Chương 5. Các đặc sứ của Đức Giáo Hoàng (Điều 362-367)

Điều 362

Đức Giáo Hoàng có quyền bẩm sinh và độc lập để bổ nhiệm và gửi các Đặc Sứ của ngài tới các Giáo Hội địa Phương tại các nước hay các miền khác nhau, hoặc đồng thời tới các quốc gia hay các chính phủ, cũng như để thuyên chuyển và triệu hồi các vị ấy, tuy vẫn tôn trọng những quy tắc của công pháp quốc tế liên quan tới việc gửi và triệu hồi những đặc sứ được ủy nhiệm tại các quốc gia.

Điều 363

§1. Các Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng Rôma được ủy thác nhiệm vụ làm đại diện thường trực cho ngài tại các Giáo Hội địa phương hay tại các quốc gia và các chính phủ mà các vị đã được sai đến.

§2. Những vị được chỉ định vào một phái đoàn giáo hoàng với tư cách Đại Biểu hay Quan Sát Viên tại các Ủy Ban quốc tế hoặc tại các cuộc Hội Thảo và Hội Nghị, cũng có tư cách thay mặt Tông Tòa.

Điều 364

Nhiệm vụ chính yếu của Đặc Sứ giáo hoàng là làm cho mối dây hiệp nhất giữa Tông Tòa với các Giáo Hội địa phương được bền vững và hữu hiệu hơn. Vì thế, trong quyền hạn của mình, các Đặc Sứ giáo hoàng:

thông báo cho Tông Tòa biết tình hình của các Giáo Hội địa phương và tất cả những gì liên hệ tới đời sống của Giáo Hội và lợi ích của các linh hồn;

giúp đỡ các Giám mục bằng hành động hay bằng ý kiến, nhưng vẫn tôn trọng việc thi hành quyền bính hợp lệ của các ngài;

cổ vũ những liên lạc thường xuyên với Hội đồng Giám mục bằng mọi hình thức hỗ trợ có thể;

đối với việc bổ nhiệm Giám mục, gửi hoặc đề nghị danh tính các ứng viên cho Tông Tòa, cũng như điều tra về những người được đề cử, theo các quy tắc do Tông Tòa đặt ra;

gắng sức cổ vũ những công việc liên quan đến công cuộc hòa bình, phát triển và hợp tác giữa các dân tộc;

cộng tác với các Giám mục để phát triển những liên lạc thích hợp giữa Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội khác hay với các cộng đoàn Giáo Hội khác, và với cả các tôn giáo ngoài Kitô Giáo;

phối hợp với các Giám mục để bênh vực những gì liên quan tới sứ mạng của Giáo Hội và của Tông Tòa trước mặt các vị lãnh đạo quốc gia;

sau cùng, thi hành mọi năng quyền và chu toàn những nhiệm vụ mà Tông Tòa đã ủy nhiệm.

Điều 365

§1. Đặc Sứ giáo hoàng được đồng thời ủy nhiệm tại các quốc gia theo các quy tắc của luật quốc tế còn có nhiệm vụ riêng là:

cổ vũ và duy trì các mối quan hệ giữa Tông Tòa với các chính quyền;

dàn xếp những vấn đề liên hệ đến mối tương quan giữa Giáo Hội với Quốc Gia, và đặc biệt là lo việc soạn thảo và thực thi những thỏa ước và các hiệp định khác tương tự;

§2. Khi xử lý những công việc được nói đến ở §1, tùy theo hoàn cảnh đòi hỏi, Đặc Sứ giáo hoàng phải tham khảo ý kiến và bàn bạc với các Giám mục thuộc giáo miền và thông báo cho các ngài biết diễn tiến của những công việc ấy.

Điều 366

Vì tính cách đặc biệt của nhiệm vụ Đặc Sứ:

trụ sở của Đặc Sứ giáo hoàng được miễn trừ khỏi quyền lãnh đạo của Đấng Bản Quyền địa phương, ngoại trừ việc cử hành hôn nhân;

sau khi đã thông báo cho Đấng Bản Quyền địa phương trong mức độ có thể, Đặc Sứ giáo hoàng có thể cử hành các nghi lễ phụng vụ, kể cả nghi lễ đại triều, trong tất cả các nhà thờ thuộc địa hạt đặc phái của ngài.

Điều 367

Nhiệm vụ của Đặc Sứ giáo hoàng không chấm dứt khi Tông Tòa khuyết vị, trừ khi ủy nhiệm thư giáo hoàng ấn định cách khác; tuy nhiên, nhiệm vụ ấy chấm dứt khi ủy nhiệm thư mãn hạn, khi lệnh triệu hồi đã được thông báo cho ngài và khi sự từ nhiệm đã được Đức Giáo Hoàng Rôma chấp thuận.

Chương 4. Giáo triều Rôma (Điều 360-361)Thiên 2. Các Giáo hội địa phương và các hợp đoàn Giáo hội địa phương (Điều 368-572)