Chương 5. Nghi thức cử hành hôn nhân (Điều 1108-1123)

Điều 1108

§1. Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản Quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên ủy quyền, và trước mặt hai nhân chứng, nhưng phải theo những quy tắc được quy định trong những điều khoản sau đây, và miễn là vẫn giữ nguyên những biệt lệ được nói đến ở các điều 144, 1112 §1, 1116 và 1127 §§1-2.

§2. Vị chứng hôn chỉ được hiểu là người hiện diện để yêu cầu hai bên kết ước biểu lộ sự ưng thuận và để nhân danh Giáo Hội chấp nhận sự biểu lộ ấy.

Điều 1109

Chiếu theo chức vụ, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai người thuộc lễ điển Latinh, trừ khi các vị ấy bị vạ tuyệt thông, hoặc bị vạ cấm chế, hoặc bị huyền chức do án lệnh hay do sắc lệnh, hoặc đã bị tuyên bố như vậy.

Điều 1110

Đấng Bản Quyền và cha sở tòng nhân, chiếu theo chức vụ, chỉ chứng hôn thành sự cho những đôi nào, mà ít ra một người kết ước là người thuộc quyền mình, trong giới hạn thẩm quyền của mình.

Điều 1111

§1. Bao lâu còn chu toàn giáo vụ của mình cách hữu hiệu, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể ủy nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình.

§2. Để được hữu hiệu, việc ủy nhiệm năng quyền chứng hôn phải được minh nhiên ban cho những người nhất định; nếu là một sự ủy quyền riêng biệt, thì có giá trị đối với một đôi hôn nhân nhất định, còn nếu là một sự ủy quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản.

Điều 1112

§1. Ở đâu thiếu tư tế và phó tế, Giám mục giáo phận có thể ủy quyền cho giáo dân để chứng hôn, sau khi được Hội Đồng Giám mục chấp thuận và được Tòa Thánh ban phép.

§2. Phải chọn một người giáo dân có khả năng xứng hợp để có thể đào tạo các đôi vợ chồng tương lai và có đủ tư cách cử hành phụng vụ hôn nhân cách đúng phép.

Điều 1113

Trước khi ban ủy quyền riêng biệt, phải chu toàn tất cả những gì luật đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên.

Điều 1114

Người chứng hôn hành động bất hợp pháp, nếu họ không có sự xác tín về tình trạng thong dong những người kết ước chiếu theo quy tắc của luật cũng như về phép của cha sở, nếu có thể, mỗi khi họ chứng hôn do một sự ủy quyền tổng quát.

Điều 1115

Hôn nhân phải được cử hành tại giáo xứ mà một trong hai người kết ước có cư sở hoặc bán cư sở hay đã cư ngụ một tháng, hoặc nếu là những người không có cư sở, phải được cử hành tại giáo xứ mà họ đang cư ngụ; hôn nhân có thể được cử hành tại nơi khác, khi có phép của Đấng Bản Quyền riêng hay của cha sở riêng.

Điều 1116

§1. Nếu không thể có hay không thể đến với một vị chứng hôn có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật, mà không gặp bất tiện nặng, thì những người nào muốn kết hôn thật sự, có thể kết hôn cách thành sự và hợp pháp trước mặt các nhân chứng mà thôi:

trong trường hợp nguy tử;

ngoài trường hợp nguy tử, miễn là dự đoán theo sự khôn ngoan rằng tình trạng ấy sẽ kéo dài suốt tháng.

§2. Trong cả hai trường hợp, nếu có một tư tế hay một phó tế khác có thể hiện diện, thì phải mời vị ấy đến chứng kiến buổi cử hành hôn lễ cùng với các nhân chứng, mặc dù hôn nhân trước mặt các nhân chứng mà thôi vẫn thành sự.

Điều 1117

Phải tuân giữ thể thức ấn định ở trên, nếu ít là một trong hai bên kết ước đã được Rửa Tội trong Giáo Hội Công Giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo và đã không rời bỏ Giáo Hội ấy bằng một hành vi dứt khoát, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định ở điều 1127 §2.

Điều 1118

§1. Hôn nhân giữa hai người Công Giáo hoặc giữa một người Công Giáo và một người đã được Rửa Tội ngoài Công Giáo phải được cử hành trong nhà thờ giáo xứ, hôn nhân này có thể cử hành trong một nhà thờ khác hoặc trong một nhà nguyện, nếu có phép của Đấng Bản Quyền địa phương hay của cha sở.

§2. Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép cử hành hôn nhân tại một nơi thích hợp khác.

§3. Hôn nhân giữa một người Công Giáo và một người không được Rửa Tội có thể được cử hành trong nhà thờ hay tại một nơi thích hợp khác.

Điều 1119

Ngoài trường hợp cần thiết, khi cử hành hôn nhân phải tuân giữ các nghi lễ đã được quy định trong các sách phụng vụ do Giáo Hội phê chuẩn, hoặc đã được du nhập do các tục lệ hợp pháp.

Điều 1120

Hội đồng Giám mục có thể soạn thảo một nghi lễ hôn nhân riêng, nghi lễ này phải được Tông Tòa chuẩn nhận và phải lưu ý đến những tục lệ địa phương và dân gian đã được thích nghi với tinh thần Kitô Giáo, nhưng vẫn giữ nguyên luật buộc vị chứng hôn hiện diện phải yêu cầu những người kết ước biểu lộ sự ưng thuận và phải chấp nhận sự biểu lộ ấy.

Điều 1121

§1. Một khi hôn nhân đã được cử hành chiếu theo quy tắc của điều 1116, cha sở nơi cử hành hôn nhân hay vị thay thế ngài, cho dù không ai là người chứng hôn, phải sớm hết sức ghi vào sổ hôn nhân tên của đôi vợ chồng, của vị chứng hôn và của các nhân chứng, nơi và ngày cử hành hôn nhân, theo thể thức do Hội đồng Giám mục hay Giám Mục giáo phận quy định.

§2. Mỗi khi hôn nhân được kết ước chiếu theo quy tắc của điều 1116, tư tế hay phó tế, nếu đã có mặt trong hôn lễ, hoặc nếu không thì các nhân chứng, buộc phải liên đới với những người kết ước để thông báo sớm hết sức cho cha sở hoặc Đấng Bản Quyền địa phương biết hôn nhân đã được kết ước.

§3. Về hôn nhân đã được kết ước với phép chuẩn khỏi giữ thể thức giáo luật, Đấng Bản Quyền địa phương đã ban phép chuẩn phải liệu sao để phép chuẩn và việc cử hành được ghi vào sổ hôn nhân của tòa giám mục cũng như của giáo xứ riêng phía bên Công Giáo mà cha sở đã điều tra về tình trạng thong dong. Người phối ngẫu Công Giáo buộc phải thông báo sớm hết sức cho Đấng Bản Quyền và cha sở biết là hôn nhân đã được cử hành, cũng phải chỉ rõ nơi cử hành và thể thức công khai đã tuân giữ.

Điều 1122

§1. Việc kết ước hôn nhân cũng phải được ghi chú vào sổ Rửa Tội, trong đó đã ghi việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội của hai vợ chồng.

§2. Nếu một người phối ngẫu không kết ước hôn nhân trong giáo xứ mình đã được Rửa Tội, thì cha sở nơi cử hành hôn lễ phải thông báo sớm hết sức cho cha sở nơi đương sự đã được Rửa Tội biết là hôn nhân đã được kết ước.

Điều 1123

Mỗi khi hôn nhân hoặc được thành sự hóa ở tòa ngoài, hoặc được tuyên bố là bất thành, hoặc được tháo gỡ cách hợp thức vì một lý do khác ngoài lý do tử vong, thì phải thông báo cho cha sở nơi cử hành hôn nhân biết điều ấy, để ghi chú đầy đủ vào sổ hôn phối và sổ Rửa Tội.

Chương 4. Sự ưng thuận hôn nhân (Điều 1095-1107)Chương 6. Hôn nhân hỗn hợp (Điều 1124-1129)