Tiết 1. Thẩm phán (Điều 1419-1427)
Điều 1419
§1. Trong mỗi giáo phận và cho mọi vụ kiện không bị luật minh nhiên loại trừ, thẩm phán của tòa án cấp một là Giám mục giáo phận, ngài có thể đích thân hay nhờ người khác thi hành quyền xét xử, theo các điều khoản sau đây.
§2. Nhưng nếu vụ án có liên quan đến những quyền lợi hay những tài sản vật chất của một pháp nhân do Giám Mục đại diện, thì tòa kháng cáo xét xử như tòa án cấp một.
Điều 1420
§1. Bất cứ Giám mục giáo phận nào cũng buộc phải đặt một vị Đại Diện tư pháp hay Ủy Viên tài phán có thường quyền xét xử, vị này phải khác với Tổng Đại Diện, ngoại trừ trường hợp giáo phận nhỏ hẹp hay số vụ án quá ít khuyên nên làm cách khác.
§2. Vị Đại Diện tư pháp thiết lập một tòa án duy nhất cùng với Giám mục nhưng không được xét xử những vụ án mà Giám mục dành riêng cho mình.
§3. Có thể cấp cho vị Đại Diện tư pháp nhiều phụ tá gọi là phó Đại Diện tư pháp hay là phó Ủy Viên tài phán.
§4. Đại Diện tư pháp cũng như các phó Đại Diện tư pháp phải là tư tế có thanh danh, có bằng tiến sĩ hay ít nhất cử nhân giáo luật, và không dưới ba mươi tuổi.
§5. Khi tòa giám mục khuyết vị, những vị ấy vẫn tiếp tục chức vụ, và không thể bị Giám Quản giáo phận giải nhiệm; nhưng khi có Giám mục mới, các vị ấy cần được xác nhận lại.
Điều 1421
§1. Trong giáo phận, Giám mục phải đặt các thẩm phán giáo phận, các vị này phải là giáo sĩ.
§2. Hội đồng Giám mục có thể cho phép đặt cả giáo dân làm thẩm phán, và nếu cần thì một trong những người ấy có thể được chọn để thành lập thẩm phán đoàn.
§3. Các thẩm phán phải có thanh danh và có bằng tiến sĩ hay ít nhất là cử nhân giáo luật.
Điều 1422
Đại Diện tư pháp, các phó Đại Diện tư pháp và các thẩm phán khác được bổ nhiệm cho một thời gian nhất định, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1420 §5, và các vị ấy không thể bị giải nhiệm, trừ khi có lý do hợp pháp và nghiêm trọng.
Điều 1423
§1. Thay vì thiết lập các tòa án giáo phận theo các điều 1419-1421, nhiều Giám mục giáo phận với sự chuẩn y của Tông Tòa, có thể đồng ý với nhau để thiết lập một tòa án cấp một duy nhất cho các giáo phận của mình; trong trường hợp này, tập thể các Giám mục ấy hay một Giám Mục được các ngài chỉ định có mọi quyền mà mỗi Giám Mục giáo phận có đối với tòa án của mình.
§2. Các tòa án nói ở §1 có thể được thiết lập hoặc cho bất cứ vụ án nào, hoặc chỉ cho một vài loại vụ án nào đó mà thôi.
Điều 1424
Trong bất cứ vụ xét xử nào, vị thẩm phán duy nhất có thể mời hai hội thẩm là giáo sĩ hay giáo dân có đời sống liêm khiết làm cố vấn cho mình.
Điều 1425
§1. Phải loại bỏ tục lệ trái ngược và dành cho tòa án gồm ba thẩm phán:
1° những vụ án hộ sự về:
a) dây ràng buộc do chức thánh;
b) dây ràng buộc do hôn nhân, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1686 và 1688;
2° những vụ hình sự:
a) về những tội phạm có thể đưa đến hình phạt sa thải khỏi bậc giáo sĩ;
b) về việc tuyên kết hay tuyên bố vạ tuyệt thông.
§2. Giám mục có thể ủy thác những vụ án khó hơn hay quan trọng hơn cho tòa án gồm ba hay năm thẩm phán.
§3. Đại Diện tư pháp phải mời các thẩm phán theo thứ tự luân phiên để xét xử từng vụ án một, trừ khi Giám mục ấn định cách khác cho mỗi trường hợp.
§4. Trong việc xét xử ở cấp một, nếu không thể thiết lập thẩm phán đoàn, bao lâu tình trạng bất khả thi ấy còn kéo dài, thì Hội đồng Giám mục có thể cho phép Giám mục ủy thác các vụ án cho một thẩm phán giáo sĩ duy nhất, và nơi nào có thể được, vị này phải mời một hội thẩm và một dự thẩm giúp mình.
§5. Một khi các thẩm phán đã được chỉ định rồi, Đại Diện tư pháp đừng thay thế họ, nếu không vì một lý do rất nghiêm trọng cần phải ghi trong sắc lệnh.
Điều 1426
§1. Tòa án hiệp đoàn phải tiến hành cách tập thể và phải tuyên án theo đa số phiếu.
§2. Trong mức độ có thể, Đại Diện tư pháp hay phó Đại Diện tư pháp phải chủ tọa tòa án nói trên.
Điều 1427
§1. Nếu có tranh chấp giữa các tu sĩ hay giữa các nhà của cùng một hội dòng giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng, trừ khi hiến pháp đã dự liệu cách khác, thì thẩm phán của tòa án cấp một là Bề Trên tỉnh dòng hoặc là Viện Phụ sở tại, nếu là đan viện tự trị.
§2. Nếu là tranh chấp hộ sự giữa hai tỉnh dòng thì chính vị Điều Hành tổng quyền tự mình hay nhờ người thụ ủy xét xử ở cấp một; nếu là tranh chấp hộ sự giữa hai đan viện, Viện Phụ Bề Trên của hiệp hội đan viện sẽ xét xử, trừ khi hiến pháp quy định cách khác.
§3. Cuối cùng, nếu là tranh chấp giữa các thể nhân hoặc pháp nhân dòng thuộc các hội dòng khác nhau, hoặc thuộc cùng một hội dòng giáo sĩ thuộc luật giáo phận hay thuộc một tu hội giáo dân hoặc giữa một tu sĩ và một giáo sĩ triều hay một giáo dân hay một pháp nhân không thuộc hội dòng, thì tòa án giáo phận sẽ xét xử ở cấp một.