Đề mục 5. Những vụ án phụ (Điều 1587-1597)

Điều 1587

Có vụ án phụ mỗi khi một vấn đề được đặt ra, tuy không được minh nhiên ghi trong đơn khởi tố, sau khi đã có lệnh triệu tập khai mạc vụ án, nhưng vấn đề đó thuộc về vụ án đến nỗi thường thường phải được giải quyết trước vấn đề chính.

Điều 1588

Vụ án phụ được trình lên thẩm phán có thẩm quyền xét xử vụ án chính, bằng giấy tờ hay bằng miệng, và phải nêu rõ mối tương quan giữa vụ án này và vụ án chính.

Điều 1589

§1. Sau khi đã nhận được lời thỉnh cầu và nghe các bên, thẩm phán phải thật nhanh chóng quyết định xem xét vấn đề phụ được trình lên có nền tảng và có liên hệ đến vụ án chính hay không, hay trái lại, có phải bác bỏ vấn đề phụ ngay từ đầu hay không; và nếu chấp nhận vấn đề phụ đó, thẩm phán phải quyết định xem xét vấn đề ấy có nghiêm trọng đến nỗi phải được giải quyết bằng án trung phán hay bằng một sắc lệnh không.

§2. Nếu xét thấy không cần phải giải quyết vấn đề phụ trước án chung quyết, thẩm phán phải quyết định là sẽ quan tâm đến vấn đề này khi xét xử vụ án chính.

Điều 1590

§1. Nếu một vấn đề phụ phải được giải quyết bằng bản án, thì phải tuân giữ các quy tắc về vụ án hộ sự khẩu biện, trừ khi sự nghiêm trọng của vấn đề buộc thẩm phán phải dự liệu cách khác.

§2. Nếu một vấn đề phụ phải được giải quyết bằng sắc lệnh, tòa án có thể ủy thác vấn đề đó cho dự thẩm hay chánh án.

Điều 1591

Bao lâu vụ án chính chưa kết thúc, thẩm phán hay tòa án, vì một lý do chính đáng, có thể thu hồi hoặc sửa đổi sắc lệnh hay án trung phán do yêu cầu của một bên, hoặc chiếu theo chức vụ, sau khi đã nghe các bên.


Đề mục

Chương 6. Những suy đoán (Điều 1584-1586)Chương 1. Các bên không ra hầu tòa (Điều 1592-1595)