Dẫn nhập (Ấn bản 1947)
Các triết gia đã từng được gọi là những nhà khôn ngoan. Pythagoras, người đầu tiên phát minh ra thuật ngữ triết học (φιλία τῆς σοφίας [filía tís sofías], yêu mến sự khôn ngoan),i xét thấy rằng khôn ngoan theo nghĩa chặt chỉ thuộc riêng về Thiên Chúa, vì lý do đó, ông không muốn được gọi là một nhà khôn ngoan, nhưng chỉ đơn thuần là một người bạn, hay một người mộ mến khôn ngoan. Sự nhún nhường của ông, tự nó, đã là dấu hiệu của một sự khôn ngoan vĩ đại. Vì tính siêu phàm và khó với của những chân lý cao siêu, và vì sự yếu đuối nơi bản tính của chúng ta “trong rất nhiều khía cạnh bị lệ thuộc,” đã không cho phép con người có được “quyền sở hữu khôn ngoan”ii để hoàn toàn tự do sử dụng. Do nhiều ràng buộc khác nhau, Pythagoras đã giữ triết học ở lại trong một danh xưng không chắc chắn, để từ đó, ông không được gọi là một nhà khôn ngoan nữa, nhưng đúng hơn nhiều, là một kẻ hành khất trước cửa nhà khôn ngoan. Tuy nhiên, triết học cũng không phải thứ gì khác hơn là chính khôn ngoan, trong chừng mực mà bản tính con người hoàn toàn có thể tiếp cận.
Nó không phải một loại khôn ngoan được thông ban cách siêu nhiên vào linh hồn mà con người sở hữu qua một sự chiếu rọi phi thường. Cũng không phải loại khôn ngoan tự phát và vô thức (chẳng hạn như cái khôn của các con vật, hay thậm chí là của những sinh vật bậc thấp) vốn nhờ vào bản năng tự nhiên. Nhưng nó là khôn ngoan của con người xét như con người mà anh ta thu được nhờ sự lao động của trí năng, bởi lý do này, nó được thu lượm một cách khó khăn và chỉ được nắm giữ cách không chắc chắn, đồng thời, những người kiếm tìm nó nên được gọi là các triết gia hơn là các nhà khôn ngoan.
Đó là bản tính của triết học phát xuất từ từ nguyên của thuật ngữ và từ vị trí mà nó được sử dụng trong lối nói thông thường. Một triết gia là một người khôn ngoan theo nghĩa phàm nhân. Và người dành tâm huyết cho triết học, bằng cách sử dụng khôn ngoan phàm nhân, sẽ phải bảo đảm cho các đồng nghiệp của mình thấy được những quan điểm tuyệt vời nhất mà tại đó, sự hiểu biết của con người có thể vươn tới những vấn đề lớn vốn thu hút tư tưởng của cả giới.
Định nghĩa triết học là “khôn ngoan phàm nhân” (hay “khôn ngoan nhân loại”) vẫn là một định nghĩa sơ sài và mang tính danh nghĩa, thứ chỉ đơn giản là đưa ra sự tán thành có thể có về ý nghĩa của thuật ngữ. Để đạt tới một định nghĩa sâu sắc hơn, một định nghĩa thực sự hé lộ bản tính của đối tượng, chúng ta sẽ phải nghiên cứu theo trình tự lịch sử cụ thể về sự hình thành hay khởi nguyên của cái mà mọi người đã đồng ý gọi là triết học.
Khi làm như vậy, chúng ta sẽ tuân theo phương pháp của Aristotle trong chừng mực tối đa có thể cho một cuốn giáo khoa về giải nghĩa. Đây là điều thường bị bỏ qua trong những cuốn sách dạy về các kết luận nhưng dường như bỏ qua tinh thần của ông. Nhà duy thực vĩ đại đó đã không đề cao bất cứ thứ gì là tiên nghiệm và luôn nghiên cứu sự phát triển về mặt lịch sử của một vấn đề trước khi đề xuất giải pháp của riêng ông, nhờ đó, nó xuất hiện như đích đến tự nhiên của một quá trình khám phá. Phương pháp như vậy chắc chắn sẽ buộc chúng ta phải thực hiện một nghiên cứu lạc đề đáng kể vào lĩnh vực lịch sử, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, đây là điều không thể bỏ qua.
Một mặt, từ góc nhìn thực tiễn và mang tính giáo dục, một trình thuật về nguồn gốc lịch sử của tư tưởng triết học là phương pháp dẫn nhập tốt nhất cho những người mới bắt đầu làm quen với các vấn đề của triết học, dẫn họ vào một thế giới hoàn toàn mới lạ của những suy đoán thuần lý, và trang bị cho họ nhiều tri thức vô cùng hữu ích một cách tự nhiên. Điều kiện tiên quyết số một đối với họ là phải biết mình đang nghiên cứu gì, và phải có một khái niệm đủ sống động và chính xác về các vấn đề triết học được trình bày dưới dạng đơn giản tối đa.
Mặt khác, để công bằng đối với bản thân môn học của chúng ta, nói thẳng ra, nếu không có sự kiểm tra hay biện minh cụ thể từ trước, các kết luận liên quan đến bản tính, đối tượng, phẩm giá, v.v. của triết học sẽ chỉ là để trình bày quan niệm truyền thống về nó dưới một khía cạnh độc đoán và tiên nghiệm hoàn toàn lạ lẫm, đồng thời, có nguy cơ bắt sinh viên của chúng ta làm nô lệ cho những công thức sáo rỗng. Ngược lại, ngay từ đầu, với một bản tóm tắt sơ lược về lịch sử triết học cổ đại cho đến thời của Aristotle, nghĩa là đến khi kết thúc giai đoạn hình thành của nó, chúng ta trình bày triết học trong nguồn gốc và cấu trúc của môn học, qua đó, cho thấy quá trình chuyển tiếp giữa—việc giảng dạy lẽ thường—và—tri thức khoa học—của các triết gia đã được thực hiện như thế nào, cũng như cách thức các vấn đề lớn của triết học đã tự nảy sinh ra sao, hay bằng cách nào, một quan niệm cá biệt về triết học, thứ sau này sẽ được đưa ra để kiểm chứng trong thảo luận, lại là kết quả tất yếu từ cuộc điều tra lịch sử này, và được áp đặt cách tự nhiên vào tư tưởng. Chúng ta không cần e ngại khi nhấn mạnh đến những vấn đề sơ bộ này, những vấn đề mà chúng ta sẽ phải xem xét lại từ một góc độ khác trong phê bình. Bởi lẽ chúng liên quan đến chính sự tồn tại, bản tính và giá trị của triết học.
Chú thích
i Cicero, Tusculanae Disputationes, v. 8; x. Diogenes Laertius, i, 12.
ii Aristotle, Metaphysics i, 2, 982 b. Thánh Tôma, In I Metaphysics, 1. 3. x. De Veritate, q. 7, a. 7.