Chương 2. Ngăn trở tiêu hôn nói chung (Điều 1073-1082)

Điều 1073

Ngăn trở tiêu hôn làm cho người ta không có năng cách để kết hôn thành sự.

Điều 1074

Ngăn trở được coi là công khai khi có thể chứng minh ở tòa ngoài; đối lại là ngăn trở kín đáo.

Điều 1075

§1. Việc chính thức tuyên bố khi nào luật Thiên Chúa cấm kết hôn hay tiêu hôn thuộc quyền bính tối cao của Giáo Hội mà thôi.

§2. Cũng chỉ có quyền bính tối cao ấy mới có quyền thiết lập những ngăn trở khác đối với những người đã được Rửa Tội.

Điều 1076

Tục lệ nào du nhập một ngăn trở mới hoặc nghịch với những ngăn trở hiện có đều bị phi bác.

Điều 1077

§1. Trong một trường hợp đặc biệt, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cấm những người thuộc quyền mình đang ở bất cứ nơi nào và mọi người hiện đang cư ngụ trong địa hạt của mình không được kết hôn, nhưng chỉ trong một thời gian mà thôi, vì một lý do nghiêm trọng và bao lâu lý do ấy còn kéo dài.

§2. Chỉ có quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thể thêm một điều khoản tiêu hôn vào lệnh cấm ấy.

Điều 1078

§1. Đấng Bản Quyền địa phương có thể miễn chuẩn cho những người thuộc quyền mình đang ở bất cứ nơi nào và mọi người đang cư ngụ trong địa hạt của mình khỏi mọi ngăn trở thuộc luật Giáo Hội, trừ những ngăn trở mà Tông Tòa dành riêng cho mình quyền miễn chuẩn.

§2. Những ngăn trở mà Tông Tòa dành riêng cho mình quyền miễn chuẩn là:

ngăn trở do các chức thánh, hoặc do lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh trong một hội dòng thuộc luật giáo hoàng;

ngăn trở do tội ác được nói đến ở điều 1090.

§3. Không bao giờ được miễn chuẩn những ngăn trở do họ máu hàng dọc hay họ máu hàng ngang bậc thứ hai.

Điều 1079

§1. Trong trường hợp nguy tử khẩn cấp, Đấng Bản Quyền địa phương có thể miễn chuẩn cho những người thuộc quyền mình đang ở bất cứ nơi nào hoặc mọi người đang cư ngụ trong địa hạt của mình khỏi phải giữ thể thức cử hành hôn nhân, và khỏi mọi ngăn trở, cũng như từng ngăn trở công khai hay kín đáo thuộc luật Giáo Hội, trừ ngăn trở do thánh chức linh mục.

§2. Trong cùng các hoàn cảnh được nói đến ở §1, nhưng chỉ trong những trường hợp không thể đến với Đấng Bản Quyền địa phương được, thì cả cha sở hay thừa tác viên có chức thánh đã được ủy quyền hợp pháp, lẫn tư tế hay phó tế chứng hôn chiếu theo quy tắc của điều 1116 §2, đều có cùng một quyền miễn chuẩn ấy.

§3. Trong cơn nguy tử, cha giải tội có quyền miễn chuẩn những ngăn trở kín đáo ở tòa trong, vào lúc hoặc ngoài lúc ban bí tích Sám Hối.

§4. Trong trường hợp được nói đến ở §2, phải được coi là không thể đến với Đấng Bản Quyền địa phương được, nếu chỉ có thể liên lạc với ngài qua điện tín hoặc điện thoại.

Điều 1080

§1. Mỗi khi khám phá ra một ngăn trở vào lúc mọi sự đã sẵn sàng cho lễ cưới và không thể hoãn hôn lễ lại cho đến khi xin được phép chuẩn của nhà chức trách có thẩm quyền mà không có nguy cơ thiệt hại nặng nề có thể xảy ra, thì Đấng Bản Quyền địa phương có quyền miễn chuẩn tất cả mọi ngăn trở, trừ những ngăn trở được nói đến ở điều 1078 §2, 1°, và nếu ngăn trở còn kín đáo, thì tất cả những vị được nói đến ở điều 1079 §§2-3 cũng có quyền ấy, nhưng phải giữ những điều kiện mà điều này đòi buộc.

§2. Quyền này cũng có giá trị để thành sự hóa hôn nhân, nếu trì hoãn sẽ có nguy cơ như trên và nếu không đủ thời gian để nại đến Tông Tòa hoặc Đấng Bản Quyền địa phương, đối với những ngăn trở mà ngài có quyền miễn chuẩn được.

Điều 1081

Cha sở hoặc tư tế hay phó tế được nói đến ở điều 1079 §2 phải lập tức thông báo cho Đấng Bản Quyền địa phương biết phép chuẩn đã được ban ở tòa ngoài và phải ghi phép chuẩn ấy vào sổ hôn phối.

Điều 1082

Trừ khi phúc chiếu của Tòa Ân Giải quy định cách khác, phép chuẩn một ngăn trở kín đã được ban ở tòa trong nhưng ngoài bí tích, phải được ghi trong một cuốn sổ được lưu giữ cẩn thận tại văn khố mật của tòa giám mục, và nếu sau này ngăn trở kín trở thành công khai, thì không cần phải xin một phép chuẩn nào khác ở tòa ngoài.

Chương 1. Mục vụ hôn nhân và những việc phải làm trước khi hôn nhân được cử hành (Điều 1063-1072)Chương 3. Ngăn trở tiêu hôn nói riêng (Điều 1083-1094)