Chương 2. Tố quyền và khước biện nói riêng (Điều 1496-1500)

Điều 1496

§1. Người nào dựa vào những luận cứ hữu lý chứng minh được rằng mình có quyền trên một sự vật mà kẻ khác đang cầm giữ, và mình sẽ bị thiệt hại nếu sự vật ấy không được trả lại cho mình gìn giữ, thì người đó có quyền xin thẩm phán cho tạm chiếm hữu sự vật ấy.

§2. Trong những hoàn cảnh tương tự, người ấy có thể được quyền ngăn cản người khác hành sử một quyền.

Điều 1497

§1. Việc tạm chiếm hữu một vật cũng được chấp nhận để bảo đảm sự an toàn của một khoản nợ, miễn là quyền của chủ nợ được chứng minh đầy đủ.

§2. Việc chiếm hữu tạm thời có thể áp dụng đối với các tài sản của con nợ đang nằm trong tay một đệ tam nhân dưới một danh nghĩa nào đó, và cũng có thể áp dụng đối với những khoản nợ khác của con nợ.

Điều 1498

Việc tạm chiếm hữu một vật và việc cấm hành sử một quyền không bao giờ có thể được công bố, nếu sự thiệt hại đáng ngại có thể được bồi thường cách khác, và nếu có một bảo chứng đầy đủ cho việc bồi thường.

Điều 1499

Thẩm phán có thể áp đặt người được quyền tạm chiếm hữu một vật hay bị cấm hành sử một quyền phải nạp một bảo chứng trước để bồi thường những thiệt hại, nếu người ấy không chứng minh được quyền lợi của mình.

Điều 1500

Về bản chất và hiệu lực của tố quyền sở hữu, phải tuân giữ những quy định của luật dân sự ở nơi tọa lạc sự vật đang bị tranh tụng về quyền sở hữu.

Chương 1. Tố quyền và khước biện nói chung (Điều 1491-1495)PHẦN II. TỐ TỤNG HỘ SỰ (ĐIỀU 1501-1670)