Chương 1. Những quy tắc chung (Điều 298-311)

Điều 298

§1. Trong Giáo Hội có những hiệp hội khác với các tu hội thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, trong đó, các Kitô hữu, hoặc giáo sĩ hoặc giáo dân, hoặc cả giáo sĩ lẫn giáo dân cùng chung sức hoạt động nhằm phát triển một đời sống hoàn thiện hơn, hoặc cổ vũ việc phụng tự công hay học thuyết Kitô Giáo, hoặc thực hiện các việc tông đồ khác, như truyền bá Phúc Âm, thi hành các việc đạo đức hoặc bác ái, và đem tinh thần Kitô Giáo vào lĩnh vực trần thế.

§2. Các Kitô hữu nên ưu tiên ghi tên vào những hiệp hội nào đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thiết lập, ban khen hoặc giới thiệu.

Điều 299

§1. Các Kitô hữu có trọn quyền thỏa thuận riêng với nhau để thành lập các hiệp hội, nhằm theo đuổi những mục đích được nói đến ở điều 298 §1, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 301 §1.

§2. Các hiệp hội như vậy, dù được nhà chức trách Giáo Hội ban khen hoặc giới thiệu, vẫn được gọi là hiệp hội tư.

§3. Không hiệp hội tư nào của các Kitô hữu được công nhận trong Giáo Hội, nếu quy chế của hiệp hội ấy không được nhà chức trách có thẩm quyền duyệt y.

Điều 300

Không hiệp hội nào được mang danh là “Công Giáo” nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, chiếu theo quy tắc của điều 312.

Điều 301

§1. Chỉ có nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thành lập các hiệp hội Kitô hữu nhằm giảng dạy học thuyết Kitô Giáo nhân danh Giáo Hội, hoặc cổ động việc phụng tự công, hay những hiệp hội nhằm những mục đích khác mà việc theo đuổi tự bản chất được dành cho nhà chức trách Giáo Hội.

§2. Nếu thấy hữu ích, nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội cũng có thể thành lập các hiệp hội Kitô hữu nhằm theo đuổi, trực tiếp hoặc gián tiếp, những mục tiêu thiêng liêng khác, mà những sáng kiến riêng tư đã không đáp ứng đủ.

§3. Các hiệp hội Kitô hữu do nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thành lập được gọi là hiệp hội công.

Điều 302

Những hiệp hội Kitô hữu nào thuộc quyển điều hành của các giáo Sĩ, đảm nhận việc thi hành thánh chức và được nhà chức trách có thẩm quyền nhìn nhận như vậy, thì được gọi là hiệp hội giáo sĩ.

Điều 303

Những hiệp hội nào gồm các thành viên sống giữa đời nhưng thông dự vào tinh thần của một hội dòng, sống đời tông đồ và tiến đến sự trọn lành Kitô Giáo dưới sự điều hành tối cao của hội dòng đó, thì được gọi là dòng ba hay bằng một danh xưng thích hợp khác.

Điều 304

§1. Tất cả mọi hiệp hội Kitô hữu, công hay tư, dù mang danh hiệu hay danh xưng nào đi nữa, đều phải có quy chế riêng xác định mục đích hoặc đối tượng xã hội, trụ sở, việc điều hành và các điều kiện cần thiết để gia nhập, cũng như đường hướng hoạt động, xét theo nhu cầu hoặc lợi ích của mỗi thời và mỗi nơi.

§2. Các hiệp hội phải chọn một danh hiệu hay danh xưng thích hợp với phong tục của mỗi thời và mỗi nơi, nhất là hợp với mục đích mà hiệp hội theo đuổi.

Điều 305

§1. Tất cả mọi hiệp hội Kitô hữu đều được đặt dưới sự giám sát của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, nhà chức trách này quan tâm đến sự toàn vẹn của đức tin và sự bảo toàn của luân lý (phong hóa) trong hiệp hội, và liệu sao để kỷ luật của Giáo Hội không bị lạm dụng; vì thế, nhà chức trách này có nghĩa vụ và có quyền thi hành việc giám sát chiếu theo quy tắc của luật và của quy chế; các hiệp hội ấy còn được đặt dưới quyền lãnh đạo của nhà chức trách nói trên theo những quy định của các điều khoản sau đây.

§2. Các hiệp hội thuộc bất cứ hình thức nào đều được đặt dưới sự giám sát của Tòa Thánh; chỉ có các hiệp hội giáo phận cũng như các hiệp hội khác theo mức độ đang hoạt động trong giáo phận mới được đặt dưới sự giám sát của Đấng Bản Quyền địa phương.

Điều 306

Để được hưởng các quyền lợi và các đặc ân, các ân xá, và các ơn ích thiêng liêng khác đã được ban cho một hiệp hội, thì điều kiện cần và đủ là đương sự đã được nhận vào hiệp hội cách hữu hiệu và đã không bị sa thải khỏi hiệp hội cách hợp pháp, theo những quy định của luật và những quy chế riêng của hiệp hội.

Điều 307

§1. Việc nhận các thành viên phải được thực hiện chiếu theo quy tắc của luật và quy chế của mỗi hiệp hội.

§2. Một người có thể ghi danh gia nhập nhiều hiệp hội.

§3. Những thành viên của các hội dòng có thể ghi danh gia nhập các hiệp hội chiếu theo quy tắc của luật riêng, với sự ưng thuận của Bề Trên mình.

Điều 308

Một khi đã gia nhập một hiệp hội cách hợp lệ, không người nào bị sa thải khỏi hiệp hội, nếu không có một lý do chính đáng chiếu theo quy tắc của luật và quy chế.

Điều 309

Các hiệp hội được thiết lập hợp pháp, chiếu theo quy tắc của luật và quy chế, có quyền ban hành những quy tắc riêng liên quan đến chính hiệp hội, tổ chức những buổi họp, chỉ định những người điều hành, những viên chức, những nhân viên và những người quản trị tài sản.

Điều 310

Một hiệp hội tư chưa được cấp tư cách pháp nhân, thì không thể là chủ thể có nghĩa vụ và quyền lợi với tư cách đó; tuy nhiên, các Kitô hữu đã gia nhập hiệp hội có thể cùng nhau kết lập các nghĩa vụ, thủ đắc và chấp hữu các quyền và các tài sản như những đồng sở hữu và đồng chấp hữu; họ có thể hành sử các quyền lợi và nghĩa vụ ấy qua người thụ ủy hoặc người đại diện.

Điều 311

Các thành viên của các tu hội thánh hiến lãnh đạo hoặc trợ giúp những hiệp hội được liên kết với tu hội mình theo một hình thức nào đó, phải liệu sao cho những hiệp hội đó giúp các việc tông đồ hiện có trong giáo phận, nhất là hợp tác với các hiệp hội có mục đích làm việc tông đồ trong giáo phận, dưới sự hướng dẫn của Đấng Bản Quyền địa phương.

Đề mục 5. Các hiệp hội Kitô hữu (Điều 298-329)Chương 2. Các hiệp hội công của Kitô hữu (Điều 312-320)