§1. Phải loại bỏ tục lệ trái ngược và dành cho tòa án gồm ba thẩm phán:
1° những vụ án hộ sự về:
a) dây ràng buộc do chức thánh;
b) dây ràng buộc do hôn nhân, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1686 và 1688;
2° những vụ hình sự:
a) về những tội phạm có thể đưa đến hình phạt sa thải khỏi bậc giáo sĩ;
b) về việc tuyên kết hay tuyên bố vạ tuyệt thông.
§2. Giám mục có thể ủy thác những vụ án khó hơn hay quan trọng hơn cho tòa án gồm ba hay năm thẩm phán.
§3. Đại Diện tư pháp phải mời các thẩm phán theo thứ tự luân phiên để xét xử từng vụ án một, trừ khi Giám mục ấn định cách khác cho mỗi trường hợp.
§4. Trong việc xét xử ở cấp một, nếu không thể thiết lập thẩm phán đoàn, bao lâu tình trạng bất khả thi ấy còn kéo dài, thì Hội đồng Giám mục có thể cho phép Giám mục ủy thác các vụ án cho một thẩm phán giáo sĩ duy nhất, và nơi nào có thể được, vị này phải mời một hội thẩm và một dự thẩm giúp mình.
§5. Một khi các thẩm phán đã được chỉ định rồi, Đại Diện tư pháp đừng thay thế họ, nếu không vì một lý do rất nghiêm trọng cần phải ghi trong sắc lệnh.
Điều 1686:
Sau khi đã nhận một đơn thỉnh cầu chiếu theo quy tắc của điều 1677, vị Đại Diện tư pháp hay thẩm phán do ngài chỉ định, có thể tuyên bố hôn nhân bất thành bằng một bản án, nếu có một tài liệu không thể bị phản đối hay khước biện chứng minh rằng chắc chắn có một ngăn trở tiêu hôn hay thiếu hình thức hợp lệ, miễn là tài liệu này phải hiển nhiên và phải xác tín rằng ngăn trở đã không được miễn chuẩn hoặc người đại diện đã không có ủy nhiệm thư hữu hiệu. Trong những vụ án này, những thể thức pháp lý của một vụ án thông thường được bỏ qua, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên.
Điều 1688:
Với sự can thiệp của bảo hệ viên và sau khi nghe các bên, thẩm phán tòa án cấp hai phải quyết định cũng một cách thức nói ở điều 1686, xem có phải xác nhận bản án hay không hoặc có phải giải quyết vụ án theo cách thông thường của luật hay không; trong trường hợp này, thẩm phán gửi trả vụ án về tòa án cấp một.
Điều 1677:
§1. Khi đã nhận đơn, chánh án hay báo cáo viên phải thông báo sắc lệnh triệu tập ra tòa chiếu theo quy tắc của điều 1508.
§2. Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ khi thông báo, trừ khi một bên yêu cầu mở một phiên tòa để đối tụng, chánh án hay báo cáo viên phải ra sắc lệnh ấn định thể thức nghi vấn hoặc những nghi vấn trong thời hạn mười ngày chiếu theo chức vụ, và phải thông báo cho các bên biết sắc lệnh này.
§3. Việc ấn định thể thức nghi vấn không những phải đặt vấn đề xem hôn nhân có chắc chắn bất thành trong trường hợp này hay không, mà còn phải xác định xem hôn nhân thành sự đã bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào.
§4. Sau mười ngày kể từ khi thông báo sắc lệnh đó, nếu các bên không phản đối gì, chánh án hay báo cáo viên phải ra một sắc lệnh mới để quyết định thẩm cứu vụ án.
Điều 1508:
§1. Sắc lệnh triệu tập ra tòa phải được thông báo ngay cho bị cáo và đồng thời cũng phải được thông báo cho những người nào phải ra trình diện.
§2. Đơn khởi tố phải đính kèm với lệnh triệu tập, trừ khi vì những lý do quan trọng, thẩm phán nhận thấy không cần cho bị cáo biết đơn đó, trước khi người này cung khai tại tòa.
§3. Nếu vụ kiện nhằm chống lại người không được tự do sử dụng các quyền của mình hay không được tự do quản trị những tài sản đang bị tranh chấp, thì lệnh triệu tập phải được thông báo, tùy trường hợp, cho người giám hộ, cho người quản tài, cho người đại diện đặc biệt hay cho người nào phải bảo vệ vụ án nhân danh bị cáo chiếu theo luật.