Chương 2. Lưu giữ và tôn thờ Thánh Thể (Điều 934-944)
Điều 934
§1. Thánh Thể:
1° phải được lưu giữ trong nhà thờ chính tòa hoặc trong một nhà thờ tương đương, trong bất cứ nhà thờ giáo xứ nào và trong nhà thờ hay nhà nguyện gắn liền với nhà của một hội dòng hoặc của một tu đoàn tông đồ;
2° có thể được lưu giữ tại nhà nguyện tư của Giám Mục và, với phép của Đấng Bản Quyền địa phương, tại các nhà thờ, nhà nguyện và nhà nguyện riêng khác.
§2. Trong những nơi thánh có lưu giữ Thánh Thể, luôn luôn phải có người coi sóc, và trong mức độ có thể, tư tế phải cử hành Thánh Lễ ở đấy ít nhất là hai lần trong tháng.
Điều 935
Không ai được phép lưu giữ Mình Thánh Chúa tại nhà mình hoặc đem theo Mình Thánh Chúa khi đi đường, trừ khi có một nhu cầu mục vụ khẩn cấp và với điều kiện là phải giữ những quy định của Giám mục giáo phận.
Điều 936
Trong nhà của một hội dòng hay trong một thiện xá nào khác, Thánh Thể chỉ được lưu giữ trong nhà thờ hoặc nhà nguyện chính thuộc nhà ấy mà thôi; tuy nhiên vì một lý do chính đáng, Đấng Bản Quyền có thể cho phép lưu giữ Thánh Thể cả trong một nhà nguyện khác thuộc nhà ấy.
Điều 937
Trừ khi có một lý do nghiêm trọng ngăn cản, nhà thờ nào có lưu giữ Thánh Thể, thì phải mở cửa cho tín hữu, ít là vài giờ trong ngày, để họ có thể cầu nguyện trước Mình Thánh.
Điều 938
§1. Thường thường chỉ được lưu giữ Thánh Thể trong một nhà Tạm của nhà thờ hay nhà nguyện.
§2. Nhà Tạm có lưu giữ Thánh Thể phải được đặt tại một vị trí nổi bật và dễ thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện, được trang hoàng mỹ thuật và thích hợp cho việc cầu nguyện.
§3. Nhà Tạm có lưu giữ Thánh Thể thường ngày phải bất di dịch, phải được làm bằng chất liệu chắc chắn không trong suốt và phải khóa kín để tránh tối đa mọi nguy cơ phạm thánh.
§4. Vì một lý do nghiêm trọng, Thánh Thể có thể được lưu giữ tại một nơi khác an toàn và tôn nghiêm hơn, nhất là ban đêm.
§5. Người nào coi sóc nhà thờ hay nhà nguyện, phải liệu sao để chìa khóa nhà Tạm có lưu giữ Thánh Thể được gìn giữ hết sức cẩn thận.
Điều 939
Bánh lễ đã được truyền phép phải được lưu giữ trong một bình thánh hay trong một bình với số lượng vừa đủ cho nhu cầu của tín hữu, và phải được thay mới thường xuyên, sau khi đã rước hết những bánh thánh cũ cách thích hợp.
Điều 940
Trước nhà Tạm có lưu giữ Thánh Thể, phải thắp sáng một ngọn đèn đặc biệt, để biểu thị và tôn kính sự hiện diện của Đức Kitô.
Điều 941
§1. Trong các nhà thờ hoặc nhà nguyện được phép lưu giữ Thánh Thể, có thể đặt Mình Thánh để chầu, hoặc trong bình thánh hoặc trong Mặt Nhật, nhưng phải giữ những quy tắc đã được quy định trong các sách phụng vụ.
§2. Trong khi cử hành Thánh Lễ, không được đặt Mình Thánh để chầu trong cùng một nơi của nhà thờ hay nhà nguyện.
Điều 942
Trong những nhà thờ và nhà nguyện nói trên, khuyên hằng năm nên tổ chức một buổi chầu Mình Thánh cách trọng thể trong một thời gian thích hợp, mặc dù không liên tục, để cộng đoàn địa phương suy niệm và tôn thờ mầu nhiệm Thánh Thể cách sâu xa hơn; tuy nhiên chỉ được tổ chức chầu Mình Thánh như thế, nếu biết trước là có đủ số tín hữu đến tham dự, nhưng vẫn phải giữ các quy tắc đã được quy định.
Điều 943
Thừa tác viên đặt Mình Thánh để chầu và ban phép lành Thánh Thể là tư tế hay phó tế, trong những hoàn cảnh riêng, thừa tác viên giúp lễ, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ hay một người nào khác được Đấng Bản Quyền địa phương ủy quyền, có thể đặt và cất Mình Thánh, chứ không ban phép lành, nhưng vẫn phải giữ những quy định của Giám mục giáo phận.
Điều 944
§1. Ở đâu Giám mục giáo phận xét là có thể, nên tổ chức một cuộc rước kiệu Thánh Thể qua các đường phố công cộng, nhất là trong ngày lễ trọng kính Mình và Máu Đức Kitô, để công khai tỏ lòng tôn thờ Thánh Thể.
§2. Giám mục giáo phận ấn định những nội quy về việc tham dự rước kiệu và về tính cách trang nghiêm của cuộc rước kiệu.