§1. Tố quyền hình sự bị thời hiệu tiêu hủy sau ba năm, trừ khi liên quan đến:
1° những tội phạm dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin;
2° tố quyền liên quan đến các tội phạm được nói đến ở những điều 1394, 1395, 1397, 1398, thời hiệu đối với các tội phạm này là năm năm;
3° những tội phạm không bị luật chung trừng phạt, nếu luật địa phương đã ấn định một thời hạn khác cho thời hiệu.
§2. Thời hiệu bắt đầu từ ngày tội phạm được thực hiện, hoặc, nếu là tội phạm liên tục hay thường xuyên, thì bắt đầu từ ngày tội phạm chấm dứt.
Điều 1394:
§1. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 194 §1, 3°, một giáo sĩ mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự, thì bị vạ huyền chức tiền kết; nếu đương sự không hối cải và vẫn tiếp tục gây gương xấu, sau khi đã bị cảnh cáo, thì có thể phải chịu những hình phạt tước đoạt càng ngày càng nặng, và kể cả việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ.
§2. Tu sĩ đã có lời khấn vĩnh viễn mà không phải là giáo sĩ, nếu mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự, thì bị vạ cấm chế tiền kết, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 694.
Điều 1395:
§1. Giáo sĩ nào tư hôn, ngoài trường hợp được nói đến ở điều 1394, và giáo sĩ nào thường xuyên ở trong một tội bề ngoài khác nghịch giới răn thứ sáu của Thập Giới với gương xấu, thì phải bị phạt vạ huyền chức; và nếu còn tiếp tục phạm tội, sau khi đã bị cảnh cáo, thì có thể phải tuần tự chịu thêm những hình phạt khác, kể cả việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ.
§2. Giáo sĩ nào thực hiện một tội phạm nghịch giới răn thứ Sáu của Thập Giới bằng một cách khác, nếu thực sự tội phạm đã được thực hiện bằng vũ lực, hay với sự hăm dọa, hay cách công khai, hay với một vị thành niên dưới mười sáu tuổi, thì phải chịu một hình phạt thích đáng, kể cả việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ, nếu trường hợp đòi hỏi điều đó.
Điều 1397:
Người nào phạm tội sát nhân, hoặc dùng yũ lực hay mưu kế để bắt cóc, hoặc giam giữ, hoặc hủy hoại thân thế, hoặc đả thương trầm trọng một người nào đó, thì phải chịu những hình phạt tước đoạt và cấm chế được nói đến ở điều 1336, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm; còn tội sát nhân phạm đến những người được nói đến ở điều 1370, thì đương sự phải chịu những hình phạt do chính điều luật ấy quy định.
Điều 1398:
Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết.
Điều 194:
§1. Do chính luật, bị giải nhiệm khỏi giáo vụ:
1° người đã mất bậc giáo sĩ;
2° người đã công khai từ bỏ đức tin Công Giáo, hoặc không còn hiệp thông với Giáo Hội;
3° giáo sĩ đã mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân theo luật dân sự.
§2. Chỉ có thể thúc bách việc giải nhiệm được nói đến ở 2° và 3°, nếu chắc chắn nhà chức trách có thẩm quyền đã công bố việc đó.
Điều 694:
§1. Phải được kể là đương nhiên bị sa thải khỏi tu hội thành viên nào:
1° đã hiển nhiên chối bỏ đức tin Công Giáo;
2° đã kết hôn hoặc mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự;
§2. Trong các trường hợp ấy, Bề Trên cấp cao cùng với ban cố vấn phải tuyên bố sự kiện không chút trì hoãn, sau khi đã thu thập các bằng chứng của việc kết hôn, để thực hiện việc sa thải về mặt pháp lý.
Điều 1336:
§1. Thục hình có thể chi phối một phạm nhân hoặc suốt đời hoặc trong một thời gian được ấn định trước, hoặc trong một thời gian vô hạn, ngoài những hình phạt mà luật có thế đặt ra, thục hình gồm những loại sau đây:
1° cấm hay buộc phải cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
2° tước đoạt một quyền bính, một giáo vụ, một nhiệm vụ, một quyền lợi, một đặc ân, một năng quyền, một ân huệ, một danh hiệu, một phù hiệu, dù chỉ là thuần túy danh dự;
3° cấm thi hành những điều kê khai ở 2° hay cấm thi hành những điều ấy trong một nơi hay ngoài một nơi nhất định; những cấm đoán trên không bao giờ có thể trở thành vô hiệu nếu không tuân theo;
4° thuyên chuyển sang một giáo vụ khác với tính cách hình phạt;
5° sa thải khỏi bậc giáo sĩ.
§2. Chỉ có những thục hình được nêu lên ở §1, 3° mới có thể là những hình phạt tiền kết.
Điều 1370:
§1. Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại Đức Giáo Hoàng Rôma, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Tòa; nếu người ấy là giáo sĩ, thì tùy theo tính cách nghiêm trọng của tội phạm, có thể phải chịu thêm một hình phạt khác nữa, kể cả việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ.
§2. Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại một người có chức Giám mục, thì bị vạ cấm chế tiền kết; nếu người ấy là giáo sĩ, thì còn bị vạ huyền chức tiền kết nữa.
§3. Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại một giáo sĩ hay một tu sĩ vì khinh dể đức tin hay Giáo Hội, hay quyền bính, hay thừa tác vụ của Giáo Hội, thì phải chịu một hình phạt thích đáng.