Chương 2. Lời thề (Điều 1199-1204)
Điều 1199
§1. Lời thề tức là lời kêu cầu danh Chúa làm chứng cho chân lý, chỉ có thể được tuyên thệ trong sự thật, trong sự suy xét và trong công lý.
§2. Lời thề do giáo luật yêu cầu hoặc được giáo luật chấp nhận không thể được tuyên thệ thành sự qua người đại diện.
Điều 1200
§1. Người nào tự do thề rằng mình sẽ làm việc gì đó, thì buộc phải thực hiện điều mình đã quả quyết bằng lời thề, do sự đòi buộc đặc biệt của đức thờ phượng.
§2. Lời thề bị ép buộc do lường gạt, do bạo lực hoặc do sợ hãi nghiêm trọng, thì đương nhiên bất thành.
Điều 1201
§1. Lời thề có tính cách hứa hẹn đi theo bản chất và những điều kiện của hành vi liên hệ đến lời thề ấy.
§2. Nếu lời thề liên hệ đến một hành vi trực tiếp làm hại người khác, hoặc làm tổn thương công ích hay phần rỗi đời đời, thì hành vi này không có một hiệu lực nào của lời thề ấy.
Điều 1202
Nghĩa vụ phát sinh do lời thề có tính cách hứa hẹn chấm dứt:
1° nếu được người mà lời thề đã được tuyên thệ vì lợi ích của họ miễn xá cho;
2° nếu nội dung lời thề đã thay đổi, hoặc nếu nghĩa vụ trở nên tồi tệ hay hoàn toàn vô thưởng vô phạt do hoàn cảnh đã thay đổi, hoặc sau hết, nếu nghĩa vụ ngăn cản một lợi ích lớn hơn;
3° nếu thiếu mục đích hoặc điều kiện vì đó mà lời thề đã được tuyên thệ;
4° nếu được miễn chuẩn hay được thay thế, chiếu theo quy tắc của điều 1203.
Điều 1203
Những vị có thể đình chỉ, miễn chuẩn hay thay thế một lời khấn, thì cũng có quyền như vậy và theo cùng một cách thức đối với lời thề có tính cách hứa hẹn, nhưng nếu việc miễn chuẩn lời thề gây thiệt hại cho những người khác và họ từ chối giải trừ nghĩa vụ, thì chỉ một mình Tông Tòa mới có thể miễn chuẩn lời thề ấy.
Điều 1204
Theo luật, lời thề phải được giải thích theo nghĩa hẹp và theo chủ ý của người thề, hoặc nếu người thề tuyên thệ vì man trá, thì phải theo chủ ý của người nhận lời thề.