Chương 2. Thừa tác viên Bí tích Sám Hối (Điều 965-986)
Điều 965
Chỉ có tư tế là thừa tác viên bí tích Sám Hối.
Điều 966
§1. Để giải tội thành sự, ngoài quyền thánh chức, thừa tác viên buộc phải có năng quyền thi hành quyền thánh chức ấy đối với những tín hữu mà ngài ban ơn xá giải.
§2. Tư tế có thể có năng quyền này, hoặc chiếu theo chính luật, hoặc do nhà chức trách có thẩm quyền ban chiếu theo quy tắc của điều 969.
Điều 967
§1. Ngoài Đức Giáo Hoàng ra, các vị Hồng y đương nhiên có năng quyền giải tội cho các tín hữu ở khắp nơi trên thế giới; cũng vậy, các Giám mục thi hành năng quyền ấy cách hợp thức ở khắp nơi, trừ khi Giám mục giáo phận từ chối điều đó trong một trường hợp đặc biệt.
§2. Những vị có năng quyền giải tội thường xuyên chiếu theo chức vụ hoặc do Đấng Bản Quyền địa phương nơi nhập tịch hoặc nơi mình cư ngụ ban, có thể thi hành năng quyền ấy ở khắp nơi, trừ khi Đấng Bản Quyền địa phương từ chối điều đó trong một trường hợp đặc biệt, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 974 §§2 và 3.
§3. Những vị nào có năng quyền giải tội chiếu theo chức vụ hoặc do Bề Trên có thẩm quyền ban chiếu theo quy tắc của điều 968 §2 và 969 §2, thì đương nhiên có quyền ấy ở khắp nơi đối với các thành viên của hội dòng hay tu đoàn mình, cũng như đối với những người khác ngày đêm cư ngụ tại một trong các nhà của hội dòng hay tu đoàn; những vị ấy sử dụng hợp thức năng quyền này, trừ khi một Bề Trên cấp cao từ chối điều đó đối với những người thuộc quyền ngài, trong một trường hợp đặc biệt.
Điều 968
§1. Chiếu theo chức vụ, Đấng Bản Quyền địa phương, vị kinh sĩ xá giải, cũng như cha sở và những người thay quyền cha sở, đều có năng quyền giải tội, và mỗi người trong quyền hạn của mình.
§2. Chiếu theo chức vụ, Bề Trên các hội dòng giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng hoặc các tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng có quyền hành pháp trong việc lãnh đạo chiếu theo quy tắc của hiến pháp, thì có năng quyền giải tội cho các người thuộc quyền mình và cho những người khác ngày đêm cư ngụ trong nhà mình, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 630 §4.
Điều 969
§1. Chỉ Đấng Bản Quyền địa phương có thẩm quyền ban cho bất cứ linh mục nào năng quyền giải tội cho bất cứ tín hữu nào, nhưng những linh mục là thành viên của một hội dòng không được dùng năng quyền ấy khi không có phép ít là được suy đoán của Bề Trên mình.
§2. Bề Trên của một hội dòng hoặc của một tu đoàn tông đồ được nói đến ở điều 968 §2, có thẩm quyền ban cho bất cứ linh mục nào năng quyền giải tội cho các người thuộc quyền mình và các người khác ngày đêm cư ngụ trong nhà mình.
Điều 970
Chỉ được ban năng quyền giải tội cho những linh mục nào đã được công nhận là có khả năng xứng hợp qua một cuộc khảo hạch hoặc khi đã biết rõ khả năng của họ bằng cách khác.
Điều 971
Đấng Bản Quyền địa phương không được ban năng quyền giải tội thường xuyên cho một linh mục, dù linh mục ấy có cư sở hay bán cư sở thuộc quyền hạn mình, nếu trước đó không tham khảo ý kiến Đấng Bản Quyền của linh mục ấy, trong mức độ có thể.
Điều 972
Nhà chức trách có thẩm quyền được nói đến ở điều 969 có thể ban năng quyền giải tội cho một thời gian hoặc vô hạn hoặc hữu hạn.
Điều 973
Năng quyền giải tội thường xuyên phải được ban bằng văn bản.
Điều 974
§1. Đấng Bản Quyền địa phương cũng như Bề Trên có thẩm quyền không được thu hồi năng quyền giải tội thường xuyên đã được ban, trừ khi có một lý do quan trọng.
§2. Khi năng quyền giải tội bị Đấng Bản Quyền địa phương đã ban năng quyền được nói đến ở điều 967 §2 thu hồi, thì linh mục mất năng quyền ấy ở bất cứ nơi nào; còn khi năng quyền giải tội bị một Đấng Bản Quyền địa phương nào khác thu hồi, thì linh mục chỉ mất năng quyền ấy trong địa hạt của Đấng Bản Quyển đã thu hồi năng quyền.
§3. Bất cứ Đấng Bản Quyền địa phương nào đã thu hồi năng quyền giải tội của một linh mục, thì phải báo cho Đấng Bản Quyền riêng tại nơi linh mục ấy đã nhập tịch, nhưng nếu là thành viện của một hội dòng, thì phải báo cho Bề Trên có thẩm quyền của đương sự.
§4. Khi bị Bề Trên cấp cao của mình thu hồi năng quyền giải tội, thì linh mục mất năng quyền ấy ở khắp nơi đối với các thành viên của hội dòng; nhưng khi một Bề Trên có thẩm quyền khác thu hồi năng quyền giải tội thì linh mục chỉ mất năng quyền ấy đối với các thành viên thuộc quyền hạn của Bề Trên đó.
Điều 975
Ngoài trường hợp bị thu hồi, năng quyền được nói đến ở điều 967 §2 chấm dứt do việc mất giáo vụ, do xuất tịch và còn do mất cư sở.
Điều 976
Cho dù không có năng quyền giải tội, bất cứ tư tế nào cũng giải hết mọi vạ và mọi tội cách thành sự và hợp thức cho mọi hối nhân lâm cơn nguy tử, mặc dầu có sự hiện diện của một tư tế được chuẩn nhận.
Điều 977
Giải tội phạm điều răn thứ sáu cho người đồng lõa thì bất thành, trừ trường hợp nguy tử.
Điều 978
§1. Khi giải tội, tư tế phải nhớ rằng nhiệm vụ của mình vừa là thẩm phán, vừa là lương y, và đồng thời mình đã được Thiên Chúa đặt làm thừa tác viên của công lý và của lòng nhân hậu của Chúa, để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ các linh hồn.
§2. Với tư cách là thừa tác viên của Giáo Hội, khi ban bí tích, cha giải tội phải trung thành theo sát giáo huấn của huấn quyền và những quy tắc do nhà chức trách có thẩm quyền thiết lập.
Điều 979
Khi đặt những câu hỏi, tư tế phải tiến hành cách khôn ngoan và kín đáo, phải lưu ý đến địa vị và tuổi tác của hối nhân và phải tránh đừng hỏi tên người đồng lõa.
Điều 980
Nếu cha giải tội không hồ nghi về sự chuẩn bị của hối nhân, và nếu hối nhân xin xưng tội, thì ngài không được từ chối và cũng không được hoãn ban ơn xá giải.
Điều 981
Cha giải tội phải ra việc đền tội hữu ích và thích hợp cho hối nhân, tùy theo bản chất và số tội, nhưng phải lưu ý đến hoàn cảnh của hối nhân; chính hối nhân buộc phải tự mình thực hiện việc đền tội.
Điều 982
Người nào thú nhận là mình đã cáo gian với nhà chức trách Giáo Hội một cha giải tội vô tội đã dụ dỗ phạm tội nghịch điều răn thứ sáu của Thập Giới, thì chỉ được xá giải nếu trước đó đương sự đã chính thức rút lại lời cáo gian ấy và sẵn lòng đền bù những thiệt hại, nếu có.
Điều 983
§1. Ấn tín bí tích là điều bất khả xâm phạm, vì thế, tuyệt đối cấm cha giải tội không được tiết lộ hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.
§2. Thông dịch viên, nếu có, và tất cả mọi người đã biết được tội bằng bất cứ cách nào, do việc thú tội, cũng đều buộc phải giữ bí mật.
Điều 984
§1. Tuyệt đối cấm cha giải tội dùng những kiến thức biết được trong lúc giải tội để làm hại hối nhân, mặc dù không có nguy cơ tiết lộ nào.
§2. Người cầm quyền không thể dùng những kiến thức biết được bất cứ lúc nào do việc giải tội, để lãnh đạo ở tòa ngoài, bằng bất cứ cách nào.
Điều 985
Vị giáo tập và cộng sự viên của mình, giám đốc của chủng viện hoặc của một cơ sở giáo dục khác, không được giải tội cho học sinh cư ngụ trong nhà mình, trừ khi những học sinh ấy tự nguyện xin điều đó trong những trường hợp đặc biệt.
Điều 986
§1. Những vị có nhiệm vụ coi sóc linh hồn buộc phải liệu sao cho những tín hữu đã được trao cho mình được xưng tội, mỗi khi họ xin cách hợp lý, và phải tạo cơ hội cho họ đến xưng tội riêng bằng cách ấn định ngày giờ thuận tiện cho họ.
§2. Trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp, bất cứ cha giải tội nào, và trong trường hợp nguy tử, thì bất cứ tư tế nào cũng buộc phải giải tội cho Kitô hữu.