Tiết 3. Bầu cử (Điều 164-179)

Điều 164

Trừ khi luật đã dự liệu cách khác, phải giữ những quy định của các điều khoản sau đây trong các cuộc bầu cử theo giáo luật.

Điều 165

Trừ khi luật hay quy chế hợp pháp của hiệp đoàn hoặc của nhóm đã dự liệu cách khác, nếu một hiệp đoàn hay một nhóm người nào có quyền bầu cử vào một giáo vụ, thì không được hoãn việc bầu cử quá ba tháng hữu dụng, tính từ khi biết tin giáo vụ khuyết vị; khi thời hạn ấy trôi qua vô ích, thì nhà chức trách Giáo Hội có quyền chuẩn y việc bầu cử hay nhà chức trách Giáo Hội có quyền bổ nhiệm kế tiếp phải tự ý bổ nhiệm vào giáo vụ khuyết vị.

Điều 166

§1. Chủ tịch hiệp đoàn hoặc nhóm phải triệu tập mọi người thuộc hiệp đoàn hay thuộc nhóm; nhưng khi mang tính cách cá nhân, thì việc triệu tập có giá trị, nếu được thực hiện tại nơi họ có cư sở hay bán cư sở hoặc nơi họ cư ngụ.

§2. Nếu một người nào đó trong số những người phải được triệu tập bị bỏ sót cho nên vắng mặt, thì việc bầu cử vẫn hữu hiệu; tuy nhiên, theo lời yêu cầu của đương sự, với điều kiện là có bằng chứng về sự bỏ sót và sự vắng mặt, thì nhà chức trách có thẩm quyền phải hủy bỏ cuộc bầu cử, dù đã được chuẩn y, miễn là phải rõ ràng theo pháp lý là việc khiếu nại đã được chuyển đi trễ nhất là ba ngày, kể từ khi biết có cuộc bầu cử.

§3. Nếu hơn một phần ba cử tri bị bỏ sót, cuộc bầu cử đương nhiên vô hiệu, trừ khi mọi người bị bỏ sót đã thực sự có mặt.

Điều 167

§1. Sau khi đã được triệu tập cách hợp pháp, những người hiện diện đúng ngày và đúng nơi đã được ấn định trong lệnh triệu tập có quyền bỏ phiếu; không được bỏ phiếu qua thư hay qua người đại diện, trừ khi quy chế đã dự liệu cách khác hợp pháp.

§2. Nếu một người nào đó trong số các cử tri hiện diện tại nhà diễn ra cuộc bầu cử, nhưng không tham dự cuộc bầu cử được vì lý do sức khoẻ, thì những người kiểm phiếu phải thu phiếu do người ấy viết.

Điều 168

Dù một người có quyền nhân danh cá nhân mình bỏ phiếu với nhiều danh nghĩa, họ cũng chỉ có thể bỏ một phiếu mà thôi.

Điều 169

Để một cuộc bầu cử được hữu hiệu, không một người nào có thể được chấp nhận cho bỏ phiếu nếu không thuộc về hiệp đoàn hay nhóm.

Điều 170

Cuộc bầu cử đương nhiên vô hiệu, nếu trong đó tự do đã thực sự bị cản trở bằng bất cứ cách nào.

Điều 171

§1. Không có tư cách để bỏ phiếu:

người không có khả năng thực hiện một hành vi nhân linh;

người không có quyền bầu cử,

người bị tuyên kết hay tuyên bố vạ tuyệt thông, hoặc do bản án của tòa án, hoặc do sắc lệnh;

người đã hiển nhiên lìa bỏ sự hiệp thông với Giáo Hội.

§2. Nếu một trong những người kể trên được chấp nhận cho bỏ phiếu, thì phiếu của người ấy không có giá trị, nhưng cuộc bầu cử vẫn hữu hiệu, trừ khi thấy rõ là người đắc cử sẽ không hội đủ số phiếu cần thiết, nếu loại phiếu ấy ra.

Điều 172

§1. Để thành sự, phiếu phải là:

phiếu tự do; cho nên người nào do sợ hãi nghiêm trọng hoặc do man trá bị ép buộc trực tiếp hay gián tiếp phải bầu một người nhất định hoặc nhiều người riêng rẽ, thì phiếu của người ấy vô giá trị;

phiếu kín, chắc chắn, tuyệt đối, xác định.

§2. Các điều kiện đã được đặt ra cho việc bỏ phiếu trước khi bầu cử đều phải được coi như không có.

Điều 173

§1. Trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, phải chỉ định ít nhất là hai người kiểm phiếu trong số những thành viên của hiệp đoàn hay của nhóm.

§2. Người kiểm phiếu phải thu phiếu và phải kiểm tra trước mặt vị chủ tọa cuộc bầu cử xem số phiếu có đúng với số cử tri không, sau đó kiểm phiếu và công bố mỗi người được bao nhiêu phiếu.

§3. Nếu số phiếu vượt quá số người bỏ phiếu, thì cuộc bầu cử vô giá trị.

§4. Tất cả mọi văn bản của cuộc bầu cử phải được người giữ nhiệm vụ thư ký ghi chép cẩn thận, ít nhất phải có chữ ký của người ấy, của vị chủ tọa và của các người kiểm phiếu, và phải được lưu trữ cẩn mật trong văn khố của hiệp đoàn.

Điều 174

§1. Trừ khi luật hoặc quy chế đã dự liệu cách khác, cuộc bầu cử cũng có thể được thực hiện bằng cách hiệp thương, miễn là các cử tri nhất trí thỏa thuận với nhau bằng văn bản để chuyển nhượng quyền bầu cử lần ấy cho một hay nhiều người có khả năng xứng hợp, hoặc thuộc về hiệp đoàn, hoặc ở ngoài hiệp đoàn, những người đó sẽ bầu cử nhân danh mọi người, do năng quyền đã được lãnh nhận.

§2. Trong trường hợp một hiệp đoàn hoặc một nhóm chỉ gồm các giáo sĩ mà thôi, thì những người được chuyển nhượng quyền bầu cử phải có chức thánh; bằng không, cuộc bầu cử sẽ vô giá trị.

§3. Những người được chuyển nhượng quyền bầu cử phải tuân theo những quy định của luật về bầu cử, và phải giữ các điều kiện không trái ngược với luật được đặt ra cho việc hiệp thông, để cuộc bầu cử được hữu hiệu; còn những điều kiện trái ngược với luật phải được coi như không có.

Điều 175

Việc hiệp thương chấm dứt và quyền bỏ phiếu được trả về cho những người chuyển nhượng quyền:

do hiệp đoàn hay do nhóm thu hồi trước khi bắt đầu thi hành;

do không thi hành một điều kiện nào đó được đặt ra cho việc hiệp thương;

do cuộc bầu cử đã xong, nhưng vô hiệu.

Điều 176

Trừ khi luật hay quy chế đã dự liệu cách khác, người nào đạt được số phiếu cần thiết, thì được coi như đắc cử và vị chủ tịch hiệp đoàn hay nhóm phải tuyên bố như vậy, chiếu theo quy tắc của điều 119, 1°.

Điều 177

§1. Việc bầu cử phải được thông báo ngay cho người đắc cử; người này phải cho vị chủ tịch hiệp đoàn hoặc nhóm biết mình có chấp nhận hay không trong vòng tám ngày hữu dụng, kể từ khi nhận được thông báo; nếu không, việc bầu cử sẽ không có hiệu lực.

§2. Nếu người đắc cử không chấp nhận, thì họ sẽ mất mọi quyền lợi bắt nguồn từ việc bầu cử, dù sau đó có chấp nhận, họ cũng không lấy lại được những quyền ấy, nhưng họ có thể được bầu lại; hiệp đoàn hay nhóm phải tiến hành một cuộc bầu cử khác trong vòng một tháng, kể từ khi biết tin người đắc cử không chấp nhận.

Điều 178

Ngay sau khi chấp nhận việc bầu cử, người đắc cử giữ giáo vụ ngay với đầy đủ mọi quyền lợi, nếu việc bầu cử không cần được chuẩn y; bằng không, họ chỉ được quyền nhận giáo vụ.

Điều 179

§1. Nếu việc bầu cử cần phải được chuẩn y, thì người đắc cử phải đích thân hoặc nhờ người khác xin nhà chức trách có thẩm quyền chuẩn y trong vòng tám ngày hữu dụng, kể từ khi chấp nhận việc bầu cử; bằng không, họ sẽ mất mọi quyền lợi, trừ khi họ chứng minh được rằng mình chưa xin chuẩn y được vì có một ngăn trở chính đáng.

§2. Nếu thấy người đắc cử có khả năng xứng hợp chiếu theo quy tắc của điều 149 §1, và nếu việc bầu cử đã được thực hiện đúng luật, thì nhà chức trách có thẩm quyền không thể từ chối việc chuẩn y.

§3. Việc chuẩn y phải được viết trên giấy tờ.

§4. Trước khi nhận được văn thư chuẩn y, người đắc cử không được phép xen mình vào việc thi hành giáo vụ về mặt thiêng liêng hoặc về mặt vật chất, và giả như họ có thực hiện hành vi nào, thì hành vi đó sẽ vô hiệu.

§5. Ngay sau khi nhận được văn thư chuẩn y, người đắc cử đương nhiên giữ giáo vụ, trừ khi luật đã dự liệu cách khác.

Tiết 2. Giới thiệu (Điều 158-163)Tiết 4. Thỉnh cử (Điều 180-183)