm với việc đặt tên cho người con trai của Ma-ri-a, nghĩa là nhận người con ấy là con của mình trước pháp luật (c. 21). Một lời mời quan trọng chờ nơi Giu-se một tiếng Xin Vâng. Đâu phải Thiên Chúa chỉ cần tiếng Xin Vâng của Ma-ri-a là đủ. Giu-se có thể từ khước vì thấy mầu nhiệm khó hiểu và khó tin. Làm sao quyền năng Thánh Thần lại có thể làm cho Ma-ri-a mang thai? Giu-se có thể sợ vì thấy mình phải chịu trách nhiệm làm chồng làm cha, dù thực sự mình chẳng hề là thế. Thiên Chúa đã mời Giu-se trong giấc ngủ đêm khuya. Và ông đã làm y như lời sứ thần truyền khi thức dậy (c. 24). Tiếng Xin Vâng của Giu-se quá quan trọng cho kế hoạch cứu độ, nhờ đó, Con Thiên Chúa đàng hoàng bước vào cuộc đời, có một mái nhà, có mẹ, có cha, có tên, có tuổi.

Nếu không có những tiếng Xin Vâng của Ma-ri-a và Giu-se, thì điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại đang cần ơn cứu độ? Thiên Chúa chỉ ở-với-chúng ta nếu có những tấm lòng xin vâng. Ngài vẫn cần tấm lòng của người mẹ biết cưu mang như Ma-ri-a, và tấm lòng của người cha dám chịu trách nhiệm để Giê-su có chỗ đứng hợp pháp trong thế giới.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top