George Leo Haydock (1774-1849) - Linh mục, Nhà chú giải Kinh Thánh
George Leo Haydock sinh ngày 11/04/1774, là con út trong một gia đình Công Giáo sùng đạo sống tại Preston, Lancashire, Anh Quốc, nơi được coi là trung tâm phong trào phản kháng của người Công Giáo Anh thời bấy giờ nhằm chống lại đạo luật ép buộc họ chấp nhận và thực thi Anh Giáo.
Cha George Leo Haydock (1774-1849)
Gia đình cha là họ hàng của Chân phước George Haydock (1556-1584), một vị linh mục chịu tử đạo dưới thời nữ hoàng Elisabeth I. George có 3 anh chị em, anh cả James Haydock (1765-1809), một linh mục sớm qua đời vì dịch bệnh khi đang chăm sóc từ thiện cho các bệnh nhân nghèo; người chị thứ hai, Margaret Haydock (1767? - 1854), là nữ tu dòng Augustinô; và một người anh nữa là Thomas Haydock (1772-1859), người đã ba lần quyết tâm theo học để trở thành linh mục nhưng đều bị từ chối vì không thấy có ơn gọi, sau này, anh trở về và thành lập một nhà xuất bản chuyên cung cấp các ấn phẩm Công Giáo.
Thời niên thiếu, George theo học tại một trường tiểu học dành cho học sinh Công Giáo ở Mowbreck, Wesham; đến năm mười một tuổi, cậu được gửi đi học thêm tại trường Cao Đẳng Anh tại Douai, Pháp, một ngôi trường đào tạo đến bậc trung học được thành lập vào thế kỷ XVI dành cho những người Công Giáo Anh sống lưu vong. Năm 1793, cuộc chiến tranh cách mạng Pháp bùng nổ, chính phủ Pháp bấy giờ tiến hành đóng cửa trường Cao Đẳng Anh và bỏ tù một số sinh viên thân Anh. Ngày 5 tháng 8 năm đó, George Haydock, khi ấy 19 tuổi, đã tránh được việc bị bắt giữ và trốn thoát trở về Anh. Anh tới làm việc cho anh trai mình tại nhà xuất bản. Năm 1796, anh tiếp tục việc học dở dang tại một chủng viện mới được thành lập ở Crook Hall, gần Consett, County Durham và được thụ phong linh mục tại đây vào năm 1798, mặc dù đến năm 1803 mới bắt đầu giai đoạn mục vụ.
Trong thời kỳ Luật Hình Sự, ở nước Anh không có hệ thống phân cấp Công Giáo, tức là không có giáo phận hay giáo xứ. Một Giám mục được gọi là Đại diện Tông Tòa (Vicar) và là người chủ trì các sứ vụ trong phạm vi địa phận mà mình quản lý. Nhiệm vụ đầu tiên mà cha George được giao sau khi thụ chức là tới làm mục vụ tại Ugthorpe, một vùng nông thôn nghèo trong hạt Yorkshire. Bằng nguồn tài chính của gia đình và bản thân, cha đã cho kiến thiết lại nhà nguyện, xây dựng trường học và làm nhiều việc có ích khác. Cha George thậm chí đã bày tỏ nguyện vọng sẽ sống ở đây tới cuối đời theo ý Chúa trong một bức thư gửi cho gia đình.
Nhà thờ Giáo xứ Thánh Catarina thành Siêna, Penrith, Cumbria, Anh
Chính trong thời gian ở Ugthorpe, cha George đã cho ra đời tác phẩm lớn nhất trong cuộc đời mình: Chú giải Kinh Thánh Công Giáo Anh ấn bản mới (Kinh Thánh Douay-Rheims). Đây là bản Kinh Thánh được dịch từ Kinh Thánh tiếng La-tinh bởi cha Gregory Martin (1542-1582) vào thế kỷ XVI. Nó đã được sửa đổi và chú giải vào thế kỷ XVIII bởi cha Richard Challoner (1691-1781) và sau đó là cha Bernard MacMahon (1736?-1816).
Cha George đã xây dựng tác phẩm mới dựa trên bản sửa đổi Challoner-MacMahon nói trên, nhưng bổ sung thêm những phần chú giải mở rộng đáng kể bằng cách sử dụng một phần nguyên bản và một phần được tổng hợp từ các tác phẩm thời các Giáo Phụ và của các học giả Kinh Thánh sau này.
Điều đáng lưu ý là mục đích chính của việc biên soạn ấn bản mới của cha George chính là chống lại những trào lưu giải nghĩa Kinh Thánh theo hướng trái với Đức tin Công Giáo thời bấy giờ. Trong phần lời nói đầu, cha đã khẳng định sự ra đời của ấn bản mới là “để tránh sự giải thích sai lầm của nhiều tác phẩm lạc giáo làm ô nhục Thánh Kinh và nhấn chìm đất nước bất hạnh này.”
Ấn bản này sau đó đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của các tín hữu Công Giáo Anh và cho đến ngày nay, nó vẫn là một di sản có giá trị và được phổ biến rộng rãi trong thế giới Công Giáo.
Những năm cuối đời, cha George được sai đi làm mục vụ tại nhiều vùng khác nhau và gặp không ít trắc trở do tình hình rối ren ở nước Anh khi ấy. Nhưng ở bất cứ giáo xứ nào được trao phó, cha vẫn luôn được anh chị em giáo dân yêu mến và biết ơn vì sự khiêm nhường, tận tâm, cũng như những sự giúp đỡ quảng đại mà cha thực hiện bằng nguồn tài chính của gia đình. Sau đạo luật Giải phóng Công Giáo năm 1839, cha được phục chức linh mục và các quyền tư tế. Trong một lần đi ban bí tích một người nghèo lang thang đang hấp hối, cha George bị đau tim. Dù sức khỏe yếu đi nhiều, cha vẫn hăng say, nhiệt tình trong các công việc của giáo xứ và đã cho xây dựng một nhà thờ theo tên Thánh Catarina thành Siêna. Cha qua đời ngày 29/11/1849, chỉ hai tháng trước khi nhà thờ được hoàn thành.
Trong suốt cuộc đời đầy sóng gió của mình, cha George Leo Haydock đã gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm, nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cha vẫn luôn cho thấy nơi mình một tình yêu mãnh liệt dành cho Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Bằng nghị lực sống vươn lên, tinh thần hăng say phục vụ mọi người và nỗ lực chu toàn trong mọi công việc, mục vụ cũng như nghiên cứu, cha đã trở thành gương sáng về Đức tin cho không chỉ những người Công Giáo Anh thời ấy, mà còn cho mọi tín hữu chúng ta ngày nay.
Bia tưởng niệm cha George Leo Haydock tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Catarina thành Siêna, Penrith, Cumbria, Anh. Trên bia có ghi lại câu Kinh Thánh được lấy làm phương châm sống và truyền thống của nhà Haydock: “Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20).