Tiết 3. Tài sản vật chất và việc quản trị tài sản (Điều 634-640)
Điều 634
§1. Các tu hội, các tỉnh dòng và các nhà, với tư cách là các pháp nhân theo luật, có khả năng thủ đắc, chấp hữu, quản trị và chuyển nhượng tài sản, trừ khi khả năng ấy đã bị hiến pháp loại trừ hay hạn chế.
§2. Tuy nhiên, các tu hội, các tỉnh dòng và các nhà phải tránh mọi hình thức xa hoa, trục lợi quá đáng và tích lũy tài sản.
Điều 635
§1. Tài sản vật chất của các hội dòng, với tư cách là tài sản Giáo Hội, được chi phối bởi những quy định của quyển V về Tài sản vật chất của Giáo Hội, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác.
§2. Tuy nhiên, mỗi tu hội phải ấn định các quy tắc thích hợp về việc sử dụng và quản trị tài sản, để cổ vũ, bảo vệ và biểu lộ sự nghèo khó riêng của mình.
Điều 636
§1. Trong mỗi tu hội cũng như mỗi tỉnh dòng do một Bề Trên cấp cao lãnh đạo, phải có một người quản lý khác với Bề Trên cấp cao được đặt lên chiếu theo quy tắc của luật riêng, người này phải quản trị tài sản dưới sự hướng dẫn của Bề Trên liên hệ. Ngay cả trong các cộng đoàn địa phương, trong mức độ có thể, cũng phải đặt một người quản lý khác với Bề Trên địa phương.
§2. Vào thời kỳ và theo cách thức do luật riêng ấn định, các quản lý và các người quản trị khác phải tường trình cho nhà chức trách có thẩm quyền về việc quản trị.
Điều 637
Các đan viện tự trị được nói đến ở điều 615 phải tường trình cho Đấng Bản Quyền địa phương mỗi năm một lần về việc quản trị; ngoài ra, Đấng Bản Quyền địa phương có quyền biết việc kế toán của một nhà dòng thuộc luật giáo phận.
Điều 638
§1. Trong khuôn khổ của luật phổ quát, việc xác định những hành vi nào vượt quá giới hạn và thể thức quản trị thông thường và việc ấn định những điều cần thiết để thực hiện thành sự một hành vi quản trị ngoại thường thuộc về luật riêng.
§2. Ngoài các Bề Trên, các viên chức được luật riêng chỉ định vào việc quản trị cũng có thể thực hiện thành sự các việc chi tiêu và các hành vi pháp lý thuộc việc quản trị thông thường, trong giới hạn trách nhiệm của mình.
§3. Để được hữu hiệu, việc chuyển nhượng và bất cứ việc gì khiến cho tình trạng di sản của pháp nhân bị thiệt thòi, phải có phép bằng văn bản của Bề Trên có thẩm quyền, với sự chấp thuận của hội đồng của ngài. Ngoài ra, còn buộc phải có phép của Tòa Thánh, nếu là một việc chi tiêu vượt quá số tiền được Tông Tòa ấn định cho mỗi miền, hoặc nếu là tài sản được dâng cho Giáo Hội do lời khấn, hoặc nếu là các đồ vật quý giá vì giá trị nghệ thuật hay lịch sử.
§4. Đối với các đan viện tự trị được nói đến ở điều 615 và đối với các tu hội thuộc luật giáo phận, phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Đấng Bản Quyền địa phương.
Điều 639
§1. Nếu một pháp nhân mắc nợ và mắc các nghĩa vụ, ngay cả khi có phép của Bề Trên, thì chính pháp nhân ấy buộc phải chịu trách nhiệm về các món nợ và các nghĩa vụ đó.
§2. Nếu một thành viên được phép Bề Trên ký hợp đồng liên quan đến tài sản riêng tư của mình, thì chính đương sự phải chịu trách nhiệm về hợp đồng đó; nhưng nếu đương sự được Bề Trên ủy quyền để giải quyết một công việc của tu hội, thì tu hội phải chịu trách nhiệm về việc đó.
§3. Nếu một tu sĩ đã ký hợp đồng mà không có phép của các Bề Trên, thì chính đương sự phải chịu trách nhiệm, chứ không phải pháp nhân.
§4. Tuy nhiên, vẫn giữ nguyên tắc là luôn luôn có thể khởi tố người đã thủ lợi từ hợp đồng đã được ký kết.
§5. Các Bề Trên dòng phải thận trọng đừng cho phép vay nợ, trừ khi biết chắc rằng có thể trả tiền lãi nhờ hoa lợi thông thường và có thể hoàn lại tiền vốn bằng cách trả góp một cách chính đáng trong một thời gian không quá lâu.
Điều 640
Các tu hội, tùy hoàn cảnh địa phương, phải cố gắng làm chứng cho đức bác ái và đức nghèo khó cách tập thể và phải đóng góp tài sản mình để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội cũng như việc cứu trợ những người nghèo, tùy phương tiện của mình.