Đề mục 3. Chủ thể bị trừng phạt (Điều 1321-1330)

Điều 1321

§1. Không ai bị trừng phạt, nếu việc vi phạm luật hay mệnh lệnh bên ngoài không thể quy trách cho người đó cách nặng nề do cố tình hay do lầm lẫn.

§2. Người nào cố tình vi phạm luật hay mệnh lệnh thì phải chịu hình phạt do luật hay mệnh lệnh ấn định, nhưng người nào vi phạm luật hay mệnh lệnh vì thiếu sự thận trọng cần thiết thì không bị phạt, trừ khi luật hay mệnh lệnh quy định cách khác.

§3. Một khi đã có sự vi phạm bên ngoài, thì việc quy trách nhiệm được suy đoán, trừ khi đã rõ cách khác.

Điều 1322

Những người thường xuyên không sử dụng được trí khôn, thì dù họ vi phạm luật hay mệnh lệnh trong khi họ có vẻ sáng suốt, họ cũng được kể là người không có khả năng phạm tội.

Điều 1323

Những người sau đây vi phạm luật hay mệnh lệnh thì cũng không bị một hình phạt nào:

người chưa đủ mười sáu tuổi trọn;

người không biết là mình vi phạm một luật hay một mệnh lệnh, mà không do lỗi của mình, tuy nhiên, sự vô ý và lầm lẫn được đồng hóa với sự không biết;

người đã hành động dưới áp lực của bạo lực thể lý hay do một trường hợp ngẫu nhiên không thể thấy trước được, hoặc dù có thấy trước cũng không thể chống lại được;

người đã bị cưỡng ép hành động do sợ hãi nghiêm trọng dù chỉ có tính cách tương đối thôi, hoặc do nhu cầu thúc đẩy, hoặc để tránh một điều bất lợi nghiêm trọng, nhưng trừ trường hợp hành động ấy thực chất là xấu hoặc gây thiệt hại cho các linh hồn;

người đã hành động trong tư thế tự vệ chính đáng chống lại một kẻ tấn công mình hay một người khác cách bất công, tuy vẫn giữ sự chừng mực cần thiết;

người không sử dụng được trí khôn, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1324 §1, 2° và 1325;

người đã nghĩ rằng mình ở vào một trong những hoàn cảnh được nói đến ở 4° hay 5°, mà không do lỗi của mình.

Điều 1324

§1. Phạm nhân không được miễn khỏi hình phạt, nhưng hình phạt do luật hay mệnh lệnh ấn định phải được giảm nhẹ hay được thay thế bằng việc sám hối, nếu tội phạm đã xảy ra do:

người ấy chỉ sử dụng trí khôn cách bất toàn;

người ấy không sử dụng được trí khôn do say rượu hay do thác loạn tâm thần khác tương tự vì lỗi của mình;

người ấy hành động do một đam mê mãnh liệt dù đam mê ấy không đi trước và không cản trở bất cứ sự suy tính nào của lý trí cũng như bất cứ sự ưng thuận nào của ý chí, và miễn là người đó không được cố tình kích thích hay nuôi dưỡng chính đam mê ấy;

người ấy là vị thành niên đã đủ mười sáu tuổi trọn;

người ấy bị cưỡng ép hành động do một sự sợ hãi nghiêm trọng, dù chỉ có tính cách tương đối mà thôi, hoặc do nhu cầu thúc đẩy, hoặc để tránh một điều bất lợi nghiêm trọng, nếu tội phạm thực chất là xấu hoặc gây thiệt hại cho các linh hồn;

người ấy đã không giữ được chừng mực cần thiết khi hành động trong tư thế tự vệ chính đáng chống lại kẻ đã tấn công mình hay một người khác cách bất công;

người ấy chống lại kẻ khiêu khích cách nghiêm trọng và bất công;

người ấy đã tin rằng mình ở vào một trong những hoàn cảnh được nói đến ở điều 1323, 4° hay 5°, do lầm lẫn vì lỗi của mình;

người ấy không biết là có hình phạt kèm theo luật hay mệnh lệnh, mà không do lỗi của mình;

10° người ấy đã hành động mà không bị quy trách nhiệm hoàn toàn, miễn là sự quy trách nhiệm này vẫn còn nặng.

§2. Thẩm phán cũng có thể làm như vậy, nếu có một hoàn cảnh nào khác làm cho tội phạm được giảm nhẹ.

§3. Trong những hoàn cảnh được nói đến ở §1, phạm nhân không phải chịu một hình phạt tiền kết.

Điều 1325

Sự không biết vì lười biếng hay vì giả đò hay vì cố tình, không bao giờ được xét đến khi áp dụng những quy định của các điều 1323 và 1324; cũng không xét đến sự say rượu hay những thác loạn tâm thần khác, nếu chủ ý gây ra để thực hiện tội phạm hay để chữa mình, và đam mê được cố tình kích thích hay nuôi dưỡng.

Điều 1326

§1. Thẩm phán có thể trừng phạt bằng một hình phạt nặng hơn hình phạt mà luật hay mệnh lệnh đã ấn định

người nào sau khi bị kết án hay sau khi hình phạt đã được tuyên bố vẫn tiếp tục phạm tội, đến nỗi hoàn cảnh cho phép ước đoán cách khôn ngoan rằng người ấy ngoan cố trong ý xấu;

người có phẩm chức, hay người đã lạm dụng quyền hành hoặc chức vụ của mình đế phạm tội;

phạm nhân nào đã tiên liệu biến cố, nhưng đã không thận trọng để tránh như bất cứ một người cẩn thận nào cũng phải làm, cho dù một hình phạt đã được thiết lập đối với một tội phạm cố tình.

§2. Trong những trường hợp được nói đến ở §1, nếu hình phạt được dự liệu là tiền kết, thì có thể thêm vào hình phạt ấy một hình phạt khác hay một việc sám hối.

Điều 1327

Ngoài những trường hợp được nói đến ở các điều 1323-1326, luật địa phương có thể ấn định những tình tiết tha hình phạt, giảm khinh hình phạt hay gia trọng hình phạt, hoặc bằng một quy tắc tổng quát, hoặc đối với những tội phạm riêng. Cũng vậy, một mệnh lệnh có thể ấn định những tình tiết tha hình phạt mà mệnh lệnh dự liệu, giảm khinh hình phạt hay gia trọng hình phạt.

Điều 1328

§1. Người nào đã làm hay đã bỏ một hành vi để thực hiện tội phạm, nhưng đã không hoàn thành tội phạm được ngoài ý muốn, thì không phải chịu hình phạt đã được dự liệu đối với tội phạm đã được hoàn thành, trừ khi luật hay mệnh lệnh quy định cách khác về điều đó.

§2. Nếu những hành vi hay những sự thiếu sót tự bản chất dẫn đến việc thực hiện tội phạm, phạm nhân có thể bị buộc phải làm một việc sám hối hay phải chịu một dược hình, trừ khi đương sự tự ý không tiếp tục thực hiện tội phạm mà mình đã bắt đầu. Tuy nhiên, nếu đã xảy ra một gương xấu hay một thiệt hại nặng nề khác hay một nguy cơ nào đó, thì mặc dầu đã tự ý không tiếp tục nữa, đương sự vẫn có thể phải chịu một hình phạt chính đáng, nhưng nhẹ hơn hình phạt đã được dự liệu cho tội phạm đã được hoàn thành.

Điều 1329

§1. Những người đồng lõa phạm tội với chủ ý chung là thực hiện một tội phạm và không được luật hay mệnh lệnh minh nhiên nói đến, thì phải chịu cùng những hình phạt như phạm nhân chính, nếu những hình phạt hậu kết đã được thiết lập để chống lại phạm nhân, hoặc phải chịu những hình phạt khác cũng nặng như thế hoặc những hình phạt nhẹ hơn.

§2. Những người đồng lõa không được luật hay mệnh lệnh nói đến phải chịu hình phạt tiền kết gắn liền với tội phạm, trong trường hợp tội phạm đã không thể được thực hiện, nếu không có sự tham gia của họ, và nếu hình phạt tự bản chất có thể áp dụng cho họ; bằng không, họ có thể phải chịu những hình phạt hậu kết.

Điều 1330

Một tội phạm hệ tại ở một lời tuyên bố hay một sự bộc lộ khác về ý muốn, về học thuyết hay về kiến thức, thì không được coi là một tội phạm đã được hoàn thành, nếu không ai nhận thức được lời tuyên bố hay sự bộc lộ ấy.

Đề mục 2. Luật hình sự và mệnh lệnh hình sự (Điều 1313-1320)Đề mục 4. Các hình phạt và các sự trừng phạt khác (Điều 1331-1340)