Đề mục 3. Những sắc luật và những huấn thị (Điều 29-34)

Điều 29

Qua những sắc luật, nhà lập pháp có thẩm quyền ban hành những quy định chung cho một cộng đoàn có khả năng tiếp nhận luật; những sắc luật thực sự là những luật và được chi phối bởi những quy định của các điều liên quan đến luật.

Điều 30

Người nào chỉ có quyền hành pháp mà thôi thì không thể ban hành sắc luật được nói đến ở điều 29, trừ khi trong những trường hợp đặc biệt, họ được nhà lập pháp có thẩm quyền minh nhiên ban cho quyền này chiếu theo luật, khi đó họ phải tuân giữ những điều kiện đã được ấn định trong văn bản ban nhượng.

Điều 31

§1. Trong giới hạn thẩm quyền của mình, những người có quyền hành pháp có thể ban hành những sắc luật chấp hành, tức là những sắc luật ấn định chính xác hơn những thể thức phải giữ khi áp dụng luật hoặc thúc bách việc tuân giữ luật.

§2. Về việc ban hành và về thời hạn để các sắc luật bắt đầu có hiệu lực được nói đến ở §1, thì phải tuân giữ những quy định của điều 8.

Điều 32

Những sắc luật chấp hành ấn định cách thức áp dụng hay thúc bách việc tuân giữ luật thì buộc những người nào phải giữ những luật ấy.

Điều 33

§1. Những sắc luật chấp hành, ngay cả khi được in trong các kim chỉ nam hay trong bất cứ một tài liệu nào khác, thì không sửa đổi luật, và những quy định nào của những sắc luật đó trái với luật thì sẽ không có hiệu lực.

§2. Những sắc luật chấp hành ấy hết hiệu lực khi nhà chức trách có thẩm quyền đã minh nhiên hay mặc nhiên thu hồi, và khi luật vì đó mà các sắc luật được ban bố để quy định việc chấp hành không còn nữa; nhưng các sắc luật không hết hiệu lực khi người ban hành đã hết quyền, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu ngược lại.

Điều 34

§1. Những huấn thị minh giải các quy định của luật, triển khai và ấn định những phương cách phải giữ khi thi hành những quy định này, thì được ban hành cho những người có nhiệm vụ lo cho luật được chấp hành và buộc họ phải giữ khi chấp hành. Trong giới hạn thẩm quyền của mình, những người nào có quyền hành pháp mới ban hành các huấn thị này cách hợp pháp.

§2. Những quy định trong các huấn thị đó không sửa đổi luật và nếu không thể dung hòa được với những quy định của luật, thì không có hiệu lực.

§3. Những huấn thị hết hiệu lực không những do sự thu hồi minh nhiên hoặc mặc nhiên của nhà chức trách có thẩm quyền ban hành huấn thị hoặc của nhà chức trách cấp trên, mà còn do sự chấm dứt của luật vì đó mà các huấn thị được ban bố để minh giải luật hoặc truyền thi hành luật.

Đề mục 2. Tục lệ (Điều 23-28)Đề mục 4. Các hành vi hành chính riêng biệt (Điều 35-93)