Chúa Nhật IV Phục Sinh – 30/04/2023

Lời Chúa – Ga 10,1-10:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

Suy niệm:

Chiên là con vật quen thuộc đối với người Do-thái. Người ta nuôi chiên thành từng đàn trên những đồng cỏ. Chiên cho con người nhiều thứ cần dùng như sữa, thịt, len, da,… Người ta thương chiên vì thái độ hiền lành của chúng: “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông” (Is 53,7).

Ở Ít-ra-en, chiên bao giờ cũng phải có người chăn, vì luôn có những hiểm nguy do chiên đi lạc đàn hay do dã thú. Người mục tử ngày đêm lo cho sự an toàn và hạnh phúc của chiên. Ban ngày phải đưa chiên đi tìm những đồng cỏ mới (1 Sb 4,39-40), ban đêm phải thức để canh phòng cho chiên (Lc 2,8). Tương quan giữa người mục tử và chiên thật thân thiết, đến nỗi gần như là tương quan giữa người với người (2 Sm 12,3).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy tương quan thân thiết ấy. Người mục tử đường đường chính chính đi qua cửa mà vào, chứ không lén lút như kẻ trộm leo rào mà vào (c. 1). Anh được người giữ cửa mở cửa cho. Trong ràn chiên, có thể có mấy đàn chiên ở chung. Anh gọi đàn chiên riêng của anh bằng giọng của anh, gọi chúng bằng tiếng kêu mà chỉ chúng mới hiểu là tiếng của chủ. Khi cả đàn chiên của anh nhận ra tiếng của người chăn, chúng sẽ theo sự dẫn dắt của anh để ra khỏi ràn. Anh đi trước, chúng theo sau. Tiếng của anh, bóng của anh, là hướng để chúng đi tới. Chúng an tâm vì biết mình đang đi theo ai.

Như thế, đàn chiên trông có vẻ ngây ngô, ngờ nghệch, nhưng lại có sự bén nhạy trong việc nhận ra mình nên đi theo ai. Không phải ai gọi cũng theo đâu, mà phải đúng tiếng gọi quen thuộc của chủ mình, với nét rất đặc biệt. Người lạ đừng hòng đánh lừa chiên, đừng hòng nhái tiếng gọi của chủ. Vì chiên chẳng những không theo, lại còn chạy trốn vì sợ (c. 5). Người lạ hay kẻ trộm cướp đều mưu tìm ích lợi cho mình, bằng cách ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10). Đức Giê-su nhận mình là mục tử nhân lành. Ngài phán: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (c. 10). Ngài trao sự sống đó bằng cách hy sinh sự sống của chính mình. Đức Giê-su cũng nhận mình là Cửa ràn chiên (cc. 7.9). Nếu ai qua Cửa Giê-su mà vào thì sẽ được cứu. Qua Cửa này mà đi vào thì được bảo đảm an toàn, qua Cửa này mà đi ra thì sẽ gặp được đồng cỏ (c. 9).

Thiên Chúa của dân Ít-ra-en thường được ví như một mục tử, vừa bổ sức, vừa dẫn dắt, lại vừa bảo vệ đoàn chiên (Tv 23; Is 40,11). Đức Giê-su nhận mình là Mục Tử nhân lành của đàn chiên (Ga 10,11), và trong lần hiện ra bên bờ biển hồ Ga-li-lê sau khi phục sinh, Ngài đã muốn Phê-rô chăn dắt đàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17). Trong Chúa nhật thứ tư sau Lễ Phục sinh, Chúa nhật Chúa Chiên Lành, Giáo Hội mời chúng ta cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục tu sĩ. Giáo Hội cần mục tử cho cánh đồng thế giới với 7 tỷ rưỡi con người. Có những chiên ở trong ràn và chiên ở ngoài ràn. Cả chiên ở ngoài ràn cũng là chiên của Mục Tử Giê-su (Ga 10,16). “Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Đó là ước mơ của Chúa Giê-su. Chỉ mong chúng ta làm cho tròn ước mơ đó.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top