Bài 24. Các chức vụ của Hội Thánh

I. LỜI CHÚA

“Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9).

II. TRÌNH BÀY

Khi xuống thế làm người, Chúa Giê-su được xức dầu để trở thành Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả (x. Is 42,13). Với ba chức vụ này, Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh cứu độ được Chúa Cha trao phó.

Khi thiết lập Hội Thánh, Chúa Giê-su thông truyền ba chức vụ ấy cho Hội Thánh.

1. Chức vụ Ngôn sứ

Ngôn sứ là người được sai đi nói lời Thiên Chúa.

Chúa Ki-tô là vị đại Ngôn sứ của Chúa Cha. Người được Chúa Cha sai đến trần gian, dùng lời nói và đời sống để loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa (x. Hc HT 35).

Chúa Ki-tô thông chia chức vụ ấy cho Hội Thánh và đổ tràn Chúa Thánh Thần trên Hội Thánh, để Hội Thánh làm Ngôn sứ, nói lời Thiên Chúa.

Người tín hữu trong Hội Thánh tham dự chức ngôn sứ của Chúa Ki-tô khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm sức và thi hành chức vụ Ngôn sứ bằng lời nói và cuộc sống.

a. Bằng lời nói: mạnh dạn phổ biến đạo lý cho người khác.

b. Bằng cuộc sống: luôn sống điều mình tin, can đảm tỏ mình là người có đạo. Nói bằng chính cuộc sống là cách thi hành chức vụ ngôn sứ hiệu quả nhất.

2. Chức vụ Tư tế

Tư tế là người dâng của lễ lên Thiên Chúa.

Chúa Giê-su là Linh mục thượng phẩm. Người thi hành chức vụ này khi dâng mình cho Chúa Cha trên thập giá.

Chúa Giê-su thông chia chức vụ Tư tế của Người cho Hội Thánh để Hội Thánh trở thành dân Tư tế, dâng của lễ đẹp lòng Chúa Cha.

Có hai chức vụ Tư tế: Tư tế phổ quát (chung) và Tư tế phẩm trật (thừa tác).

a. Chức Tư tế phẩm trật được ban cho một số tín hữu qua Bí tích Truyền chức để họ thánh hóa, giáo huấn và cai quản dân Chúa.

b. Chức Tư tế phổ quát được ban cho mọi người lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Khi ấy, họ được thánh hiến trở thành đền thờ Chúa Thánh Thần, dâng mình làm lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12).

Người giáo dân trong Hội Thánh thi hành chức Tư tế phổ quát khi họ cộng tác dâng thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, cầu nguyện và tạ ơn; khi họ sống chứng tá thánh thiện, khi họ từ bỏ mình mà sống bác ái (x. Hc HT 10).

3. Chức vụ Vương giả

Vương giả là vua – cai trị – phục vụ.

Chúa Giê-su là Vua khi vâng lời Chúa Cha chịu chết trên thập giá. Nhờ sự vâng lời này, Người được tôn vinh trên muôn loài (x. Pl 2,9). Chính Người chinh phục mọi tạo vật dưới quyền Người để dâng lại cho Chúa Cha (x. 1 Cr 15,24).

Chúa Giê-su thông chia chức vương giả của Người cho Hội Thánh để Hội Thánh cùng thống trị với Người. Tinh thần thống trị của Chúa Ki-tô là phục vụ trong khiêm hạ.

Người tín hữu trong Hội Thánh tham dự chức Vương giả của Chúa Ki-tô khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm sức và thi hành chức vụ vương giả bằng nhiều cách (x. HT 36):

a. Khi họ thống trị các nết xấu nơi bản thân.

b. Khi họ làm cho cảnh sống chung quanh trở nên thuần khiết, lành mạnh.

c. Khi họ phục vụ anh chị em trong thái độ khiêm hạ, vô vị lợi.

d. Khi họ làm cho mọi công việc trần thế thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô.

III. BÀI HỌC

Hỏi: Chúa Ki-tô trao cho Hội Thánh những chức vụ nào?

Trả lời: Chúa Ki-tô trao cho Hội Thánh ba chức vụ là Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả.

Hỏi: Chức vụ Ngôn sứ là gì?

Trả lời: Là chức vụ rao giảng, nghĩa là Hội Thánh có nhiệm vụ rao truyền Lời Thiên Chúa cho mọi người.

Hỏi: Chức vụ Tư tế là gì?

Trả lời: Là chức vụ thờ phượng, nghĩa là Hội Thánh có nhiệm vụ dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi và lễ vật lòng thành để tôn thờ Người.

Hỏi: Chức vụ Vương giả là gì?

Trả lời: Là chức vụ thống trị trong tinh thần phục vụ, nghĩa là Hội Thánh có nhiệm vụ làm cho mọi công việc trần thế thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô.

IV. THÁI ĐỘ SỐNG

Khi gia nhập Hội Thánh, tôi được tham dự ba chức vụ là Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả của Chúa Ki-tô. Tôi cố gắng học biết cách tôn thờ Chúa và phục vụ mọi người.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, con sắp được sống trong tập thể Hội Thánh. Xin cho con sẵn sàng làm bất cứ điều gì hữu ích để liên đới trách nhiệm với Hội Thánh.

Scroll to Top