Chương 4. Nghĩa vụ và quyền lợi của các tu hội và các thành viên (Điều 662-672)

Điều 662

Các tu sĩ phải coi việc đi theo Đức Kitô do Phúc Âm đề ra và được trình bày trong hiến pháp của tu hội là luật tối thượng của đời sống.

Điều 663

§1. Chiêm ngắm các thực tại của Thiên Chúa và kết hợp liên lỉ với Ngài trong cầu nguyện phải là bổn phận hàng đầu và chính yếu của mọi tu sĩ.

§2. Hằng ngày, các thành viên phải tham dự hiến lễ tạ ơn, nếu có thể, phải rước Mình Thánh Chúa Kitô và phải tôn thờ chính Chúa hiện diện trong bí tích.

§3. Họ phải chuyên cần đọc Thánh Kinh và thực hành tâm nguyện, họ phải cử hành cách xứng đáng các giờ kinh phụng vụ, theo những quy định của luật riêng, miễn là vẫn giữ nguyên nghĩa vụ của các giáo sĩ được nói đến ở điều 276 §2, 3°, và phải thực hành các việc đạo đức khác.

§4. Họ phải đặc biệt tôn kính Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, là mẫu gương và là Đấng bảo trợ đời thánh hiến, nhất là bằng việc lần chuỗi Mân Côi.

§5. Họ phải trung thành tuân giữ thời gian tĩnh tâm hằng năm.

Điều 664

Các tu sĩ phải kiên trì hướng tâm hồn lên Chúa, phải xét mình hằng ngày và phải năng lãnh nhận bí tích Sám Hối.

Điều 665

§1. Các tu sĩ phải ở tại nhà dòng của mình, giữ đời sống chung và không được vắng nhà nếu không có phép Bề Trên. Tuy nhiên, nếu là vấn đề vắng mặt lâu ngày, thì Bề Trên cấp cao, với sự chấp thuận của ban cố vấn, và vì một lý do chính đáng, có thể cho phép một thành viên ở ngoài một nhà của tu hội, nhưng không được quá một năm, trừ khi vì lý do chữa bệnh, vì lý do học hành hoặc phải làm việc tông đồ nhân danh tu hội.

§2. Khi một thành viên vắng khỏi nhà dòng cách bất hợp pháp với ý định tránh khỏi quyền Bề Trên, thì chính các Bề Trên phải ân cần tìm kiếm họ, phải giúp họ trở về và bền đỗ trong ơn gọi của mình.

Điều 666

Trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, phải giữ sự phán đoán cần thiết và phải tránh những gì có hại cho ơn gọi riêng và nguy hiểm cho đức khiết tịnh của một người đã được thánh hiến.

Điều 667

§1. Trong tất cả các nhà, phải giữ nội vi thích hợp với đặc tính và sứ mạng của tu hội theo những quy định của luật riêng, một phần của nhà dòng luôn luôn được dành riêng cho các thành viên mà thôi.

§2. Kỷ luật của nội vi phải được tuân giữ nghiêm nhặt hơn trong các đan viện chuyên sống đời chiêm niệm.

§3. Các nữ đan viện hoàn toàn chuyên sống đời chiêm niệm phải tuân giữ nội vi giáo hoàng, nghĩa là theo các quy tắc do Tông Tòa ban hành. Các nữ đan viện khác phải tuân giữ nội vi thích hợp với đặc tính riêng đã được quy định trong hiến pháp.

§4. Giám mục giáo phận có năng quyền vào trong nội vi của các nữ đan viện ở trong giáo phận mình vì một lý do chính đáng, và có năng quyền ban phép, vì một lý do nghiêm trọng và với sự đồng ý của Bề Trên, cho những người khác vào trong nội vi và cho các nữ tu ra khỏi nội vi trong một thời gian thực sự cần thiết.

Điều 668

§1. Trước khi khấn lần đầu, các thành viên phải nhượng quyền quản trị tài sản riêng cho người mình muốn và họ phải được tự do định đoạt về việc sử dụng tài sản cũng như các hoa lợi của tài sản, trừ khi hiến pháp quy định cách khác. Ít là trước khi khấn trọn đời, các thành viên phải lập một chúc thư có giá trị đối với cả luật dân sự.

§2. Để thay đổi các việc định đoạt ấy vì một lý do chính đáng, cũng như để làm một hành vi nào đó liên quan đến tài sản vật chất, họ cần phải được phép của Bề Trên có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật riêng.

§3. Tất cả những gì tu sĩ thủ đắc do công lao của mình hoặc nhân danh tu hội thì đều thuộc về tu hội. Những tài sản tu sĩ nhận được bằng bất cứ cách nào dưới danh nghĩa cấp dưỡng, trợ cấp, hoặc bảo hiểm thì đều thuộc về tu hội, trừ khi luật riêng ẩn định cách khác.

§4. Thành viên nào phải từ bỏ hoàn toàn các tài sản của mình do bản chất của tu hội, thì phải thể hiện sự từ bỏ ấy trước khi khấn trọn đời, theo một thể thức có giá trị, trong mức độ có thể, đối với cả luật dân sự, và sự từ bỏ đó có hiệu lực kể từ ngày khấn. Tu sĩ đã khấn trọn đời, chiếu theo quy tắc của luật riêng, muốn từ bỏ một phần hay toàn bộ tài sản của mình, cũng phải làm như thế với phép của vị Điều Hành tổng quyền.

§5. Tu sĩ nào phải từ bỏ hoàn toàn những tài sản của mình, do bản chất của tu hội, thì mất khả năng thủ đắc và chấp hữu, vì vậy, các hành vi nghịch với lời khấn nghèo khó do tu sĩ ấy thực hiện sẽ vô hiệu. Những tài sản tu sĩ ấy có được sau hành vi từ bỏ của mình đều thuộc về tu hội chiếu theo quy tắc của luật riêng.

Điều 669

§1. Các tu sĩ phải mặc tu phục của tu hội mình được may chiếu theo quy tắc của luật riêng, để làm dấu chỉ của sự thánh hiến và làm chứng cho đức nghèo khó.

§2. Các tu sĩ thuộc hàng giáo sĩ của một tu hội không có tu phục riêng phải mặc tu phục của giáo sĩ chiếu theo quy tắc của điều 284. Tu hội phải cung cấp cho các thành viên tất cả những gì cần thiết chiếu theo quy tắc của hiến pháp để họ đạt được mục đích ơn gọi của họ.

Điều 671

Các tu sĩ không được nhận lãnh các trách nhiệm và các giáo vụ ở ngoài tu hội của mình, khi không có phép của Bề Trên hợp pháp.

Điều 672

Các tu sĩ bị ràng buộc bởi những quy định của các điều 277, 285, 286, 287289, ngoài ra, các tu sĩ thuộc hàng giáo sĩ còn phải tuân giữ những quy định của điều 279 §2; trong các tu hội giáo dân thuộc luật giáo hoàng, Bề Trên cấp cao có thể ban phép được nói đến ở điều 285 §4.

Tiết 4. Việc đào tạo các tu sĩ (Điều 659-661)Chương 5. Việc tông đồ của các tu hội (Điều 673-683)