Tiết 2. Các Giám mục Giáo phận (Điều 381-402)

Điều 381

§1. Giám mục giáo phận có mọi quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp trong giáo phận được ủy thác cho ngài, để thi hành nhiệm vụ mục vụ, ngoại trừ những trường hợp mà luật hoặc một sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng dành riêng cho Quyền Bính Tối Cao hoặc cho một quyền bính nào khác trong Giáo Hội.

§2. Những vị đứng đầu các cộng đồng tín hữu khác được nói đến ở điều 368, được luật đồng hóa với các Giám Mục giáo phận, trừ khi đã rõ cách khác theo bản tính sự việc hoặc theo những quy định của luật.

Điều 382

§1. Giám mục được tiến cử không được xen vào việc thi hành giáo vụ đã được trao phó trước khi nhận giáo phận theo giáo luật; tuy nhiên, ngài có thể thi hành các giáo vụ ngài đã giữ trong giáo phận đó trước khi được tiến cử, miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 409 §2.

§2. Trừ khi bị ngăn trở hợp lệ, người được tiến cử lên chức Giám mục giáo phận, nếu chưa được thụ phong Giám Mục, phải nhậm chức trong giáo phận theo giáo luật trong vòng bốn tháng, kể từ khi nhận được tông thư, nếu đương sự đã thụ phong Giám mục rồi, thì trong vòng hai tháng, kể từ khi nhận được tông thư.

§3. Trong chính giáo phận mình, Giám mục nhậm chức theo giáo luật kể từ lúc ngài đích thân hoặc nhờ đại diện trình tông thư cho ban tư vấn trước sự hiện diện của chưởng ấn tòa giám mục, và vị này lập biên bản về việc nhậm chức; hoặc trong những giáo phận mới được thiết lập, ngài nhậm chức kể từ lúc ngài thông báo tông thư đó cho hàng giáo sĩ và giáo dân hiện diện trong nhà thờ chính tòa; linh mục cao niên nhất trong số các linh mục hiện diện phải lập biên bản về việc nhậm chức.

§4. Việc nhậm chức theo giáo luật rất được khuyến khích thực hiện trong một nghi thức phụng vụ tại nhà thờ chính tòa, trước sự hiện diện của hàng giáo sĩ và giáo dân.

Điều 383

§1. Trong khi thi hành nhiệm vụ chủ chăn, Giám mục giáo phận phải tỏ ra ân cần đối với mọi Kitô hữu đã được trao phó cho ngài chăm sóc, bất kỳ tuổi tác, địa vị, hoặc quốc tịch của họ, dù họ là người cư ngụ trong địa hạt của ngài, hoặc là người ở đó tạm thời; ngài phải biểu lộ lòng nhiệt thành tông đồ với cả những người không thể được chăm sóc đầy đủ về phương diện mục vụ thông thường vì hoàn cảnh sinh sống của họ, cũng như những người không còn sống đạo.

§2. Nếu trong giáo phận có những tín hữu thuộc lễ điển khác, ngài phải đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của họ nhờ các tư tế hay các cha sở thuộc lễ điển đó, hoặc nhờ một vị Đại Diện Giám mục.

§3. Đối với những anh em không còn hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, ngài phải cư xử với lòng nhân từ và bác ái bằng cách cổ vũ phong trào đại kết theo ý hướng của Giáo Hội.

§4. Ngài phải coi những người không được rửa tội như những người được Chúa trao phó cho mình, ngõ hầu đức ái của Chúa Kitô mà Giám mục phải là chứng nhân trước mặt mọi người cũng được tỏ lộ cho họ.

Điều 384

Giám mục giáo phận phải quan tâm đặc biệt đến các linh mục mà ngài phải lắng nghe như những phụ tá và cố vấn của mình: ngài phải bênh vực các quyền lợi của họ và phải liệu sao để họ chu toàn đầy đủ những nghĩa vụ hợp với bậc mình và có những phương tiện và những định chế cần thiết để thăng tiến đời sống thiêng liêng và trí tuệ; cũng vậy, ngài phải liệu sao để họ được trợ cấp xứng đáng và có bảo hiểm xã hội chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 385

Giám mục giáo phận phải hết sức cổ vũ các ơn gọi cho các tác vụ khác nhau và cho đời thánh hiến, đặc biệt quan tâm đến các ơn gọi tư tế và thừa sai.

Điều 386

§1. Giám mục giáo phận buộc phải năng đích thân giảng dạy để trình bày và giải thích cho các tín hữu những chân lý đức tin họ phải tin và phải áp dụng vào cuộc sống; ngài cũng phải liệu sao để những quy định giáo luật về tác vụ Lời Chúa, nhất là những quy định về bài giảng lễ và về việc huấn giáo được tuân hành chu đáo, đến mức toàn bộ học thuyết Kitô Giáo được truyền đạt cho tất cả mọi người.

§2. Ngài phải cương quyết bảo vệ tính toàn vẹn và duy nhất của đức tin bằng những phương thế thích hợp nhất, nhưng phải công nhận sự tự do chính đáng trong việc nghiên cứu chân lý cách sâu rộng hơn.

Điều 387

Ý thức mình phải nêu gương thánh thiện trong đức ái, trong sự khiêm tốn và trong nếp sống giản dị, Giám mục giáo phận phải hết sức cổ vũ sự thánh thiện của Kitô hữu, theo ơn gọi của mỗi người, và vì ngài là người phân phát chính các mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài phải phấn đấu để mọi Kitô hữu được ủy thác cho ngài săn sóc được tăng trưởng trong ân sủng nhờ việc cử hành các bí tích, và để họ nhận biết và sống mầu nhiệm Phục Sinh.

Điều 388

§1. Sau khi nhậm chức trong giáo phận, Giám mục giáo phận phải dâng lễ cầu cho đoàn dân đã được ủy thác cho ngài mỗi ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác trong miền của ngài.

§2. Giám mục phải đích thân cử hành và dâng lễ cầu cho đoàn dân trong những ngày đã được nói đến ở §1; nếu ngài bị ngăn trở chính đáng không dâng lễ được, thì ngài phải nhờ người khác dâng lễ trong những ngày đó, hoặc đích thân dâng lễ vào những ngày khác.

§3. Giám mục nào, ngoài giáo phận riêng, còn kiêm nhiệm giáo phận khác, ngay cả với tước hiệu Giám Quản, thì chỉ buộc dâng một Thánh Lễ cho tất cả đoàn dân đã được ủy thác cho ngài.

§4. Giám mục nào chưa chu toàn nghĩa vụ được nói đến ở các §§1-3, hễ bỏ sót bao nhiêu lễ, thì phải dâng đủ bấy nhiêu lễ cầu cho đoàn dân sớm hết sức có thể.

Điều 389

Giám mục phải thường xuyên chủ sự Thánh Lễ tại nhà thờ chính tòa của mình hoặc tại một nhà thờ khác thuộc giáo phận ngài, nhất là trong những lễ buộc và những lễ trọng khác.

Điều 390

Giám mục giáo phận có thể cử hành nghi lễ đại triều trong toàn giáo phận của ngài, nhưng ngoài giáo phận riêng thì không được, nếu không có sự đồng ý minh nhiên hoặc ít là được suy đoán cách hợp lý của Đấng Bản Quyền địa phương.

Điều 391

§1. Giám mục giáo phận lãnh đạo Giáo Hội địa phương đã được ủy thác cho mình với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chiếu theo quy tắc của luật.

§2. Giám mục đích thân thi hành quyền lập pháp; ngài đích thân hoặc nhờ các Tổng Đại Diện hay các Đại Diện Giám mục thi hành quyền hành pháp, chiếu theo quy tắc của luật; ngài đích thân hoặc nhờ vị Đại Diện tư pháp và các thẩm phán thi hành quyền tư pháp, chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 392

§1. Vì phải bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám mục buộc phải cổ vũ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế, ngài phải thúc bách việc tuân giữ tất cả mọi luật của Giáo Hội.

§2. Ngài phải liệu sao để cho kỷ luật của Giáo Hội không bị lạm dụng, nhất là trong những điều liên quan đến tác vụ Lời Chúa, đến việc cử hành các bí tích và các á bí tích, đến việc tôn thờ Thiên Chúa và việc tôn kính các thánh, cũng như đến việc quản trị tài sản.

Điều 393

Giám mục giáo phận đại diện cho giáo phận trong mọi công việc pháp lý của giáo phận.

Điều 394

§1. Giám mục phải cổ vũ những hình thức khác nhau của việc tông đồ trong giáo phận, và phải liệu sao cho mọi hoạt động tông đồ trong toàn giáo phận hoặc trong những địa hạt riêng của giáo phận được phối trí với nhau dưới sự điều khiển của ngài, tuy vẫn tôn trọng tính cách riêng của mỗi hoạt động.

§2. Ngài phải nhắc nhở cho tín hữu biết họ có bổn phận làm việc tông đồ, tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mỗi người, và phải khuyến khích họ tham gia và giúp đỡ những hoạt động tông đồ khác nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi thời và mỗi nơi.

Điều 395

§1. Giám mục giáo phận buộc phải giữ luật đích thân cư trú trong giáo phận mình, dù ngài đã có Giám mục phó hay Giám mục phụ tá.

§2. Trừ khi đi viếng ad limina, đi dự các Công đồng, Thượng Hội đồng Giám mục, Hội đồng Giám mục, hay khi phải vắng mặt vì một giáo vụ được ủy nhiệm cách hợp pháp, Giám mục giáo phận có thể vắng mặt khỏi giáo phận vì lý do chính đáng, nhưng không quá một tháng, hoặc liên tục hoặc cách quãng, miễn là phải liệu sao để sự vắng mặt của mình không gây thiệt hại nào cho giáo phận.

§3. Giám mục giáo phận không được vắng mặt khỏi giáo phận trong ngày lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh, lễ Hiện Xuống và lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, trừ khi có một lý do nghiêm trọng và khẩn cấp.

§4. Nếu Giám mục vắng mặt khỏi giáo phận cách bất hợp pháp quá sáu tháng, Tổng Giám mục phải thông báo cho Tông Tòa biết sự vắng mặt này; nếu Tổng Giám mục vắng mặt bất hợp pháp, thì Giám mục cao niên nhất trong giáo tỉnh phải báo cáo.

Điều 396

§1. Hằng năm, Giám mục buộc phải đi kinh lý toàn giáo phận hoặc một phần giáo phận, sao cho ít là trong vòng năm năm có thể kinh lý toàn giáo phận, hoặc đích thân, hoặc nếu ngài bị ngăn trở chính đáng thì ngài nhờ Giám mục phó hay Giám mục phụ tá, Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám mục, hay một linh mục khác.

§2. Giám mục có quyền tùy ý chọn một số giáo sĩ để tháp tùng và giúp đỡ ngài trong cuộc kinh lý, mọi đặc ân và mọi tục lệ trái ngược đều bị bãi bỏ.

Điều 397

§1. Các nhân sự, các cơ sở Công Giáo, các sự vật và các nơi thánh nằm trong giáo phận phải thuộc quyền kinh lý thông thường của Giám mục.

§2. Giám mục chỉ có thể kinh lý các thành viên của các hội dòng thuộc luật giáo hoàng và các nhà của họ trong những trường hợp được luật dự trù cách minh nhiên.

Điều 398

Giám mục phải gắng chu toàn việc kinh lý mục vụ cách chu đáo; ngài phải lưu tâm đừng trở nên gánh nặng cho ai vì những chi phí dư thừa.

Điều 399

§1. Cứ năm năm một lần, Giám mục giáo phận phải đệ nạp lên Đức Giáo Hoàng bản phúc trình về tình trạng của giáo phận đã được ủy thác cho ngài, theo biểu mẫu và vào thời điếm do Tông Tòa ấn định.

§2. Nếu toàn bộ hoặc một phần của năm được ấn định để đệ nạp bản phúc trình trùng hợp với hai năm đầu kể từ khi khởi sự nhận lãnh đạo giáo phận, thì lần đó Giám mục không phải soạn thảo và cũng không phải gửi bản phúc trình.

Điều 400

§1. Vào đúng năm đệ nạp bản phúc trình lên Đức Giáo Hoàng, nếu Tông Tòa không ấn định cách khác, Giám mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và phải yết kiến Đức Giáo Hoàng Rôma.

§2. Giám mục phải tự mình chu toàn nghĩa vụ nói trên, trừ khi bị ngăn trở chính đáng; trong trường hợp này, ngài phải nhờ Giám mục phó, nếu có, hoặc Giám mục phụ tá, hay một tư tế có khả năng xứng hợp thuộc linh mục đoàn hiện đang cư ngụ trong giáo phận của ngài để thay ngài chu toàn nghĩa vụ đó.

§3. Vị Đại Diện tông tòa có thể nhờ một người đại diện để thay ngài chu toàn nghĩa vụ đó, ngay cả khi họ đang ở Rôma; vị Phủ Doãn tông tòa không có nghĩa vụ này.

Điều 401

§1. Giám mục giáo phận đã trọn bảy mươi lăm tuổi được yêu cầu đệ đơn từ nhiệm lên Đức Giáo Hoàng, và Đức Giáo Hoàng sẽ định liệu sau khi cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.

§2. Giám mục giáo phận được khẩn khoản yêu cầu đệ đơn từ nhiệm vì lý do sức khoẻ hay vì bất cứ một lý do nghiêm trọng nào khác khiến ngài không đủ khả năng chu toàn giáo vụ của mình.

Điều 402

§1. Một khi đơn từ nhiệm đã được chấp thuận, Giám Mục sẽ giữ tước hiệu nguyên Giám mục của giáo phận mình, và nếu muốn, ngài vẫn có thể cư trú ngay trong giáo phận đó, trừ khi Tông Tòa đã dự liệu cách khác trong một số trường hợp vì hoàn cảnh đặc biệt.

§2. Hội đồng Giám mục phải liệu sao để Giám mục đã từ nhiệm được trợ cấp cách phù hợp và xứng đáng, tuy nhiên, nghĩa vụ này trước hết thuộc về giáo phận mà ngài đã phục vụ.

Tiết 1. Các Giám mục nói chung (Điều 375-380)Tiết 3. Các Giám mục phó và Giám mục phụ tá (Điều 403-411)