Chương 3. Các Hồng y Giáo Hội Rôma (Điều 349-359)

Điều 349

Các Hồng y của Giáo Hội Rôma tạo thành một hiệp đoàn riêng, hiệp đoàn này lo liệu việc bầu cử Đức Giáo Hoàng Rôma chiếu theo quy tắc của luật riêng; các Hồng Y cũng trợ giúp Đức Giáo Hoàng bằng hành động mang tính hiệp đoàn, khi các ngài được triệu tập để cùng bàn luận những vấn đề quan trọng; hoặc với tính cách cá nhân bằng cách giúp Đức Giáo Hoàng Rôma qua những nhiệm vụ khác nhau mà các ngài đang đảm nhận, nhất là qua việc chăm lo hằng ngày cho Giáo Hội phổ quát.

Điều 350

§1. Hồng y đoàn được chia thành ba đẳng cấp: đẳng Giám mục, gồm các Hồng y được Đức Giáo Hoàng Rôma chỉ định cho một tước hiệu của một giáo phận ngoại thành Rôma cũng như các Thượng Phụ Đông Phương đã được nhập vào Hồng y đoàn; đẳng linh mục và đẳng phó tế.

§2. Mỗi Hồng y thuộc đẳng linh mục và đẳng phó tế được Đức Giáo Hoàng chỉ định cho một tước hiệu hoặc phó tế hiệu trong thành Rôma.

§3. Các Thượng Phụ Đông Phương được nhập Hồng y đoàn vẫn giữ nguyên tước hiệu của tòa thượng phụ.

§4. Hồng y niên trưởng giữ tước hiệu giáo phận Ostia, đồng thời vẫn giữ nguyên tước hiệu của giáo phận ngài đã có từ trước.

§5. Tuy vẫn giữ nguyên quyền ưu tiên về thứ vị đẳng cấp và ngày tiến cử, do sự lựa chọn được thực hiện trong Cơ Mật Viện và được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn, nhưng các Hồng y đẳng linh mục có thể chuyển qua tước hiệu khác; và các Hồng y đẳng phó tế cũng có thể chuyển qua phó tế hiệu khác, và nếu các ngài đã ở trọn mười năm trong đẳng phó tế, thì có thể được chuyển qua đẳng linh mục.

§6. Hồng y đẳng phó tế được chuyển qua đẳng linh mục do sự lựa chọn sẽ giữ thứ vị trên tất cả các Hồng y đẳng linh mục nào gia nhập Hồng y đoàn sau ngài.

Điều 351

§1. Để tiến cử làm Hồng y, Đức Giáo Hoàng Rôma tự do chọn lựa những người thuộc nam giới, ít là phải có chức linh mục, trổi vượt về học thuyết, tác phong, đạo đức và khôn ngoan xử lý công việc; tuy nhiên, những vị chưa là Giám mục, phải được thụ phong Giám mục.

§2. Các Hồng y được tấn phong do sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Rôma được công bố trước Hồng y đoàn; kể từ lúc được công bố, các ngài buộc phải giữ các bổn phận và được hưởng mọi quyền lợi do luật ấn định.

§3. Vị nào được tiến cử Hồng y và được Đức Giáo Hoàng Rôma loan báo, nhưng không tiết lộ danh tính, thì trong thời gian ấy không buộc giữ bổn phận nào và không được hưởng quyền lợi nào của Hồng y; tuy nhiên, sau khi Đức Giáo Hoàng Rôma đã công bố danh tính, vị ấy buộc phải giữ mọi bổn phận và được hưởng mọi quyền lợi; còn quyền ngôi thứ thì được từ ngày danh tính vị ấy không được tiết lộ.

Điều 352

§1. Hồng y niên trưởng đứng đầu Hồng y đoàn; khi bị ngăn trở, ngài sẽ được Hồng y phó niên trưởng thay thế, Hồng y niên trưởng hoặc phó niên trưởng không có một quyền lãnh đạo nào trên các Hồng y khác, nhưng được coi là người đứng đầu trong số những người ngang quyền.

§2. Khi chức vụ Hồng y niên trưởng khuyết vị, các Hồng y có tước hiệu của một giáo phận ngoại thành Rôma, và chỉ có các vị này, dưới sự chủ tọa của Hồng y phó niên trưởng, nếu ngài có mặt, hoặc của vị cao niên nhất trong số các ngài, mới có quyền bầu một vị trong nhóm của mình làm niên trưởng Hồng y đoàn; các ngài phải trình báo danh tính vị đó lên Đức Giáo Hoàng Rôma để ngài chuẩn nhận vị đắc cử.

§3. Hồng y phó niên trưởng cũng được bầu theo thể thức được nói đến ở §2, dưới sự chủ tọa của Hồng y niên trưởng; cũng chính Đức Giáo Hoàng Rôma chuẩn nhận việc bầu cử Hồng y phó niên trưởng.

§4. Nếu Hồng y niên trưởng và Hồng y phó niên trưởng không có cư sở tại thành phố Rôma, thì các ngài phải thủ đắc một cư sở tại đó.

Điều 353

§1. Các Hồng y giúp đỡ vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội bằng một hành động mang tính hiệp đoàn, nhất là trong các Cơ Mật Viện, là nơi các ngài họp nhau theo lệnh và dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng Rôma; có những Cơ Mật Viện thường lệ hoặc ngoại lệ.

§2. Tất cả các Hồng y, ít là những vị đang hiện diện tại Rôma, được triệu tập họp Cơ Mật Viện thường lệ để được tham khảo về một số công việc quan trọng nhưng thường hay xảy ra, hoặc để thực hiện một số hành vi đặc biệt trang trọng.

§3. Tất cả các Hồng y được triệu tập họp Cơ Mật Viện ngoại lệ, được tổ chức mỗi khi Giáo Hội có các nhu cầu đặc biệt hoặc để học hỏi những vấn đề có tầm quan trọng.

§4. Chỉ có Cơ Mật Viện thường lệ, trong đó cử hành một số nghi thức trang trọng, mới có thể công khai, nghĩa là ngoài các Hồng y, còn có sự tham dự của các giám chức, các đại diện của các quốc gia và các khách mời khác.

Điều 354

Khi đã được bảy mươi lăm tuổi trọn, các Nghị Phụ Hồng Y đứng đầu các thánh bộ và các cơ quan thường trực khác của Giáo Triều Rôma và của Thành Vaticanô được yêu cầu đệ đơn từ nhiệm lên Đức Giáo Hoàng Rôma, để ngài định liệu sau khi đã cân nhắc mọi hoàn cảnh.

Điều 355

§1. Hồng y niên trưởng truyền chức Giám mục cho vị đắc cử Giáo Hoàng Rôma, nếu vị này chưa lãnh chức Giám mục; nếu Hồng y niên trưởng bị ngăn trở, thì quyền ấy thuộc về Hồng y phó niên trưởng, và nếu vị này cũng bị ngăn trở, thì quyền ấy thuộc về Hồng y cao niên nhất thuộc đẳng Giám mục.

§2. Hồng y trưởng đẳng phó tế công bố cho dân chúng biết danh tính vị tân Giáo Hoàng vừa đắc cử; ngoài ra, ngài thay mặt Đức Giáo Hoàng Rôma để trao dây pallium cho các Tổng Giám mục hoặc gửi qua những người đại diện của các vị ấy.

Điều 356

Các Hồng y có nghĩa vụ cộng tác đắc lực với Đức Giáo Hoàng Rôma; vì thế, các Hồng y đảm nhận bất cứ giáo vụ nào trong Giáo Triều, mà không phải là Giám mục giáo phận, thì buộc phải cư trú tại Rôma; các Hồng y nào coi sóc giáo phận như các Giám mục giáo phận, thì phải đến Rôma mỗi khi được Đức Giáo Hoàng Rôma triệu tập.

Điều 357

§1. Các Hồng y đã được chỉ định tước hiệu một giáo phận ngoại thành hoặc một nhà thờ nội thành Rôma, thì sau khi đã nhận tước hiệu. Phải cổ vũ lợi ích của những giáo phận và của những nhà thờ ấy bằng lời khuyên nhủ và bằng việc bảo trợ; tuy nhiên, các ngài không có quyền lãnh đạo nào ở các nơi ấy và cũng không được can thiệp bằng bất cứ cách nào vào các vấn đề liên quan tới việc quản trị các tài sản, kỷ luật hoặc việc phục vụ của các nhà thờ ấy.

§2. Trong những gì liên quan đến bản thân, các Hồng y ở ngoại thành Rôma và ở ngoài giáo phận riêng của mình được miễn khỏi quyền lãnh đạo của Giám mục giáo phận nơi các ngài đang trú ngụ.

Điều 358

Vị Hồng y được Đức Giáo Hoàng Rôma trao cho nhiệm vụ đại diện ngài trong một dịp lễ trọng thể hoặc trong một hội nghị với tư cách là Đặc Sứ thần (Legatus à latere), có nghĩa là như bản thân khác của ngài, và cũng như thế, vị Hồng y được Đức Giáo Hoàng Rôma trao cho nhiệm vụ thi hành một công tác mục vụ với tư cách là đặc phái viên của ngài, thì chỉ có thẩm quyền trong những vấn đề đã được Đức Giáo Hoàng ủy thác.

Điều 359

Trong Giáo Hội, khi Tông Tòa khuyết vị, Hồng y đoàn chỉ có quyền mà luật riêng đã ban cho.

Chương 2. Thượng hội đồng Giám mục (Điều 342-348)Chương 4. Giáo triều Rôma (Điều 360-361)