§1. Về thể thức được áp dụng trong hôn nhân hỗn hợp, phải tuân giữ những quy định của điều 1108; tuy nhiên, nếu bên Công Giáo kết hôn với bên không Công Giáo thuộc lễ điển Đông Phương, thì thể thức cử hành theo giáo luật phải được tuân giữ để hôn nhân được hợp thức mà thôi; nhưng để hôn nhân được thành sự, thì buộc phải có sự can thiệp của thừa tác viên có chức thánh, miễn là vẫn giữ những luật khác phải giữ.
§2. Nếu có những khó khăn nghiêm trọng ngăn cản việc tuân giữ thể thức giáo luật, Đấng Bản Quyền địa phương bên Công Giáo có quyền miễn chuẩn khỏi giữ thể thức ấy trong từng trường hợp, nhưng phải tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền địa phương tại nơi cử hành hôn nhân và phải giữ một thể thức cử hành công khai nào đó, để hôn nhân được thành sự, việc ấn định những quy tắc để ban phép chuẩn nói trên một cách đồng nhất thuộc Hội đồng Giám mục.
§3. Dù trước hay sau khi cử hành hôn nhân theo giáo luật chiếu theo quy tắc của §1, cấm cử hành hôn nhân theo nghi thức tôn giáo một lần nữa để bày tỏ hay lặp lại sự ưng thuận hôn nhân; cũng không được cử hành nghi thức tôn giáo, trong đó vị chứng hôn Công Giáo và thừa tác viên không Công Giáo cùng yêu cầu các bên bày tỏ sự ưng thuận, mỗi vị cử hành theo nghi thức của mình.
Điều 1108:
§1. Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản Quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên ủy quyền, và trước mặt hai nhân chứng, nhưng phải theo những quy tắc được quy định trong những điều khoản sau đây, và miễn là vẫn giữ nguyên những biệt lệ được nói đến ở các điều 144, 1112 §1, 1116 và 1127 §§1-2.
§2. Vị chứng hôn chỉ được hiểu là người hiện diện để yêu cầu hai bên kết ước biểu lộ sự ưng thuận và để nhân danh Giáo Hội chấp nhận sự biểu lộ ấy.
Điều 144:
§1. Khi có lầm lẫn chung hoặc về sự kiện hoặc về luật, cũng như khi có hồ nghi tích cực và hợp lý hoặc về luật hoặc về sự kiện, thì Giáo Hội bổ khuyết quyền hành pháp lãnh đạo ở cả tòa trong lẫn tòa ngoài.
§2. Quy tắc này cũng được áp dụng cho những năng quyền được nói đến ở những điều 882, 883, 966 và 1111 §1.
Điều 1112:
§1. Ở đâu thiếu tư tế và phó tế, Giám mục giáo phận có thể ủy quyền cho giáo dân để chứng hôn, sau khi được Hội Đồng Giám mục chấp thuận và được Tòa Thánh ban phép.
§2. Phải chọn một người giáo dân có khả năng xứng hợp để có thể đào tạo các đôi vợ chồng tương lai và có đủ tư cách cử hành phụng vụ hôn nhân cách đúng phép.
Điều 1116:
§1. Nếu không thể có hay không thể đến với một vị chứng hôn có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật, mà không gặp bất tiện nặng, thì những người nào muốn kết hôn thật sự, có thể kết hôn cách thành sự và hợp pháp trước mặt các nhân chứng mà thôi:
1° trong trường hợp nguy tử;
2° ngoài trường hợp nguy tử, miễn là dự đoán theo sự khôn ngoan rằng tình trạng ấy sẽ kéo dài suốt tháng.
§2. Trong cả hai trường hợp, nếu có một tư tế hay một phó tế khác có thể hiện diện, thì phải mời vị ấy đến chứng kiến buổi cử hành hôn lễ cùng với các nhân chứng, mặc dù hôn nhân trước mặt các nhân chứng mà thôi vẫn thành sự.
Điều 882:
Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức là Giám mục; linh mục cũng ban bí tích này thành sự, nếu có năng quyền đó chiếu theo luật Phổ quát, hoặc do nhà chức trách có thẩm quyền ban riêng cho.
Điều 883:
Những vị sau đây đương nhiên có năng quyền ban bí tích Thêm Sức:
1° những vị được luật đồng hóa với Giám mục giáo phận, trong giới hạn thẩm quyền của mình;
2° đối với người liên hệ, thì linh mục nào chiếu theo chức vụ hoặc được Giám mục giáo phận ủy quyền Rửa Tội cho một người đã quá tuổi nhi đồng hoặc tiếp nhận một người đã được Rửa Tội và hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo;
3° đối với những người trong cơn nguy tử, thì cha sở và thậm chí bất cứ linh mục nào.
Điều 966:
§1. Để giải tội thành sự, ngoài quyền thánh chức, thừa tác viên buộc phải có năng quyền thi hành quyền thánh chức ấy đối với những tín hữu mà ngài ban ơn xá giải.
§2. Tư tế có thể có năng quyền này, hoặc chiếu theo chính luật, hoặc do nhà chức trách có thẩm quyền ban chiếu theo quy tắc của điều 969.
Điều 1111:
§1. Bao lâu còn chu toàn giáo vụ của mình cách hữu hiệu, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể ủy nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình.
§2. Để được hữu hiệu, việc ủy nhiệm năng quyền chứng hôn phải được minh nhiên ban cho những người nhất định; nếu là một sự ủy quyền riêng biệt, thì có giá trị đối với một đôi hôn nhân nhất định, còn nếu là một sự ủy quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản.
Điều 969:
§1. Chỉ Đấng Bản Quyền địa phương có thẩm quyền ban cho bất cứ linh mục nào năng quyền giải tội cho bất cứ tín hữu nào, nhưng những linh mục là thành viên của một hội dòng không được dùng năng quyền ấy khi không có phép ít là được suy đoán của Bề Trên mình.
§2. Bề Trên của một hội dòng hoặc của một tu đoàn tông đồ được nói đến ở điều 968 §2, có thẩm quyền ban cho bất cứ linh mục nào năng quyền giải tội cho các người thuộc quyền mình và các người khác ngày đêm cư ngụ trong nhà mình.
Điều 968:
§1. Chiếu theo chức vụ, Đấng Bản Quyền địa phương, vị kinh sĩ xá giải, cũng như cha sở và những người thay quyền cha sở, đều có năng quyền giải tội, và mỗi người trong quyền hạn của mình.
§2. Chiếu theo chức vụ, Bề Trên các hội dòng giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng hoặc các tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng có quyền hành pháp trong việc lãnh đạo chiếu theo quy tắc của hiến pháp, thì có năng quyền giải tội cho các người thuộc quyền mình và cho những người khác ngày đêm cư ngụ trong nhà mình, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 630 §4.
Điều 630:
§1. Các Bề Trên phải nhìn nhận sự tự do chính đáng của các thành viên trong những gì liên quan đến bí tích Sám Hối và việc linh hướng, miễn là vẫn giữ nguyên kỷ luật của tu hội.
§2. Các Bề Trên, chiếu theo quy tắc của luật riêng, phải liệu sao cho các cha giải tội có khả năng luôn sẵn sàng để các thành viên có thể thường xuyên xưng tội với các ngài.
§3. Trong các nữ đan viện, trong các nhà đào tạo, và trong các cộng đoàn đông người thuộc hàng giáo dân, phải có các cha giải tội thường lệ được Đấng Bản Quyền địa phương chuẩn nhận, sau khi đã tham khảo ý kiến của cộng đoàn, tuy nhiên, họ không buộc phải xưng tội với các vị ấy.
§4. Các Bề Trên đừng giải tội cho những người thuộc quyền mình, trừ khi những người này tự ý yêu cầu điều này.
§5. Các thành viên phải đến với các Bề Trên của mình với lòng tin tưởng, họ có thể tự do và tự ý cởi mở tâm hồn với các ngài. Tuy nhiên, các Bề Trên không được xúi giục họ giãi bày lương tâm bằng bất cứ cách nào.