Tiết 1. Các tổng đại diện và các đại diện Giám mục (Điều 475-481)
Điều 475
§1. Trong mỗi giáo phận, Giám mục giáo phận phải đặt một Tổng Đại Diện với quyền thông thường, chiếu theo quy tắc của những điều khoản sau đây, để giúp ngài trong việc lãnh đạo toàn giáo phận.
§2. Theo quy tắc chung, phải đặt một Tổng Đại Diện mà thôi, trừ khi sự rộng lớn hay dân số của giáo phận hoặc những lý do mục vụ khuyên làm cách khác.
Điều 476
Mỗi khi việc lãnh đạo tốt đẹp giáo phận đòi hỏi, Giám Mục giáo phận cũng có thể đặt một hay nhiều Đại Diện Giám mục; các vị này có quyền thông thường mà luật phổ quát dành cho Tổng Đại Diện, hoặc trong một phần nhất định của giáo phận, hoặc trong một số công việc nào đó, hoặc đối với các tín hữu thuộc một lễ điển nhất định, hoặc thuộc về một nhóm người nào đó, chiếu theo quy tắc của các điều khoản sau đây.
Điều 477
§1. Giám mục giáo phận được tự do bổ nhiệm và giải nhiệm Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám mục, miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 406; ngài phải bổ nhiệm Đại Diện Giám mục, nếu không phải là Giám mục phụ tá, trong một thời gian hữu hạn mà thôi, và điều này phải được xác định trong chính văn thư bổ nhiệm,
§2. Khi Tổng Đại Diện vắng mặt hoặc bị ngăn trở chính đáng, Giám mục giáo phận có thể bổ nhiệm một vị khác để thay thế; quy tắc này cũng được áp dụng cho Đại Diện Giám mục.
Điều 478
§1. Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám mục phải là tư tế không dưới ba mươi tuổi, có học vị tiến sĩ hoặc cử nhân giáo luật hay thần học, hoặc ít là phải thực sự thông thạo các môn đó, trổi vượt về học thuyết lành mạnh, đức độ, khôn ngoan, và kinh nghiệm trong việc điều khiển công việc.
§2. Chức vụ Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám mục không thể kiêm nhiệm chức vụ kinh sĩ xá giải và cũng không thể trao cho người cùng huyết tộc với Giám mục cho tới bậc thứ bốn.
Điều 479
§1. Tổng Đại Diện, chiếu theo chức vụ, trong toàn giáo phận có quyền hành pháp mà theo luật thuộc về Giám mục giáo phận, tức là quyền thực hiện tất cả mọi công việc hành chính, trừ những công việc mà Giám mục đã dành riêng cho mình hoặc những công việc mà luật đòi phải có sự ủy nhiệm đặc biệt của Giám mục.
§2. Đại Diện Giám mục đương nhiên cũng có quyền được nói đến ở §1, nhưng chỉ trong một phần nhất định của địa hạt, hoặc trong một số công việc, hoặc đối với các tín hữu thuộc một lễ điển nhất định, hoặc thuộc về một nhóm người vì họ mà ngài được đặt lên, trừ những vấn đề mà Giám mục dành riêng cho mình hoặc cho Tổng Đại Diện, hoặc những vấn đề mà luật đòi phải có sự ủy nhiệm đặc biệt của Giám mục.
§3. Các năng quyền thường xuyên mà Tông Tòa ban cho Giám mục, cũng như quyền thi hành các phúc chiếu, cũng thuộc về Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám mục, trong phạm vi thẩm quyền của mình, trừ khi luật minh nhiên quy định cách khác, hoặc khi việc thi hành được trao cho Giám Mục giáo phận vì phẩm cách cá nhân của ngài.
Điều 480
Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám mục phải tường trình cho Giám mục giáo phận biết những công việc quan trọng phải làm cũng như đã làm, và không bao giờ được hành động trái với ý muốn và ý hướng của Giám mục giáo phận.
Điều 481
§1. Quyền hành của Tổng Đại Diện và của Đại Diện Giám mục chấm dứt khi sự ủy nhiệm mãn hạn, khi từ nhiệm, miễn là vẫn giữ các điều 406 và 409, khi sự giải nhiệm được Giám mục giáo phận thông báo và khi tòa giám mục khuyết vị.
§2. Khi nhiệm vụ của Giám mục giáo phận bị đình chỉ, thì quyền của Tổng Đại Diện và của Đại Diện Giám mục cũng bị đình chỉ, trừ khi các ngài có chức Giám mục.