Chương 1. Thủ tục giải nhiệm các cha sở (Điều 1740-1747)

Điều 1740

Khi thừa tác vụ của một cha sở trở nên nguy hại hay ít là không có hiệu quả vì một lý do nào đó, dù không phải là lỗi nặng của ngài, thì ngài có thể bị Giám mục giáo phận giải nhiệm khỏi giáo xứ.

Điều 1741

Những lý do chính yếu khiến cho một cha sở có thể bị giải nhiệm một cách hợp pháp khỏi giáo xứ là:

cách thức hành động gây thiệt hại hay xáo trộn nặng cho sự hiệp thông trong Giáo Hội;

sự thiếu khả năng hoặc bệnh tật thường xuyên về tinh thần hay thể xác khiến cho cha sở không đủ sức chu toàn nhiệm vụ của mình một cách hữu hiệu;

sự mất thanh danh nơi các giáo dân lương thiện và đứng đắn, hoặc sự hiềm khích chống lại cha sở mà người ta dự kiến là sẽ không chấm dứt trong một thời gian ngắn;

vẫn có sự chểnh mảng nghiêm trọng hoặc vẫn vi phạm các nhiệm vụ của cha sở sau khi đã bị cảnh cáo;

việc quản trị bê bối những tài sản vật chất khiến cho Giáo Hội bị thiệt hại nặng nề, mỗi khi không có một sự đền bù nào khác cho sự thiệt hại này.

Điều 1742

§1. Nếu thấy có một lý do như được nói đến ở điều 1740 sau khi đã điều tra, Giám mục sẽ thảo luận vấn đề với hai cha sở được hội đồng linh mục tuyển chọn cách cố định từ nhóm các linh mục được thành lập vì mục đích này, theo lời đề nghị của Giám mục. Sau đó, nếu nhận thấy phải đi đến quyết định giải nhiệm, Giám mục phải lấy tình cha con thuyết phục cha sở từ nhiệm trong thời hạn mười lăm ngày, sau khi đã nói cho ngài biết lý do và các luận cứ, để sự giải nhiệm được hữu hiệu.

§2. Đối với những cha sở là thành viên của một dòng tu hoặc của một tu đoàn tông đồ, thì phải giữ những quy định của điều 682 §2.

Điều 1743

Không những cha sở có thể đệ đơn xin từ nhiệm cách đơn thường, mà ngài còn có thể đệ đơn xin từ nhiệm với điều kiện nữa, miễn là điều kiện đó có thể được Giám mục chấp nhận một cách hợp pháp và được ngài chấp thuận thật sự.

Điều 1744

§1. Nếu cha sở không trả lời trong thời hạn đã được ấn định, Giám mục phải nhắc lại lời yêu cầu đương sự từ nhiệm và phải gia hạn thời gian hữu dụng để đương sự trả lời.

§2. Nếu Giám mục biết rõ cha sở đã nhận được thư yêu cầu thứ hai mà không trả lời, mặc dầu không bị ngăn trở gì, hoặc nếu cha sở không chịu từ nhiệm mà không đưa ra lý do nào, thì Giám mục phải ban hành sắc lệnh giải nhiệm.

Điều 1745

Tuy nhiên, nếu cha sở chống lại lý do được viện dẫn và những luận cứ được kèm theo, bằng cách đưa ra những lý chứng mà Giám mục xét thấy là không đầy đủ, để hành động hữu hiệu, Giám mục phải:

yêu cầu cha sở viết một bản tường trình về những điều mình kháng nghị, sau khi đã nghiên cứu các án từ và, hơn nữa, phải viện dẫn những chứng cớ trái ngược, nếu có;

cân nhắc vấn đề cùng với những cha sở được nói đến ở điều 1742 §1, sau khi đã bổ túc việc thẩm cứu, nếu cần, trừ khi những vị này bị ngăn trở, thì phải chỉ định những vị khác;

sau hết, quyết định có nên giải nhiệm cha sở hay không và phải lập tức ra một sắc lệnh về việc đó.

Điều 1746

Sau khi đã giải nhiệm cha sở, Giám mục phải liệu trao cho đương sự một chức vụ khác, nếu đương sự có khả năng, hoặc ban cho đương sự một khoản tiền cấp dưỡng, tùy trường hợp và nếu hoàn cảnh cho phép.

Điều 1747

§1. Cha sở bị giải nhiệm phải ngưng thi hành nhiệm vụ cha sở, phải rời khỏi nhà xứ càng sớm càng tốt và phải trao lại tất cả những gì thuộc về giáo xứ cho người mà Giám mục sắp trao giáo xứ cho.

§2. Tuy nhiên, nếu là trường hợp một cha sở đau yếu không thể di chuyển khỏi nhà xứ đến nơi khác mà không sinh bất tiện, Giám mục phải để cho đương sự sử dụng nhà xứ, kể cả việc sử dụng độc quyền, bao lâu việc đó còn cần thiết.

§3. Bao lâu việc thượng cầu chống lại sắc lệnh giải nhiệm chưa được giải quyết, Giám mục không thể bổ nhiệm một cha sở mới, nhưng trong khi chờ đợi phải liệu cho giáo xứ ấy có vị giám quản giáo xứ.

Thiên 2. Thủ tục giải nhiệm hay thuyên chuyển các cha sở (Điều 1740-1752)Chương 2. Thủ tục thuyên chuyển các cha sở (Điều 1748-1752)