Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Số
Mục lục
Tra cứu
Câu
Mục lục
Tra cứu

Mục lục

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT

TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM

LỜI MỞ ĐẦU (1-25)

PHẦN THỨ NHẤT (26-1065)

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐOẠN THỨ NHẤT: “TÔI TIN” - “CHÚNG TÔI TIN” (26-184)

CHƯƠNG I: CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (27-49)

CHƯƠNG II: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (50-141)

Mục 1: Mặc Khải của Thiên Chúa (51-73)

Mục 2: Sự lưu truyền Mặc Khải của Thiên Chúa (74-100)

Mục 3: Thánh Kinh (101-141)

CHƯƠNG III: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (142-184)

Mục 1: Tôi tin (144-165)

Mục 2: Chúng tôi tin (166-184)

TÍN BIỂU

ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO (185-1065)

CHƯƠNG I: “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA” (198-421)

Mục 1: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” (199-421)

Tiết 1: Tôi tin kính Đức Chúa Trời (199-231)

Tiết 2: Chúa Cha (232-267)

Tiết 3: Đấng Toàn Năng (268-278)

Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Tiết 5: Trời và đất (325-354)

Tiết 6: Con người (355-384)

Tiết 7: Sự sa ngã (385-421)

CHƯƠNG II: TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (422-682)

Mục 2: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi” (430-455)

Mục 3: Chúa Giê-su Ki-tô “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (456-570)

Tiết 1: Con Thiên Chúa làm người (456-483)

Tiết 2: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (484-511)

Tiết 3: Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô (512-570)

Mục 4: Chúa Giê-su Ki-tô đã “chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)

Tiết 1: Chúa Giê-su và Ít-ra-en (574-594)

Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Tiết 3: Chúa Giê-su Ki-tô được “táng xác” (624-630)

Mục 5: Chúa Giê-su Ki-tô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (631-658)

Tiết 1: Đức Ki-tô “xuống ngục tổ tông” (632-637)

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)

Mục 6: Chúa Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)

CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)

Mục 9: “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” (748-975)

Tiết 1: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (751-780)

Tiết 2: Hội Thánh - Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần (781-810)

Tiết 3: Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (811-870)

Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Tiết 5: “Các Thánh thông công” (946-962) [1474-1477]

Tiết 6: Đức Ma-ri-a - Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh (963-975)

Mục 10: “Tôi tin phép tha tội” (976-987)

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

“Amen” (1061-1065)

PHẦN THỨ BA (1691-2557)

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THẦN KHÍ (1699-2051)

CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ (1700-1876)

Mục 1: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (1701-1715)

Mục 2: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng vinh phúc (1716-1729)

Mục 3: Sự tự do của con người (1730-1748)

Mục 4: Tính luân lý của các hành vi nhân linh (1749-1761)

Mục 5: Tính luân lý của các đam mê (1762-1775)

Mục 6: Lương tâm luân lý (1776-1802)

Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)

Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI (1877-1948)

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)

Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)

Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)

Mục 3: Hội Thánh, Mẹ và Thầy (2030-2051)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN (2052-2557)

CHƯƠNG I: “NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI” (2083-2195)

Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)

Mục 2: Điều răn thứ hai (2142-2167)

Mục 3: Điều răn thứ ba (2168-2195)

CHƯƠNG II: “NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH” (2196-2557)

Mục 4: Điều răn thứ tư (2197-2257)

Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)

Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)

Tra cứu

“Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20,14).82 “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (Mt 5,27-28).

I. “Thiên Chúa đã tạo dựng con người, có nam có nữ…” (2331-2336) [369-373]

23311604

“Thiên Chúa là tình yêu và nơi Ngài, Ngài sống mầu nhiệm của sự hiệp thông ngôi vị trong tình yêu. Khi tạo dựng bản tính con người theo hình ảnh mình, có nam có nữ, Thiên Chúa khắc ghi vào bản tính ấy ơn gọi, cùng với khả năng và trách nhiệm sống trong tình yêu và sự hiệp thông.”83 “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình… Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ” (St 1,27). “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều” (St 1,28). “Ngày Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa làm ra con người giống như Thiên Chúa. Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là ‘người’, ngày họ được tạo dựng” (St 5,1-2).

2332362

Tính dục ảnh hưởng trên mọi phương diện của nhân vị, trong sự hợp nhất của linh hồn và thân xác của nó. Tính dục đặc biệt liên quan đến sức mạnh tình cảm, khả năng yêu thương và sinh sản, và một cách tổng quát hơn, khả năng kết nối các mối dây hiệp thông với người khác.

23331603

Mỗi người, nam cũng như nữ, phải nhận biết và chấp nhận căn tính tính dục của mình. Sự khác biệt và sự bổ sung về thể lý, luân lý và tinh thần hướng đến lợi ích của hôn nhân và sự phát triển đời sống gia đình. Sự hài hòa của đôi phối ngẫu và của xã hội tùy thuộc phần nào vào cách thực hiện trong đời sống: sự bổ sung giữa các phái tính, sự cần đến nhau và sự trợ giúp lẫn nhau.

2334357

“Khi tạo dựng con người ‘có nam có nữ’, Thiên Chúa đã ban cho người nam và người nữ sự bình đẳng về nhân phẩm.”84 “Con người là một nhân vị, người nam và người nữ bình đẳng với nhau: cả hai được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa hữu ngã (personalis).”85

23352205

Mỗi một trong hai phái tính, bình đẳng về phẩm giá, dù theo cách thức khác nhau, đều là hình ảnh của quyền năng và lòng yêu thương của Thiên Chúa. Sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân là một cách nào đó, nơi thân xác, mô phỏng lòng quảng đại và sự phong phú của Đấng Tạo Hóa: “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Chính từ sự kết hợp này xuất phát mọi thế hệ con người.86

23361614

Chúa Giê-su đã đến phục hồi cho thụ tạo tình trạng tinh tuyền nguyên thủy của nó. Trong Bài giảng trên núi, Người đã giải thích cách chính xác ý định của Thiên Chúa: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28). “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly.”87

Truyền thống của Hội Thánh đã hiểu: điều răn thứ sáu đề cập đến mọi lãnh vực về tính dục của con người.

II. Ơn gọi sống khiết tịnh (2337-2359)

23372349, 2520

Sự khiết tịnh là việc hòa nhập thành công tính dục trong nhân vị, và qua đó, là sự thống nhất nội tâm của con người là thực tại vừa thể xác, vừa tinh thần. Tính dục là nơi biểu lộ sự tùy thuộc của con người vào thế giới vật chất và sinh học; nó trở thành cá vị (personalis) và thật sự nhân bản (humana) khi gắn với tương quan giữa người với người, trong việc hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn giữa người nam và người nữ.

Như vậy, nhân đức khiết tịnh bao gồm toàn bộ nhân vị và sự trọn vẹn của việc hiến thân.

Toàn bộ nhân vị (2338-2345)

2338

Người khiết tịnh giữ được toàn bộ sức mạnh của sự sống và tình yêu, đã được đặt nơi con người mình. Sự toàn vẹn này bảo đảm sự thống nhất của nhân vị, chống lại mọi thái độ làm tổn thương đến sự thống nhất đó. Nó không chấp nhận cuộc sống hai mặt, lời nói hai ý.88

23391767

Đức khiết tịnh bao hàm việc tập luyện sự tự chủ, tức là một cách tập luyện để sống sự tự do của con người. Lựa chọn là điều rõ ràng: con người hoặc chế ngự các đam mê của mình và được bình an; hoặc để chúng bắt mình làm nô lệ và trở nên bất hạnh.89 “Phẩm giá con người đòi họ phải hành động theo một sự lựa chọn có ý thức và tự do, một cách cá vị, nghĩa là được thúc đẩy và được hướng dẫn từ bên trong, chứ không phải dưới sự thôi thúc mù quáng bên trong hoặc chỉ dưới sự cưỡng chế bên ngoài. Con người đạt đến phẩm giá đó khi, nhờ tự giải thoát khỏi mọi nô dịch cho các đam mê, nhờ tự do lựa chọn điều thiện, con người theo đuổi mục đích của mình và một cách hữu hiệu, tìm được cho mình sự trợ giúp thích hợp và sự chuyên cần thành thạo.”90

23402015

Ai muốn trung thành với những lời hứa khi lãnh Phép Rửa và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế tương ứng: phải biết mình, thực tập việc khổ chế thích hợp với hoàn cảnh mình đang sống, tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các nhân đức luân lý và trung thành với việc cầu nguyện. “Nhờ sự tiết dục, chúng ta được quy tụ lại và tìm lại được sự thống nhất bản thân, mà từ đó chúng ta đã bị phân tán thành nhiều mảnh.”91

23411809

Đức khiết tịnh phụ thuộc nhân đức trụ là đức tiết độ, là nhân đức dùng lý trí để hướng dẫn các đam mê và các ước muốn của giác quan con người.

2342409

Sự tự chủ là một công việc bền bỉ lâu dài, không bao giờ được coi như đã đạt tới một lần là xong. Sự tự chủ bao hàm sự cố gắng đi cố gắng lại trong mọi độ tuổi của cuộc đời.92 Có thể ở một số giai đoạn nào đó đòi phải cố gắng nhiều hơn, như khi nhân cách được hình thành, trong tuổi thiếu niên và thanh niên (x. Tt 2,1-6).

23432223

Đức khiết tịnh cũng có những quy luật tăng trưởng, phải trải qua những bất toàn và rất thường là tội lỗi nữa. Con người khiết tịnh và say mê nhân đức “ngày qua ngày, như được hình thành bằng nhiều lựa chọn tự do: nhờ đó họ nhận biết, yêu mến và chu toàn điều thiện luân lý qua những giai đoạn tăng trưởng của họ.”93

23442525

Đức khiết tịnh là một công việc hết sức cá vị, nhưng cũng bao hàm một nỗ lực về văn hóa, bởi vì quả thật “sự thăng tiến của nhân vị và sự phát triển của chính xã hội lệ thuộc lẫn nhau.”94 Đức khiết tịnh giả thiết sự tôn trọng đối với các quyền con người, đặc biệt quyền được đón nhận thông tin và sự giáo dục, để biết tôn trọng các giá trị luân lý và tinh thần của đời sống con người.

23451810

Khiết tịnh là một nhân đức luân lý. Nhưng đó cũng là hồng ân của Thiên Chúa, là ân sủng, là hoa trái của Thần Khí.95 Chúa Thánh Thần ban cho người đã được tái sinh nhờ nước Rửa Tội, có khả năng mô phỏng96 sự trong sạch của Đức Ki-tô.

Sự trọn vẹn của việc hiến thân (2346-2347)

23461827, 210

Đức mến là mô thể của mọi nhân đức. Dưới ảnh hưởng của đức mến, đức khiết tịnh như là trường dạy việc hiến thân. Sự tự chủ được quy hướng tới sự tự hiến. Đức khiết tịnh hướng dẫn người thực thi nhân đức đó, để họ trở thành chứng nhân về lòng trung tín và yêu thương của Thiên Chúa trước mặt người lân cận.

2347374

Đức khiết tịnh nảy nở trong tình bằng hữu. Nhân đức này chỉ cho người môn đệ biết làm thế nào để bước theo và bắt chước Đấng đã chọn chúng ta như bạn hữu riêng của Người,97 đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta và cho chúng ta tham dự vào thần tính của Người.

Đức khiết tịnh là lời hứa của sự bất tử. Đức khiết tịnh được biểu lộ cách đặc biệt trong tình bằng hữu đối với người lân cận. Tình bằng hữu, được triển nở giữa những người cùng phái hoặc khác phái, là điều thiện hảo lớn lao cho mọi người. Tình bằng hữu dẫn đến sự hiệp thông tinh thần.

Những cách sống khiết tịnh (2348-2350)

2348

Mọi người đã được rửa tội đều được kêu gọi sống khiết tịnh. Ki-tô hữu đã mặc lấy Đức Ki-tô,98 khuôn mẫu của mọi đời sống khiết tịnh. Tất cả các Ki-tô hữu đều được kêu gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống riêng của mình. Khi lãnh nhận Phép Rửa, Ki-tô hữu đã cam kết điều khiển sức mạnh tình cảm của mình trong đức khiết tịnh.

23491620

“Người ta phải được tô điểm bằng đức khiết tịnh tùy theo bậc sống khác nhau: có người thì tuyên giữ trinh khiết hay độc thân thánh hiến cho Thiên Chúa, nhờ cách thức trổi vượt này, họ có thể kết hợp với Thiên Chúa cách dễ dàng hơn nhờ một trái tim không chia sẻ; có người lại sống theo hình thức đã được luật luân lý đặt ra cho mọi người, hoặc được kết hợp bằng hôn nhân hoặc sống độc thân.”99 Những người đã được liên kết bằng hôn nhân được kêu gọi sống đức khiết tịnh phu phụ; còn những người khác thì vun trồng đức khiết tịnh trong sự tiết dục.

“Có ba hình thức sống đức khiết tịnh: một là của bậc phu phụ, thứ đến của người góa bụa và thứ ba là của kẻ đồng trinh. Chúng ta không ca tụng hình thức này mà loại bỏ hình thức khác… Chính ở điểm này, kỷ luật của Hội Thánh rất phong phú.”100

23501632

Những người đã đính hôn được kêu gọi vun trồng đức khiết tịnh trong sự tiết dục. Trong thời gian thử thách này, họ sẽ học biết tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau từ Thiên Chúa. Họ phải dành những cách biểu lộ lòng âu yếm, là đặc trưng của tình yêu phu phụ, cho đến lúc đã thành hôn. Họ phải giúp nhau lớn lên trong sự khiết tịnh.

Những xúc phạm nghịch đức khiết tịnh (2351-2356)

23512528

Mê dâm dục là sự ham muốn vô trật tự hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục. Khoái lạc tình dục là vô trật tự về mặt luân lý, khi chỉ tìm khoái lạc để hưởng thụ, chứ không nhằm mục đích sinh sản và kết hợp trong tình yêu.

23521735

Thủ dâm hiểu là việc chủ ý kích thích cơ quan sinh dục để đạt được khoái lạc tình dục. “Dựa theo truyền thống bền vững, cả Huấn quyền cả cảm thức luân lý của các Ki-tô hữu, không hoài nghi khẳng định rằng, thủ dâm là một hành vi tự bản chất là vô trật tự cách nghiêm trọng.” “Với bất cứ lý do nào, việc chủ ý sử dụng khả năng tình dục ngoài quan hệ phu phụ đúng đắn cũng là sai mục đích của nó.” Ở đây là tìm khoái lạc tình dục bên ngoài quan hệ tình dục, “theo luật luân lý đòi hỏi, là quan hệ thực hiện việc hiến thân trọn vẹn cho nhau và việc sinh sản con người trong khuôn khổ của tình yêu đích thực.”101

Để có phán đoán đúng đắn về trách nhiện luân lý của đương sự, cũng như đưa ra một đường hướng mục vụ, cần lưu ý đến tình trạng thiếu trưởng thành tình cảm, áp lực của các thói quen đã có, tâm trạng lo âu cũng như những yếu tố khác về tâm lý và xã hội. Các nhân tố trên có thể làm cho sự quy tội luân lý được giảm nhẹ, thậm chí đến mức tối thiểu.

2353

Gian dâm là quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân giữa một người nam và một người nữ còn tự do. Tội này trái nghịch cách nghiêm trọng với nhân phẩm và tính dục của con người, vốn tự nhiên quy hướng tới lợi ích của đôi phối ngẫu cũng như tới việc sinh sản và giáo dục con cái. Ngoài ra, gian dâm còn là một gương xấu nghiêm trọng, khi làm băng hoại giới trẻ.

23542523

Hình ảnh khiêu dâm cốt tại việc đem những hành vi tính dục, có thật hay giả vờ, ra khỏi vòng thân mật của những người trong cuộc, chủ ý phơi bày cho những người khác. Hình ảnh khiêu dâm xúc phạm đến đức khiết tịnh, bởi vì làm biến chất hành vi phu phụ, sự tự hiến thân mật cho nhau của đôi phối ngẫu. Chúng xúc phạm cách nghiêm trọng đến phẩm giá của những người tham gia vào đó (diễn viên, kẻ kinh doanh, khán giả), bởi vì người này trở thành đối tượng mua vui thô lỗ và là nguồn lợi nhuận bất chính cho người khác. Hình ảnh khiêu dâm dìm hết người này đến người khác vào sự ảo tưởng của thế giới giả trá. Đó là một trọng tội. Chính quyền phải ngăn cấm việc sản xuất và phổ biến những hình ảnh khiêu dâm này.

23551735

Mại dâm làm tổn thương phẩm giá của người làm nghề này, biến phẩm giá đó thành dụng cụ cho khoái lạc xác thịt. Người trả tiền [mua dâm] phạm tội cách nghiêm trọng nghịch với chính bản thân: họ phá hủy đức khiết tịnh mà bí tích Rửa Tội đòi buộc, và làm ô uế thân xác của mình là đền thờ Chúa Thánh Thần.102 Mại dâm là một tai họa cho xã hội. Thường thì liên quan đến người nữ, nhưng cũng có người nam, thiếu nhi hoặc thiếu niên (trong hai trường hợp sau, lại có thêm tội gây gương xấu). Mặc dù hành nghề mại dâm luôn là trọng tội, nhưng sự khốn cùng, những hăm dọa và sự thúc đẩy của xã hội có thể làm giảm thiểu tính quy tội của tội lỗi.

23562297, 1756, 2388

Hiếp dâm là dùng sức mạnh, với bạo lực, bắt kẻ khác quan hệ tính dục với mình. Tội này làm tổn thương đức công bằng và đức mến. Hiếp dâm xúc phạm sâu xa đến quyền của mỗi người là quyền được tôn trọng, quyền tự do và quyền được toàn vẹn về thể lý và luân lý. Tội này gây thương tổn nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của nạn nhân. Hành vi này luôn là một điều xấu từ bản chất. Hiếp dâm lại càng nghiêm trọng hơn, khi cha mẹ (x. tội loạn luân) hay những người giáo dục hiếp dâm các trẻ em được ủy thác cho họ.

Đức khiết tịnh và sự đồng tính luyến ái (2357-2359)

23572333

Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay những người nữ, cảm thấy sự hấp dẫn tính dục, độc chiếm (exclusive) hoặc vượt trội (praevalenter) đối với những người cùng phái tính. Đồng tính luyến ái mang những hình thức rất khác nhau qua các thế kỷ và các nền văn hóa. Nguồn gốc tâm thần của hiện tượng này phần lớn vẫn chưa giải thích được. Dựa trên Thánh Kinh, vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng,103 truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô trật tự.”104 Chúng nghịch với luật tự nhiên. Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thật sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.

2358

Một số không nhỏ những người nam và người nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, sự nghiêng chiều vô trật tự một cách khách quan đó, là một thử thách. Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử bất công nào đối với họ. Những người này được kêu gọi thực hiện ý Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, và, nếu là Ki-tô hữu, họ được kêu gọi kết hợp các khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình, với hy lễ thập giá của Chúa.

23592347

Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm, và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện và ân sủng bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Ki-tô Giáo.

III. Tình yêu của đôi phối ngẫu (2360-2379)

23601601

Tính dục quy hướng tới tình yêu phu phụ giữa người nam và người nữ. Trong hôn nhân, sự ái ân thể xác của đôi phối ngẫu trở thành dấu chỉ và bảo chứng của sự hiệp thông tinh thần. Giữa những người đã chịu Phép Rửa, dây liên kết hôn nhân được thánh hóa bằng một bí tích.

23611643, 2332, 1611

“Tính dục…, qua đó người nam và người nữ hiến thân cho nhau bằng những hành vi riêng và đặc trưng của đôi phối ngẫu, không chỉ là một cái gì đó thuần túy sinh học, nhưng nó đụng chạm đến phần thâm sâu nhất của nhân vị. Tính dục chỉ được thực hiện một cách nhân bản đích thực, nếu nó là một phần để hoàn thành tình yêu, qua đó người nam và người nữ cam kết hiến thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết”:105

“Tô-bi-a ngồi dậy, ra khỏi giường và nói với Xa-ra: ‘Đứng lên, em! Chúng ta hãy cầu nguyện nài xin Chúa để Ngài xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng ta’. Cô đứng lên, rồi cả hai bắt đầu cầu nguyện và nài xin cho mình được cứu độ. Tô-bi-a bắt đầu như sau: ‘Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con, xin chúc tụng Chúa… Chính Chúa đã dựng nên ông A-đam, dựng nên cho ông một người trợ giúp và nâng đỡ là bà E-và, vợ ông. Và dòng dõi loài người đã sinh ra từ hai ông bà. Chính Chúa đã nói: Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một người trợ giúp giống như nó. Giờ đây, không phải vì lòng dục mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương con và em con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già’. Rồi họ đồng thanh nói: ‘A-men, A-men!’. Sau đó, họ ngủ luôn cho đến sáng” (Tb 8,4-9).

2362

“Những hành vi…, qua đó đôi phối ngẫu kết hợp với nhau cách thân mật và khiết tịnh, đều ngay chính và xứng đáng, và khi được thực hiện cách thật sự nhân bản, những hành vi ấy biểu thị và khích lệ sự hiến thân cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong tâm tình vui mừng và biết ơn.”106 Tính dục là nguồn mạch của sự hoan lạc và thú vui.

“Chính Đấng Tạo Hóa… cũng đã sắp đặt để, trong nhiệm vụ sinh sản, đôi phối ngẫu gặp được thú vui và hạnh phúc cả thân xác cả tinh thần. Vì vậy, đôi phối ngẫu chẳng làm điều gì xấu, khi tìm kiếm và tận hưởng thú vui đó. Họ đón nhận những gì Đấng Tạo hóa đã nhắm ban cho họ. Tuy nhiên, đôi phối ngẫu cũng phải biết giữ mình trong những giới hạn của sự tiết độ chính đáng.”107

2363

Nhờ sự kết hợp của đôi phối ngẫu, mục đích kép của hôn nhân được thể hiện: lợi ích của chính đôi phối ngẫu và sự lưu truyền sự sống. Không thể tách biệt hai ý nghĩa hoặc hai giá trị này của hôn nhân, mà không làm biến chất đời sống tinh thần của đôi phối ngẫu cũng như phương hại đến những lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình.

Như vậy, tình yêu phu phụ của người nam và người nữ được đặt dưới một đòi hỏi kép là sự chung thủy và sự sinh sản con cái.

Sự chung thủy phu phụ (2364-2365) [1646-1648]

23641603, 1615

Đôi phối ngẫu làm nên “cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu phu phụ, đã được Đấng Tạo hóa thiết lập và ban cho những luật lệ riêng. Cộng đồng đó được thiết lập bằng giao ước của đôi phối ngẫu, nghĩa là bằng sự ưng thuận cá vị không thể thu hồi.”108 Cả hai hiến thân cho nhau cách vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân xác duy nhất. Giao ước đã được đôi phối ngẫu ký kết cách tự do, buộc họ có bổn phận phải bảo tồn sự duy nhất và bất khả phân ly của giao ước đó.109 “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).110

23651640

Lòng chung thủy diễn tả sự kiên trì tuân giữ lời đã cam kết. Thiên Chúa là Đấng trung tín. Bí tích Hôn Phối dẫn đưa người nam và người nữ vào sự trung tín của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh Người. Nhờ sự khiết tịnh phu phụ, họ làm chứng về mầu nhiệm đó trước mặt trần gian.

Thánh Gio-an Kim Khẩu gợi ý cho các bạn trẻ lập gia đình nói những lời sau đây với vợ họ: “Anh ôm em và anh yêu em, anh quý em hơn cả linh hồn mình. Vì cuộc sống hiện tại chẳng là gì hết, nên anh cầu nguyện, anh nài xin, và anh làm mọi sự, sao cho chúng ta được coi là xứng đáng khi sống cuộc sống hiện tại, hầu chúng ta cũng có thể được như vậy trong cuộc sống đời sau, để được kết hợp với nhau trong sự an toàn trọn hảo… Anh đặt tình yêu của em lên trên tất cả; và sẽ chẳng có gì làm cho anh khổ tâm hơn là anh phải lìa xa em.”111

Sự sinh sản trong hôn nhân (2366-2372) [1652-1653]

2366

Sự sinh sản là một hồng ân, một mục đích của hôn nhân, bởi vì tình yêu phu phụ tự nhiên hướng về việc sinh sản. Đứa con không phải là cái gì từ bên ngoài được thêm vào tình yêu hỗ tương của đôi phối ngẫu; nó xuất hiện ngay ở trọng tâm của việc hai người hiến thân cho nhau; nó là hoa trái và là sự hoàn thành của việc hiến thân cho nhau đó. Như vậy, Hội Thánh, vốn “đứng về phe sự sống”,112 dạy rằng “bất cứ hành vi hôn nhân nào, tự nó, vẫn luôn được nhắm đến việc sinh sản sự sống con người.”113 “Đạo lý này, thường được Huấn quyền trình bày, dựa trên sự liên kết bất khả phân ly, do Thiên Chúa ấn định, điều mà con người không được phép tự ý cắt đứt, giữa ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản, cả hai đều thuộc về một hành vi phu phụ.”114

23672205

Là những người được kêu gọi trao tặng sự sống, đôi phối ngẫu tham dự vào quyền năng tạo dựng và tình phụ tử của Thiên Chúa.115 “Trong bổn phận lưu truyền sự sống con người và giáo dục, điều phải được coi như sứ vụ riêng của mình, đôi phối ngẫu biết rằng mình là những cộng tác viên của tình yêu Thiên Chúa và như những người diễn đạt tình yêu của Ngài. Vì vậy, họ sẽ chu toàn nhiệm vụ của mình bằng trách nhiệm của một con người và của một Ki-tô hữu.”116

2368

Một khía cạnh đặc biệt của trách nhiệm liên quan đến việc điều hòa sinh sản. Khi có lý do chính đáng,117 đôi phối ngẫu có thể muốn tách rời khoảng cách các lần sinh con. Chính họ có bổn phận phải chứng thực rằng lựa chọn đó của họ không do sự ích kỷ mù quáng, nhưng là một lựa chọn phù hợp với lòng quảng đại chính đáng của tình phụ tử có trách nhiệm. Ngoài ra, họ phải hành động theo những tiêu chuẩn khách quan của luân lý:

“Khi cần hòa hợp tình yêu phu phụ với việc sinh sản con cái có trách nhiệm, phải ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành thực và việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn khách quan, rút ra từ bản tính của nhân vị và bản chất của các hành vi nơi nhân vị: những tiêu chuẩn đó tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự hiến thân cho nhau và của việc sinh sản con cái, trong bối cảnh tình yêu đích thực. Đó là điều không thể thực hiện được nếu không thực tâm vun trồng đức khiết tịnh phu phụ.”118

2369

“Khi duy trì hai khía cạnh căn bản là kết hợp và sinh sản, hành vi phu phụ giữ được toàn vẹn ý nghĩa của tình yêu hỗ tương và chân thực, và sự quy hướng của tình yêu đó về nhiệm vụ hết sức cao cả là làm cha làm mẹ.”119

2370

Sự tiết dục từng thời kỳ, những phương pháp điều hòa sinh sản dựa trên việc tự quan sát và chu kỳ những thời gian không thể thụ thai,120 là phù hợp với các tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Những phương pháp này tôn trọng thân thể của đôi phối ngẫu, khuyến khích họ âu yếm nhau và cổ võ cho việc giáo dục về tự do đích thực. Trái lại, tự bản chất đều là xấu, “bất cứ hành vi nào trước, trong, hoặc sau cuộc trao đổi phu phụ, nhằm mục đích hay tạo phương thế ngăn cản sự sinh sản.”121

“Như thế, thay vì là một ngôn ngữ tự nhiên diễn tả sự hiến thân hỗ tương và trọn vẹn giữa đôi phối ngẫu, việc ngăn cản sự thụ thai đưa ra một ngôn ngữ biểu lộ sự mâu thuẫn khách quan, rõ ràng không còn phải là sự hiến thân cho nhau cách trọn vẹn nữa: từ đó, không những có sự khước từ tích cực không mở ngỏ cho sự sống, mà còn có sự giả tạo về chân lý nội tại của chính tình yêu phu phụ, một tình yêu hướng tới sự hiến thân cho nhau bằng toàn bộ nhân vị… Sự khác biệt về nhân học đồng thời về luân lý giữa việc ngăn cản sự thụ thai với việc tôn trọng những khoảng cách thời gian… bao hàm hai loại quan niệm về nhân vị và về tính dục, không thể kết hợp hai quan niệm đó với nhau.”122

23711703

“Ngoài ra, mọi người đều phải ý thức rằng sự sống con người và nhiệm vụ lưu truyền sự sống không chỉ bị giới hạn ở đời này: việc đánh giá chân thật và ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ có thể hiểu được khi quy chiếu về vận mệnh vĩnh cửu của con người.”123

23722209

Nhà Nước có trách nhiệm về sự thịnh vượng của các công dân. Trên danh nghĩa này, Nhà Nước can thiệp để định hướng sự gia tăng dân số là điều hợp pháp. Nhà Nước có thể làm điều đó qua việc thông tin khách quan và tôn trọng tự do, nhưng không được dùng biện pháp độc tài và cưỡng bách. Nhà Nước không thể thay thế cách hợp pháp sáng kiến của đôi phối ngẫu, là những người đầu tiên có trách nhiệm về việc sinh sản và giáo dục con cái của họ.124 Trong lãnh vực này, quyền bính không được can thiệp bằng những phương thế trái với luật luân lý.

Con cái là tặng phẩm của Thiên Chúa (2373-2379)

2373

Sách Thánh và thực hành truyền thống của Hội Thánh thấy trong những gia đình đông con một dấu chỉ của sự chúc lành thần linh và lòng quảng đại của cha mẹ.125

23741654

Nỗi đau khổ của những đôi phối ngẫu kết hôn mà không thể sinh con thật là to lớn. “Ông Áp-ra-ham thưa: Lạy Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái’” (St 15,2). Bà Rakhel nói với chồng mình là Giacob: “Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất!” (St 30,1).

23752293

Những nghiên cứu nhằm giảm thiểu các trường hợp vô sinh của con người phải được khuyến khích, nếu chúng phục vụ “con người, các quyền bất khả nhượng cũng như lợi ích đích thực và toàn vẹn của con người, đúng theo kế hoạch và ý muốn của Thiên Chúa.”126

2376

Những kỹ thuật phá vỡ liên hệ phụ mẫu qua sự can thiệp của một người ngoài cuộc hôn nhân (cho tinh dịch hoặc noãn bào, cho mượn tử cung) là những hành vi đáng hổ thẹn cách nghiêm trọng. Những kỹ thuật này (thụ tinh nhân tạo và thụ thai nhân tạo khác nguồn) vi phạm quyền của đứa con, là phải được sinh ra do cha và mẹ được biết là đã chính thức kết hôn. Những kỹ thuật này phản lại “quyền độc hữu [của đôi phối ngẫu], là chỉ nhờ nhau mà cả hai mới được làm cha, làm mẹ.”127

2377

Nếu được thực hiện bên trong hôn nhân (thụ tinh nhân tạo và thụ thai nhân tạo cùng nguồn), những kỹ thuật này có lẽ sẽ ít tổn hại hơn; nhưng về mặt luân lý, chúng vẫn không thể được chấp nhận. Chúng tách rời hành vi tính dục khỏi hành vi sinh sản. Hành vi đặt nền cho sự hiện hữu của đứa con không còn là hành vi hiến thân cho nhau của hai nhân vị nữa, nhưng lại là hành vi “trao sự sống và căn tính của phôi thai con người cho quyền lực của các bác sĩ và các nhà sinh học, và như vậy, thiết lập một sự thống trị nào đó của kỹ thuật trên nguồn gốc và số phận của nhân vị. Sự thống trị như vậy, tự bản chất, đi ngược với phẩm giá và sự bình đẳng, những điều đó phải là chung cho cả cha mẹ lẫn con cái.”128 “Về phương diện luân lý, việc sinh sản này mất đi sự hoàn hảo riêng của nó, khi nó không được nhắm tới như là kết quả của hành vi phu phụ, hoặc hành vi kết hợp riêng của đôi phối ngẫu… Ngoài ra, chỉ có sự tôn trọng mối dây liên kết giữa những ý nghĩa của hành vi phu phụ và sự tôn trọng tính thống nhất của hữu thể nhân linh mới làm cho sự sinh sản xứng hợp với phẩm giá con người.”129

2378

Đứa con không phải là một của nợ (debitum), nhưng là một tặng phẩm (donum). “Tặng phẩm tuyệt hảo của hôn nhân” là một nhân vị. Đứa con không thể được coi như một vật sở hữu, như người ta thường nghĩ là mình có “quyền có con.” Trong lãnh vực nầy, chỉ đứa con mới thật sự có những quyền: “quyền được hiện hữu với tư cách là hoa trái phát xuất từ hành vi riêng của tình yêu phu phụ của cha mẹ nó, chính nó có quyền được tôn trọng như một nhân vị ngay từ lúc mới tượng thai.”130

2379

Tin Mừng cho thấy sự vô sinh thể lý không phải là một điều xấu tuyệt đối. Đôi phối ngẫu nào, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, vẫn phải chịu nỗi đau khổ vô sinh, hãy kết hợp với thập giá của Chúa, là nguồn mạch mọi sự sinh sôi nảy nở thiêng liêng. Họ có thể nói lên lòng quảng đại của mình, bằng cách nhận làm nghĩa tử những đứa trẻ bị bỏ rơi và bằng cách tham gia việc phục vụ tha nhân.

IV. Những xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân (2380-2391)
Ngoại tình (2380-2381)

23801611

Ngoại tình. Từ này chỉ sự không chung thủy phu phụ. Khi hai người, mà ít là một trong hai đã có dây hôn phối, có quan hệ tính dục với nhau, kể cả nhất thời, thì phạm tội ngoại tình. Đức Ki-tô lên án tội ngoại tình, ngay cả khi chỉ là ngoại tình trong ước muốn đơn giản.131 Điều răn thứ sáu và Tân Ước tuyệt đối cấm ngoại tình.132 Các Tiên tri tố giác tính nghiêm trọng của tội ngoại tình. Các ngài thấy tội ngoại tình là hình ảnh của tội thờ ngẫu tượng.133

23811640

Ngoại tình là một sự bất công. Người phạm tội đó bỏ không thực hiện những cam kết của mình. Người đó làm tổn thương dấu chỉ của giao ước là dây liên kết hôn nhân, vi phạm quyền của người phối ngẫu kia, và xâm phạm thể chế hôn nhân khi vi phạm hôn ước, là nền tảng của thể chế đó. Người đó làm phương hại đến điều thiện hảo của việc sinh sản và của con cái, vốn cần đến sự kết hợp bền vững của cha mẹ.

Ly dị (2382-2386)

23821614

Chúa Giê-su nhấn mạnh đến ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa, Ngài đã muốn rằng hôn nhân là bất khả phân ly.134 Người bãi bỏ những nhân nhượng đã được xen vào trong Luật cũ.135 Giữa những người đã chịu Phép Rửa, “hôn nhân thành nhận và hoàn hợp (ratum et consummatum) không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào, và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong.”136

23831649

Việc ly thân (separatio) của đôi phối ngẫu, nhưng vẫn duy trì dây liên kết hôn nhân, có thể là hợp pháp trong một số trường hợp đã được Giáo Luật dự liệu.137 Nếu việc ly dị dân sự vẫn còn là phương cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi hợp pháp, như việc chăm sóc con cái hoặc bảo vệ gia sản, thì có thể chịu đựng mà không lỗi phạm về luân lý.

23841650

Ly dị là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật tự nhiên. Ly dị cố ý phá vỡ khế ước đã được đôi phối ngẫu tự do ưng thuận, để sống với nhau cho đến chết. Ly dị làm tổn thương Giao ước cứu độ mà bí tích Hôn Phối là dấu chỉ. Sự tái hôn, mặc dầu được luật dân sự công nhận, càng làm cho tình trạng đổ vỡ thêm nghiêm trọng: người tái hôn, sau khi ly dị, sống trong tình trạng ngoại tình công khai và thường xuyên:

“Người nam, sau khi bỏ vợ, không được lấy người khác. Người nữ bị chồng bỏ, cũng không được làm vợ người khác.”138

2385

Ly dị cũng mang tính vô luân do sự xáo trộn nó đưa vào tế bào gia đình và vào xã hội. Sự xáo trộn này kéo theo những tổn hại nghiêm trọng: cho người phối ngẫu bị ruồng bỏ; cho con cái, bị tổn thương sâu xa bởi sự phân ly của cha mẹ, và thường bị dằng co giữa cha và mẹ; vì hậu quả lây lan của nó, ly dị thật sự là một tai ương cho xã hội.

23861640

Có thể xảy ra là một người trong đôi phối ngẫu là nạn nhân vô tội của việc ly dị do tòa án dân sự công bố; lúc đó người này không vi phạm mệnh lệnh luân lý. Có sự khác biệt đáng lưu ý giữa người phối ngẫu thành thật cố gắng trung thành với bí tích Hôn Phối và bị ruồng bỏ cách bất công, với người phối ngẫu, do trọng tội về phía mình, phá hủy hôn nhân đã thành sự theo Giáo Luật.139

Những xúc phạm khác đến phẩm giá hôn nhân (2387-2391)

23871610

Chúng ta hiểu được bi kịch của một người, vì muốn hối cải để theo Tin Mừng, bắt buộc phải từ bỏ một hoặc nhiều người vợ đã chung sống nhiều năm. Tuy nhiên, tục đa thê không phù hợp với luật luân lý. “Tục đa thê tuyệt đối nghịch lại với sự hiệp thông phu phụ: quả vậy, tục đa thê trực tiếp khước từ ý định của Thiên Chúa, như đã được mặc khải ngay từ những buổi đầu, bởi vì nó không phù hợp với phẩm giá bình đẳng và cá vị của người nam và người nữ, những người tự hiến cho nhau bằng một tình yêu trọn vẹn, và vì vậy, tự bản chất là một tình yêu duy nhất và độc hữu.”140 Ki-tô hữu nào, trước kia là người đa thê, bị buộc nặng theo đức công bằng, phải tôn trọng những bổn phận đã ký kết liên quan đến các bà vợ ngày trước và con cái của mình.

23882356, 2207

Loạn luân chỉ những quan hệ tính dục giữa những người họ hàng cùng huyết tộc hoặc họ hàng gần, ở một cấp bậc cấm kết hôn với nhau.141 Thánh Phao-lô lên án tội lỗi đặc biệt nghiêm trọng này: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em… có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!… Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô… chúng ta phải nộp con người đó cho Xa-tan để phần xác nó bị hủy diệt” (1 Cr 5,1.4-5)… Loạn luân phá vỡ những tương quan gia đình và cho thấy một sự thoái hóa trở về thú tính.

23892285

Có thể kể là loạn luân, những lạm dụng tính dục do những người trưởng thành thực hiện đối với trẻ con hoặc thiếu niên đã được ủy thác cho họ trông coi. Lỗi phạm này tăng gấp đôi: một mặt vì gây gương xấu xâm phạm đến sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các người trẻ, và còn để lại dấu ấn suốt cuộc đời chúng, mặt khác vì họ xâm phạm trách nhiệm giáo dục của mình.

23901631, 2353, 1385

Tự do sống chung (libera iunctio) là khi một người nam và một người nữ từ chối thực hiện một hình thức pháp lý và công khai cho mối liên hệ bao hàm sự thân mật về tính dục.

Kiểu nói “tự do sống chung” là dối trá, vì có nghĩa gì một sự sống chung không hôn nhân, trong đó những nhân vị không bị ràng buộc với nhau và như vậy, chứng tỏ rằng họ không tin tưởng vào người kia, vào chính mình, hoặc vào tương lai?

Kiểu nói này chỉ nhiều trường hợp khác nhau: ăn ở với nhau không cưới xin, từ chối kết hôn theo đúng tính chất của hôn nhân, không thể ràng buộc nhau bằng những cam kết dài lâu.142 Tất cả những trường hợp này đều xúc phạm đến phẩm giá của hôn nhân; chúng phá hủy chính ý niệm về gia đình; chúng làm suy giảm ý nghĩa của lòng chung thủy. Chúng nghịch với luật luân lý: hành vi tính dục chỉ được chấp nhận trong hôn nhân; ngoài hôn nhân, hành vi này luôn luôn là một tội trọng và người vi phạm bị loại ra khỏi sự hiệp thông bí tích.

23912364

Ngày nay, nhiều người đòi hỏi “quyền thử nghiệm”, khi có ý định kết hôn. Nhưng dù quyết tâm của những người có quan hệ tính dục tiền hôn nhân có chắc chắn đến đâu đi nữa, thì “những quan hệ đó cũng không cho phép bảo đảm cách an toàn nhu cầu hỗ tương giữa các nhân vị, là người nam và người nữ, là sự chân thành và sự chung thuỷ, nhất là chẳng giúp nhu cầu đó được bảo vệ khỏi sự thay đổi những ham muốn và lựa chọn.”143 Về phương diện luân lý, sự kết hợp thể xác chỉ hợp pháp khi một cộng đồng sống vĩnh viễn giữa người nam và người nữ đã được thiết lập. Tình yêu của con người không chấp nhận “thử nghiệm.” Tình yêu đó đòi hỏi sự hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn của cả hai người.144

Tóm lược (2392-2400)

2392

“Tình yêu là ơn gọi căn bản và thuộc bản tính của mỗi con người.”145

2393

Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa đã ban cho người nam và người nữ sự bình đẳng về nhân phẩm. Mỗi người, nam cũng như nữ, phải nhận biết và chấp nhận căn tính tính dục của mình.

2394

Đức Ki-tô là khuôn mẫu của đức khiết tịnh. Mọi người đã chịu Phép Rửa đều được kêu gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống riêng của mình.

2395

Sự khiết tịnh là việc hòa nhập thành công tính dục trong nhân vị. Nó đòi hỏi việc tập luyện sự tự chủ cá vị.

2396

Trong số các tội nghịch với đức khiết tịnh cách nghiêm trọng, phải kể: thủ dâm, gian dâm, hình ảnh khiêu dâm, và các hành động đồng tính luyến ái.

2397

Giao ước, đã được đôi phối ngẫu ký kết cách tự do, bao hàm tình yêu chung thuỷ. Giao ước đó đòi buộc đôi phối ngẫu gìn giữ hôn nhân của mình bất khả phân ly.

2398

Sự sinh sản là một điều thiện hảo, một hồng ân, một mục đích của hôn nhân. Khi ban tặng sự sống, đôi phối ngẫu tham dự vào quyền phụ tử của Thiên Chúa.

2399

Việc điều hòa sinh sản là một trong những phương diện thể hiện tư cách làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Nhưng ý hướng hợp pháp của đôi phối ngẫu không biện minh cho việc sử dụng các phương thế không thể chấp nhận về mặt luân lý (thí dụ trực tiếp triệt sản hoặc chống thụ thai).

2400

Ngoại tình và ly dị, đa thê và tự do sống chung, là những xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá của hôn nhân.


Chú thích

82 X. Đnl 5,18.

83 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 11: AAS 74 (1982) 91-92.

84 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 22: AAS 74 (1982) 107; x. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 49: AAS 58 (1966) 1070.

85 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông thư Mulieris dignitatem, 6: AAS 80 (1988) 1663.

86 X. St 4,1-2.25-26; 5,1.

87 X. Mt 19,6.

88 X. Mt 5,37.

89 X. Hc 1,22.

90 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 17: AAS 58 (1966) 1037-1038.

91 Thánh Augustinô, Confessiones, 10, 29, 40: CCL 27,176 (PL 32,796).

92 X. Tt 2,1-6.

93 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 34: AAS 74 (1982) 123.

94 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 25: AAS 58 (1966) 1045.

95 X. Gl 5,22-23.

96 X. 1 Ga 3,3.

97 X. Ga 15,15.

98 X. Gl 3,27.

99 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Tuyên ngôn Persona humana, 11: AAS 68 (1976) 90-91.

100 Thánh Ambrôsiô, De viduis, 23: Sancti Ambrosii Episcopi Mediolanensis opera, v. 141 (Milano-Roma 1989) 266 (PL 16,241-242).

101 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Tuyên ngôn Persona humana, 9: AAS 68 (1976) 86.

102 X. 1 Cr 6,15-20.

103 X. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,9-10; 1 Tm 1,10.

104 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Tuyên ngôn Persona humana, 8: AAS 68 (1976) 85.

105 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 11: AAS 74 (1982) 92.

106 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 49: AAS 58 (1966) 1070.

107 ĐGH Pi-ô XII, Allocutio iis quae interfuerunt Conventui Unionis Catholicae Italicae inter Ostetrices, (29/10/1951): AAS 43 (1951) 851.

108 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1067.

109 X. Bộ Giáo Luật, điều 1056.

110 X. Mt 19,1-12; 1 Cr 7,10-11.

111 Thánh Gio-an Kim Khẩu, In epistulam ad Ephesios, homilia 20,8: PG 62,146-147.

112 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 30: AAS 74 (1982) 116.

113 ĐGH Phao-lô VI, Thông điệp Humanae vitae, 11: AAS 60 (1968) 488.

114 ĐGH Phao-lô VI, Thông điệp Humanae vitae, 12: AAS 60 (1968) 488; x. ĐGH Pi-ô XI, Thông điệp Casti connubii: DS 3717.

115 X. Ep 3,14-15;Mt 23,9.

116 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 50: AAS 58 (1966) 1071.

117 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 50: AAS 58 (1966) 1071.

118 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 51: AAS 58 (1966) 1072.

119 ĐGH Phao-lô VI, Thông điệp Humanae vitae, 12: AAS 60 (1968) 489.

120 X. ĐGH Phao-lô VI, Thông điệp Humanae vitae, 16: AAS 60 (1968) 491-492.

121 ĐGH Phao-lô VI, Thông điệp Humanae vitae, 14: AAS 60 (1968) 490.

122 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 32: AAS 74 (1982) 119-120.

123 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 51: AAS 58 (1966) 1073.

124 X. ĐGH Phao-lô VI, Thông điệp Populorum progressio, 37: AAS 59 (1967) 275-276; Id., Thông điệp Humanae vitae, 23: AAS 60 (1968) 497-498.

125 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 50: AAS 58 (1966) 1071.

126 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, Introductio, 2: AAS 80 (1988) 73.

127 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, 2, 1: AAS 80 (1988) 87.

128 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, 2, 5: AAS 80 (1988) 93.

129 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, 2, 4: AAS 80 (1988) 91.

130 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, 2, 8: AAS 80 (1988) 97.

131 X. Mt 5,27-28.

132 X. Mt 5,32; 19,6;Mc 10,11-12; 1 Cr 6,9-10.

133 X. Hs 2,7; Gr 5,7; 13,27.

134 X. Mt 5,31-32; 19,3-9; Mc 10,9; Lc 16,18; 1 Cr 7,10-11.

135 X. Mt 19,7-9.

136 Bộ Giáo Luật, điều 1141.

137 X. Bộ Giáo Luật, các điều 1151-1155.

138 Thánh Ba-si-li-ô Cả, Moralia, regula 73: PG 31,852.

139 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 84: AAS 74 (1982) 185.

140 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 19: AAS 74 (1982) 102; x. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 47: AAS 58 (1966) 1067.

141 X. Lv 18,7-20.

142 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 81: AAS 74 (1982) 181-182.

143 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Tuyên ngôn Persona humana, 7: AAS 68 (1976) 82.

144 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 80: AAS 74 (1982) 180-181.

145 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Familiaris consortio, 11: AAS 74 (1982) 92.

Scroll to Top