Chương 1. Các nhà dòng. Việc thành lập và giải thể các nhà dòng (Điều 608-616)

Điều 608

Cộng đoàn tu sĩ phải ở trong một nhà được chính thức thành lập, dưới quyền Bề Trên được chỉ định chiếu theo quy tắc của luật; mỗi nhà phải có ít là một nguyện đường là nơi cử hành Thánh Lễ và lưu giữ Thánh Thể, để thật sự là trung tâm của cộng đoàn.

Điều 609

§1. Những nhà của một hội dòng được nhà chức trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp, với sự đồng ý bằng văn bản của Giám mục giáo phận.

§2. Để thành lập một nữ đan viện, còn phải có phép Tông Tòa.

Điều 610

§1. Việc thành lập các nhà đòi phải lưu ý đến ích lợi của Giáo Hội và của tu hội, và phải bảo đảm những gì cần thiết để các thành viên có thể sống đời tu xứng hợp, theo những mục đích riêng cũng như theo tinh thần của tu hội.

§2. Không nên thành lập một nhà nào, nếu không thể dự liệu cách khôn ngoan rằng các nhu cầu của các thành viên sẽ được đáp ứng cách thích đáng.

Điều 611

Việc Giám mục giáo phận chấp thuận cho tu hội thành lập một nhà dòng bao hàm quyền:

sống một đời sống phù hợp với đặc tính và các mục đích riêng của tu hội;

thực hiện các công việc riêng của tu hội chiếu theo quy tắc của luật, miễn là vẫn tôn trọng các điều kiện đã được đặt ra trong việc chấp thuận;

có một nhà thờ, đối với các tu hội giáo sĩ, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1215 §3, và thi hành thừa tác vụ thánh chức, miễn là vẫn giữ những luật phải giữ.

Điều 612

Để một nhà dòng được chuyển sang làm những việc tông đồ khác với những việc vì đó mà nhà dòng đã được thiết lập, thì cần phải có sự chấp thuận của Giám mục giáo phận; nhưng sự chấp thuận này không cần thiết, nếu đó là một sự thay đổi chỉ liên quan đến việc lãnh đạo nội bộ và kỷ luật, miễn là vẫn giữ nguyên các luật tặng lập.

Điều 613

§1. Một nhà dòng của các kinh sĩ dòng và đan sĩ dưới sự lãnh đạo và coi sóc của vị Điều Hành riêng có quyền tự trị, trừ khi hiến pháp quy định cách khác.

§2. Chiếu theo luật, vị Điều Hành của một nhà tự trị là Bề Trên сấр саo.

Điều 614

Các nữ đan viện đã được liên kết với một tu hội nam thì vẫn duy trì cách sống và việc lãnh đạo riêng theo hiến pháp. Các quyền lợi và nghĩa vụ hỗ tương cần được xác định thế nào để việc liên kết có thể đem lại lợi ích thiêng liêng.

Điều 615

Đan viện tự trị nào không có Bề Trên cấp cao nào khác ngoài vị Điều Hành riêng, và cũng không được liên kết với một tu hội khác của nam tu sĩ, đến nỗi Bề Trên của chính tu hội này có một quyền thật sự được xác định trong hiến pháp, thì được ủy thác cho Giám mục giáo phận trông coi cách đặc biệt chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 616

§1. Một nhà dòng được chính thức thành lập có thể bị vị Điều Hành giải thể chiếu theo quy tắc của hiến pháp, sau khi đã tham khảo ý kiến của Giám mục giáo phận. Còn tài sản của nhà dòng bị giải thể thì phải được luật riêng của tu hội định liệu, miễn là vẫn tôn trọng ý muốn của các người sáng lập hay của các người dâng cúng, cũng như các quyền lợi đã được thủ đắc cách hợp pháp.

§2. Việc giải thể ngôi nhà duy nhất của một tu hội thuộc về Tòa Thánh, và trong trường hợp này, việc định đoạt tài sản cũng thuộc về Tòa Thánh.

§3. Việc giải thể một đan viện tự trị được được nói đến ở điều 613 thuộc về tổng công nghị, trừ khi hiến pháp quy định cách khác.

§4. Việc giải thể một nữ đan viện tự trị thuộc về Tòa Thánh, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của hiến pháp trong trong những gì liên quan đến tài sản.

Đề mục 2. Các hội dòng (Điều 607-709)Chương 2. Việc lãnh đạo hội dòng (Điều 617-640)