Nhập đề
Mục đích chính yếu của tôi khi viết cuốn sách này là đưa ra một bản trình bày trung thực về hệ thống triết học của Aristotle và Thánh Tôma, đồng thời, lấy ánh sáng của nó để đánh giá các hệ thống triết học quan trọng đã theo nhau xuất hiện trong ba thế kỷ gần đây, cũng như những vấn đề chính được luận bàn trong triết học hiện đại. Tôi đã cố gắng sử dụng phương pháp trình bày thích nghi với bối cảnh đương đại và đưa ra tri thức theo cấp độ tăng dần sao cho phù hợp nhất có thể đối với quá trình khám phá tri thức của người đọc, trong đó, không cung cấp những tri thức mà người đọc chưa biết và chưa hiểu, hay giới thiệu những khái niệm và mệnh đề mới mà những điều trước đó không có khả năng chuẩn bị hay dẫn đưa người đọc tới chúng. Phương pháp này đã giúp tôi thoát khỏi một vài vấn đề trong cách trình bày của các sách giáo khoa truyền thống, và trên hết, giúp tôi phóng chiếu tầm quan trọng và mở rộng phạm vi của cuốn sách một cách đáng kể. Vả lại cũng vì thế, mặc dù có phương pháp, nhưng tôi đã quay trở lại với những gì mà Aristotle từng sử dụng. Ba cuốn đầu tiên trong bộ Siêu hình học của ông không gì khác chính là một lời dẫn nhập bao quát vậy.
Một tác phẩm thuộc loại này, nếu tỉ mỉ, sẽ đòi hỏi phải bàn luận chi tiết đến một số điểm nhất định, mà nếu không thực hiện, sẽ khiến cho nghiên cứu mà nó thúc đẩy đánh mất đi toàn bộ giá trị dưới tư cách một bộ môn về tinh thần. Tôi sẽ không đúng với triết học truyền thống nếu giản lược nó về một số ít ỏi những điều đã không còn mới mẻ, hay một vài mẩu chuyện cũ rích trong siêu hình học duy linh, cũng như xao lãng việc đưa ra những đường nét trí tuệ tốt đẹp hay cho thấy năng lực của nó trong những phân tích sắc sảo.
Đối tượng mà tác phẩm này hướng tới là những người mới học. Vì thế, nó có thể không cố gắng phỏng lại chiều sâu hay sự phong phú của những biện chứng tinh tế mà người ta có thể tìm thấy trong những luận thuyết dành cho các chuyên gia, thay vào đó, ở mức độ hoàn toàn sơ đẳng. Tuy nhiên, nó vẫn phải bảo đảm được tính cách khoa học phù hợp với một bản trình bày triết học.
Một số độc giả có thể e dè đối với thuật ngữ học kinh viện. Nhưng chưa từng có ngành nghiên cứu, môn học, loại hình thể thao, hay thậm chí, ngành công nghiệp nào có khả năng không cần tới một hệ thống thuật ngữ đặc thù—mà thường là khô khan và mất tự nhiên hơn nhiều so với từ vựng triết học. Một mặt, việc yêu cầu các triết gia phải sử dụng ngôn ngữ đời thường chẳng khác nào ngụ ý rằng khoa học của họ chỉ là một đề tài bạo gan trong thảo luận, hay những suy đoán vô tích sự trên ghế dựa sau giờ ăn tối. Nhưng mặt khác, có lẽ cũng là chính đáng khi đòi hỏi rằng không nên có thuật ngữ chuyên môn nào được sử dụng cho đến khi nó được định nghĩa một cách rõ ràng.
Sau cùng, tôi phải nói rằng, nếu triết học của Aristotle, như đã được hồi sinh và làm phong phú thêm bởi Thánh Tôma và triết phái của ngài, có thể được gọi cách chính xác là Triết học Ki-tô Giáo[*] vì những nỗ lực không biết mệt mỏi của Giáo Hội trong việc thúc đẩy nó như là thứ triết học chân chính duy nhất, đồng thời, vì nó hài hòa cách hoàn hảo với các chân lý của đức tin, thì mặc dù vậy, nó không được đề xuất ở đây hầu nhận được sự chấp thuận của người đọc vì lý do Ki-tô Giáo, nhưng bởi vì nó đúng đắn một cách rõ ràng. Sự đồng thuận giữa hệ thống triết học được dựng nên bởi một người ngoại giáo với những tín điều của đức tin hẳn là một dấu chỉ bên ngoài, một bảo đảm vượt trên triết học đối với các chân lý của nó; đảm bảo ấy không đến từ sự đồng thuận của nó đối với Đức tin, nhưng đến từ lý chứng của chính nó, rằng nó nhận được thẩm quyển của mình dưới tư cách là một triết học.
Tuy nhiên, mặc dù giữa lý trí và đức tin có sự phân biệt, nhưng chúng không bị tách rời, và vì tôi đang viết để hướng tới các độc giả chủ yếu là Ki-tô hữu, nên tôi không phủ nhận rằng đôi chỗ mình có nhắc đến những tri thức quen thuộc đối với mọi tín hữu Công Giáo, hoặc đến những khai triển thần học nhất định đối với các nguyên lý triết học, nhằm đưa triết học vào vị trí thích hợp trong tư duy Ki-tô Giáo một cách tốt hơn, hoặc giúp họ duy trì sự thống nhất về mặt tư tưởng. Và có một thực tế là trong các lập luận, cũng như trong chính cấu trúc của việc trình bày về triết học của chúng ta, không phải đức tin, nhưng chính là lý trí, và chỉ mình nó, đã chiếm trọn vẹn nền tảng và nắm giữ quyền thống trị không thể phân chia.
Chú thích
[*] Đây là quan điểm phổ biến vào thời của Jacques Maritain. Tuy nhiên, sau Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã cởi mở với những cách tiếp cận khác. Trong Thông điệp Fides et ratio [Đức tin và lý trí], Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng Giáo Hội “không có triết học riêng của mình, và cũng không phong thánh cho bất cứ một triết học nào ưu tiên hơn các triết học khác” (Fides et ratio, số 49). Để bàn thêm về vấn đề này, độc giả có thể tham khảo bài dịch “Triết học Công Giáo là gì?”. [Ghi chú của người dịch]