Chúa Nhật XX Thường Niên – 14/08/2022

Lời Chúa – Lc 12,49-53:

Khi ấy, Ðức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

Suy niệm:

Cháy rừng là chuyện trước đây tương đối hiếm, nay càng lúc càng thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Cháy rừng xảy ra ở mọi châu lục, nhất là châu Mỹ. Năm 2021, có gần hai trăm ngàn vụ cháy ở Brazil. Hàng triệu mẫu đất rừng bị hư hoại. Nhà cửa bị thiêu rụi, người người phải sơ tán. Khí hậu biến đổi, trái đất nóng lên chưa từng thấy. Chỉ một tia lửa nhỏ cũng làm cả cánh rừng bốc cháy.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói: “Thầy đã đến ném lửa trên trái đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” Dĩ nhiên, thứ lửa mà Ngài muốn nói không phải là lửa của những đám cháy rừng hiện nay, cũng không phải là thứ lửa để trừng phạt hay tiêu diệt. Đã có lần hai môn đệ thân tín muốn gọi lửa từ trời để thiêu hủy một làng người Sa-ma-ri không đón tiếp họ, nhưng Đức Giê-su đã không cho (Lc 9,54-55). Gio-an Tẩy giả nghĩ Đấng Mê-si-a là Đấng đến để phán xét. Ngài sẽ chặt cây sinh trái xấu và quăng vào lửa, sẽ bỏ thóc lép vào lửa cho cháy tiêu (Lc 3,9.17). Nhưng Đức Giê-su không là Mê-si-a theo lối nghĩ của Gio-an. Ngài không nhổ và đốt cỏ lùng ngay lập tức (Mt 13,30).

Khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su mang nhiều ước mơ. Trên đường lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn, Đức Giê-su đã coi sứ vụ của Ngài là ném lửa trên mặt đất. Và Ngài ước mơ ngọn lửa ấy bùng lên khắp nơi (Lc 12,49). Vào Lễ Ngũ Tuần, ước mơ này bắt đầu được thực hiện. Những hình lưỡi giống như lửa đậu xuống trên từng người. Lúc đó, ai nấy đều được đầy tràn Thánh Thần (Cv 2,1-4). Có thể nói, lời của Gio-an Tẩy giả đã ứng nghiệm (Lc 3,16): “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” Khoảng một trăm hai mươi người đã có mặt hôm đó để trải qua kinh nghiệm về lửa của Thánh Thần (Cv 1,15) Kinh nghiệm ấy vẫn được tiếp tục qua dòng thời gian. Ngọn lửa của Chúa Giê-su vẫn được chuyển đến mọi người, cho đến khi nào cả mặt đất bừng sáng và giấc mơ của Chúa được thực hiện.

Khi tiến về Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su thấy lòng mình khắc khoải. Ngài biết những gì đang chờ mình ở đó. Ngài gọi đó phép rửa mà Ngài phải chịu. Phép rửa này khác với phép rửa ở sông Gio-đan vì nó sẽ dìm Ngài thật sâu trong khổ nhục và cái chết. Đức Giê-su không chịu phép rửa này một mình. “Các anh có chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Đức Giê-su đã hỏi Gia-cô-bê và Gio-an như thế (Mc 10,38). Và Ngài cũng hỏi từng người chúng ta như thế. Chúng ta nên một với Ngài nhờ cái gật đầu ưng thuận.

Đức Giê-su đã chịu phép rửa và không còn khắc khoải. Nhưng vẫn còn đó bao ước mơ của Ngài. Chúng ta phải ước mơ như Chúa Giê-su đã ước mơ, và thực hiện những ước mơ còn dang dở của Chúa. Chúng ta phải là người nhóm lửa, giữ lửa và chuyển lửa. Lửa của lòng nhiệt thành truyền giáo, lửa của tình yêu, lửa của Chúa Giê-su và Thánh Thần.

Thế giới hôm nay thừa cháy rừng, nhưng lại thiếu lửa. Bầu khí nóng lên kinh khủng, nhưng tim người lạnh giá. Thánh Inhaxiô Loyola đã nói với anh em sắp đi truyền giáo rằng: “Anh em hãy đi, và làm cho cả thế giới bùng cháy lên!”

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top