Chương 5. Chứng minh và ghi sổ ban Bí tích Rửa Tội (Điều 875-878)

Điều 875

Người nào ban bí tích Rửa Tội, thì phải liệu sao cho có được ít là một người làm chứng, để có thể chứng minh việc ban bí tích Rửa Tội, nếu không có người đỡ đầu.

Điều 876

Lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được Rửa Tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội ở tuổi thành niên, đủ để làm bằng chứng cho việc ban bí tích Rửa Tội, nếu điều đó không gây thiệt hại cho ai.

Điều 877

§1. Cha sở tại nơi cử hành bí tích Rửa Tội phải cẩn thận ghi ngay vào sổ Rửa Tội tên của những người đã được Rửa Tội, của thừa tác viên, của cha mẹ, của người đỡ đầu và của những nhân chứng, nếu có, ngày và nơi ban bí tích Rửa Tội, cũng như ngày và nơi sinh của họ.

§2. Trong trường hợp một đứa con của người mẹ không có hôn phối, thì phải ghi tên người mẹ, nếu mẫu tính được biết cách công khai, hoặc nếu chính người mẹ tự ý yêu cầu điều đó bằng văn bản hay trước mặt hai nhân chứng, cũng phải ghi tên người cha, nếu phụ tính được chứng minh qua một tài liệu chính thức hay qua lời tuyên bố của đương sự trước mặt cha sở và hai nhân chứng; trong những trường hợp khác, chỉ phải ghi tên người được Rửa Tội mà thôi, chứ không ghi tên người cha hoặc tên cha mẹ.

§3. Nếu là con nuôi, thì phải ghi tên các người nuôi, ít là khi điều đó được thể hiện trong sổ hộ tịch địa phương, và tên cha mẹ ruột, chiếu theo quy tắc của §§1 và 2, và phải lưu ý đến những quy định của Hội đồng Giám mục.

Điều 878

Nếu cha sở không cử hành bí tích Rửa Tội và cũng không có mặt, thì thừa tác viên của bí tích Rửa Tội, dù là ai đi nữa, phải thông báo cho cha sở của giáo xứ nơi mà bí tích Rửa Tội đã được cử hành, để ngài ghi vào số chiếu theo quy tắc của điều 877 §1.

Chương 4. Người đỡ đầu (Điều 872-874)Đề mục 2. Bí tích Thêm Sức (Điều 879-896)