Chúa Nhật Lễ Lá – 10/04/2022

Lời Chúa (Rước lá): Lc 19,28-40 [Thánh lễ: Lc 22,14-23,56 (hoặc Lc 23,1-49)]

Khi ấy, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem. Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. Nếu có ai hỏi: “Tại sao các anh cởi lừa người ta ra”, thì cứ nói: “Chúa có việc cần dùng!” Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: “Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra?” Hai ông đáp: “Chúa có việc cần dùng.”

Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”

Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!” Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”

Suy niệm:

Con Thiên Chúa chẳng những đã chia sẻ phận người, Ngài còn chia sẻ thân phận của những người yếu thế. Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giê-su, chúng ta không thấy đó là chuyện xa xôi. Trên thế giới mỗi ngày, có bao Giê-su vô tội bị kết án bất công, bị làm nhục, bị khinh khi, bị hành hạ và đối xử tàn tệ cho đến chết. Ðức Giê-su đứng về phía những người cùng khổ. Ngài vác thánh giá của họ, như họ và với họ. Chính vì thế, khi vác thánh giá theo chân Ðức Giê-su, chúng ta cũng muốn chia sẻ thánh giá của cả nhân loại. Ðức Giê-su còn bị đóng đinh cho đến tận thế, ngày nào còn một người anh chị em của Ngài khốn khổ.

Ði đàng thánh giá với Chúa trong mùa Chay giúp ta nhạy cảm hơn với thánh giá của tha nhân, và nhận ra mình có trách nhiệm trước mọi cuộc khổ nạn đang diễn ra trên toàn cầu. Ðức Giê-su đã xuống tận cùng vực thẳm của phận người. Ngài muốn gieo hy vọng cho những ai thất vọng. Ngài đem lại ý nghĩa cho những khổ đau vô lý. Ngài đã đón nhận tất cả với tình yêu thứ tha, nhờ đó thánh giá nở hoa, vực thẳm tràn trề sức sống.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa, ta thấy mình chẳng phải là kẻ đứng ngoài cuộc. Tôi thấy mình có nét của Giu-đa, một người được chọn, được yêu, được theo Thầy rất gần. Bao phép lạ đã chứng kiến, bao lời vàng ngọc đã được nghe. Tất cả vỡ tan khi Giu-đa bán Thầy bằng nụ hôn giả dối. Tôi thấy mình có nét giống Phê-rô. Ông tự hào về tình yêu của mình đối với Thầy để rồi dễ dàng chối Thầy trước một cô đầy tớ. Tiếng gà nào khiến Phê-rô chợt tỉnh. Ánh mắt thứ tha nào của Thầy khiến Phê-rô oà khóc. Vẫn có những tiếng gà và ánh mắt Chúa trong đời tôi…

Tôi thấy mình có nét giống Phi-la-tô. Ông bị trói chặt bởi nỗi sợ: sợ dân nổi loạn, sợ mất chức. Ông bị mất tự do vì áp lực của đám đông thét gào. Ông không đủ bản lãnh để tha một người vô tội. Tôi cũng thấy mình có nét giống Hê-rô-đê, tò mò, háo hức, trông chờ Ðức Giê-su làm phép lạ. Nhưng ông mau chóng thất vọng khi thấy Ngài lặng thinh. Ông buồn vì không gặp một Giê-su như ông mong ước.

Nhưng cuộc khổ nạn cũng có những điểm sáng. Si-môn vác đỡ thập giá Ðức Giê-su, các bà theo sau than khóc. Khuôn mặt rực rỡ hơn cả lại là người trộm lành. Một người bị đóng đinh tin vào một người bị đóng đinh khác. Anh tin Ðức Giê-su vô tội và anh xin Ngài nhớ đến anh. Lòng tin khiến anh trở nên người được hưởng ơn cứu độ. “Hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”: Câu này cũng phản ánh niềm tin và hy vọng của Ðức Giê-su.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.