Chương 4. Bàn thờ (Điều 1235-1239)

Điều 1235

§1. Bàn thờ, tức là chiếc bàn mà Hiến Tế Thánh Thể được cử hành trên đó, được coi là cố định, nếu được xây gắn liền với nền nhà, đến nỗi không thể di chuyển được; được coi là di động, nếu có thể di chuyển được.

§2. Trong tất cả mọi nhà thờ, nên có một bàn thờ cố định; nhưng trong các nơi khác dành cho việc cử hành các nghi lễ thánh, bàn thờ có thể cố định hay di động.

Điều 1236

§1. Theo truyền thống thực tiễn của Giáo Hội, mặt bàn thờ cố định phải bằng đá, và còn phải bằng nguyên một phiến đá tự nhiên; tuy nhiên, cũng có thể chấp nhận cho dùng một vật liệu khác xứng đáng và rắn chắc, theo sự thẩm định của Hội đồng Giám mục. Còn phần chống đỡ hay chân bàn thờ có thể được làm bằng bất cứ vật liệu nào.

§2. Bàn thờ di động có thể được làm bằng bất cứ vật liệu rắn chắc nào hợp với việc sử dụng trong phụng vụ.

Điều 1237

§1. Các bàn thờ cố định phải được cung hiến, còn bàn thờ di động phải được cung hiến hoặc được làm phép theo nghi thức đã được quy định trong các sách phụng vụ.

§2. Phải giữ gìn truyền thống cổ kính đặt các thánh tích của các thánh tử đạo hay của các thánh khác dưới bàn thờ cố định, theo các quy tắc được quy định trong các sách phụng vụ.

Điều 1238

§1. Một bàn thờ mất tính cách đã được cung hiến hay đã được làm phép chiếu theo quy tắc của điều 1212.

§2. Do sự kiện cho sử dụng nhà thờ hay một nơi thánh khác vào việc phàm tục, các bàn thờ cố định hay di động không mất tính cách đã được cung hiến, và cũng không mất tính cách đã được làm phép.

Điều 1239

§1. Cả bàn thờ cố định lẫn bàn thờ di động chỉ được dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, tuyệt đối không được sử dụng vào bất cứ việc phàm tục nào.

§2. Không được chôn cất thi hài dưới bàn thờ; nếu có thì không được phép cử hành Thánh Lễ trên bàn thờ ấy.

Chương 3. Đền thánh (Điều 1230-1234)Chương 5. Nghĩa trang (Điều 1240-1243)