Tâm tình tôn giáo

Từ ngàn xưa, người Việt Nam chúng ta tin có Trời, có Thượng Đế, có Đấng Tạo Hóa dựng nên muôn loài, muôn vật hữu hình và vô hình. Chúng ta biết Trời không thiên vị, Trời rất công bằng, thương người lành phạt kẻ dữ (Hoàng Thiên chí công vô tư, Hoàng Thiên bất phụ hảo nhân tâm. Nghĩa là: Trời rất công bằng, Trời không phụ người có lòng tốt). Chúng ta biết rằng: Thuận với Trời thì được sống, nghịch với Trời thì chết (Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong).

Rất nhiều người Việt Nam chúng ta nhận biết Trời qua muôn loài muôn vật, qua cảnh sắc thiên nhiên, qua các hiện tượng trong vũ trụ. Tục ngữ có câu: “Cha mẹ sinh con Trời sinh tính”; và người ta thường nói: “Không có Trời, không ai ở với ai được...” Thực ra, mỗi người có thể hiểu các câu ấy mỗi cách khác nhau, nhưng tất cả đồng ý về một điểm: có Trời, Trời ở trên hết, Trời rất đáng kính tôn, Trời có mắt. Do đó, những khi gặp nguy hiểm, khốn cùng, người ta thường kêu Trời như một tiếng than van, cầu khẩn.

Thế rồi, từ tâm tình “tin có Trời”, nhiều người đi đến việc thờ Trời. Ở Miền Nam Việt nam, có rất nhiều gia đình lập bàn thờ ông Thiên, tức là bàn thờ Trời.

Như thế, cũng hợp với ý tưởng của kinh Dịch, bộ sách hàng đầu của Á Đông. Kinh Dịch có câu: Quân tử thờ Trời (Quân tử sự Thiên).

Hội Thánh Công Giáo không phủ nhận những điều chân thật và quý giá trong niềm tin dân gian, trong các tôn giáo. Hội Thánh thành tâm tôn trọng giới răn và giáo lý của các tôn giáo, tôn trọng những lối sống và hành động chân chính của mỗi người.

Công đồng Vaticanô II dạy: “Do bản tính tự nhiên thúc đẩy, cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc con người phải tìm kiếm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng phải tuân theo chân lý đã nhận biết, và hướng dẫn toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý... Tuy nhiên, phải tìm kiếm chân lý theo cách xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con người, tức là bằng việc tự do tìm kiếm, bằng lời giảng dạy hay giáo huấn, bằng trao đổi và đối thoại. Nhờ đó, con người tỏ cho nhau biết chân lý mà mình tìm được, hay nghĩ là đã tìm được, hầu giúp đỡ nhau trong việc tìm kiếm chân lý. Một khi đã tìm thấy chân lý, mỗi người phải tự mình xác nhận và vững mạnh tin theo” (Tuyên ngôn Tự do tôn giáo, số 233).

Vì thế, Hội Thánh Công Giáo hằng kiên trì rao giảng các xác tín tôn giáo của mình, mà trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Cũng chính trong Chúa Kitô, loài người mới tìm thấy sự thỏa mãn cho khát vọng tâm linh của mình.

Những trang sau đây có mục đích giới thiệu các chân lý căn bản của đạo Công Giáo và thành tâm kính mời bạn vào sống chung trong đại gia đình Hội thánh Chúa Kitô.

“Lòng con luôn khắc khoải cho tới khi tâm hồn được an nghỉ trong Chúa” (Thánh Augustinô).

Bài 1. Loài người tìm kiếm Thiên Chúa